Virus corona – Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?

Virus corona – Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?

Cuối tháng 2/2020, dịch Covid-19 bắt đầu lan mạnh ngoài Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, với việc chậm trễ ban bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế và thái độ thụ động trước chính quyền Trung Quốc, chính WHO đã góp phần để dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn?February 26, 2020

\"\"/

Ngày 24/02, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo quốc tế chuẩn bị đối phó ”đại dịch”. Tuy nhiên, WHO bị phê phán đã không thực thi triệt để các nghĩa vụ của định chế quốc tế này, để dịch bệnh tại Trung Quốc được hiểu rõ hơn, được kiểm soát tốt hơn. Cũng có nghĩa là khó lan ra bên ngoài hơn, và một khi lan ra ngoài, cộng đồng quốc tế sẽ có nhiều khả năng phòng vệ hơn.

Hiện tại tình hình dịch Covid-19 đặc biệt gây lo ngại tại Hàn Quốc, Iran và Ý, nơi dịch có thể tràn sang nhiều nước châu Á, Trung Cận Đông và châu Âu. Đại dịch đang trở nên nhãn tiền. Trả lời RFI, ông François Renaud, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), chuyên gia về các bệnh dịch truyền nhiễm, nhấn mạnh đến quyền lực rất hạn chế của WHO trong việc tác động đến chính sách y tế nội bộ của các nước, và lo ngại về tình hình rất thiếu thông tin – cùng với thông tin sai lạc, bị bóp méo phổ biến – về bệnh dịch hiện nay, khiến rất khó có được các đánh giá sát với diễn biến bệnh dịch. Theo ông, chống dịch như ”cứu hỏa”, hơn bao giờ hết cộng đồng quốc tế cần ngồi lại để thảo luận kỹ càng về khủng hoảng dịch Covid-19, và đây cũng là dịp để cải tổ triệt để phương thức hợp tác quốc tế trước các tình trạng khẩn cấp nói chung mà nhân loại phải đối mặt.

WHO: Giữa mềm dẻo ”ngoại giao” và ”hiệu quả y tế”

Về vai trò và khả năng hành động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, giáo sư Anne-Marie Moulin, một chuyên gia về lịch sử y tế quốc tế, lưu ý trước hết đến vai trò ngoại giao của định chế quốc tế này. Theo bà, ”WHO vốn thường bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi thận trọng về mặt ngoại giao, và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng”, đối với quốc tế.

Giáo sư Anne-Marie Moulin nhấn mạnh đến phản ứng của WHO, trong dịch Covid-19 lần này, rõ ràng là nhanh chóng hơn ”khá nhiều” so với dịch Ebola trước đây. Tuy nhiên, theo bà, một điều cũng rõ ràng WHO đã không phê phán cách xử lý bệnh dịch chậm trễ của chính quyền Trung Quốc, định chế quốc tế này ”đã không tận dụng được thời điểm Bắc Kinh tuyên bố dịch, chậm hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện ca bệnh đầu tiên, để chỉ ra những điểm sai của chính quyền Trung Quốc”. Giáo sư Anne-Marie Moulin nhắc đến một thực tế là dịch bệnh – sau này được gọi là Covid-19 – đã được giới tài xế tại Vũ Hán truyền tin cho nhau sớm hơn rất nhiều so với tuyên bố của chính quyền. Và WHO đã bỏ qua điều này.

Dù sao, nhìn chung, giáo sư Moulin nhận định: ”Về mặt ngoại giao, WHO đã làm được những gì có thể trong khả năng của mình”. Bởi rõ ràng là rất khó vừa hợp tác với chính quyền một quốc gia, trong khi cùng lúc đó lại phê phán chính quyền đó, đặc biệt là đối với chính quyền Trung Quốc, mà khả năng tác động trên thực tế của WHO là rất hạn chế.

Bắc Kinh cam kết để quốc tế tìm hiểu bệnh dịch

Bác sĩ Paul Benkimoun, một nhà báo chuyên về y tế, theo dõi sát các hành động của WHO, cũng nhấn mạnh đến vị thế nhạy cảm của WHO, trong lúc thiếu nhiều thông tin cần thiết, mà phải đưa ra quyết định Tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế, trong một hoàn cảnh có ”độ bất định rất lớn”. Bởi một quyết định như vậy, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa đạo lý. Tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới phải cân bằng giữa một bên là tăng cường biện pháp kìm hãm dịch, với bên kia là không để cho các can thiệp trở nên quá đà, quá mức cần thiết, gây lo sợ. Đây là điều hết sức khó khăn, đặc biệt vào thời kỳ mà các giao lưu quốc tế, quan hệ kinh tế ngày càng trở nên mật thiết, và bệnh dịch lại xảy ra tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trong bài viết trên Le Monde ngày 29/01/2020 (”Coronavirus : comment la Chine a fait pression sur l’OMS”), bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đến nội bộ của ủy ban các chuyên gia phụ trách tư vấn cho tổng giám đốc WHO, đã bị chia rẽ hiếm thấy trong việc quyết định đưa ra hay không tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới (trong các phiên họp ngày 22 và 23/01). Nhiều nguồn tin từ nội bộ WHO cho thấy chính quyền Trung Quốc gây áp lực rất mạnh. Điều có thể hiểu được là, ông tổng giám đốc, Tedros Adhanom Ghebreyesus, khó lòng đưa ra được một quyết định mạnh, vào lúc mà chính bản thân ông đang chuẩn bị chuyến công du Trung Quốc.

Chuyến công du diễn ra trong hai ngày 27 và 28/01. Ngày 28/01, từ Bắc Kinh, WHO gửi đi thông cáo: Bắc Kinh đã chấp nhận cho ”gửi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc, ngay khi có thể, làm việc với các đồng nhiệm Trung Quốc, nhằm hiểu biết rõ hơn về bệnh dịch để định hướng các nỗ lực quốc tế trong việc đối phó” với dịch. Một ngày sau đó, WHO ra tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới.

Vẫn theo bác sĩ Paul Benkimoun, hiện tại, với Điều lệ Y tế Toàn cầu” (International Health Regulations – IHR), định chế quốc tế về y tế thế giới đã có được một công cụ pháp lý mạnh, ”có tính bó buộc đối với 196 thành viên Liên Hiệp Quốc””có mục tiêu giúp cho cộng đồng quốc tế phòng ngừa trước các hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng, các bệnh dịch có nguy cơ vượt ra bên ngoài các biên giới quốc gia, đe dọa toàn thế giới”. Bộ Điều lệ này đã được sửa đổi vào năm 2005, trong bối cảnh Trung Quốc che giấu thông tin trong nhiều tháng về bệnh dịch SARS, hoành hành trước hết tại tỉnh Quảng Đông, cuối năm 2002. Bộ Điều lệ sửa đổi mang tính bó buộc hơn trước.

Hố đen thông tin Vũ Hán, WHO làm loa cho Bắc Kinh

Trở lại với tâm dịch Vũ Hán, 3 tuần sau khi Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới, được tuyên bố, các chuyên gia quốc tế vẫn chưa đến thành phố này, cũng như tỉnh Hồ Bắc nói chung. Giải thích về việc chuyên gia quốc tế chưa đến Vũ Hán, ông Nicholas Rosellini, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc – có trách nhiệm phối hợp với WHO – cho biết đây ”chưa phải là thời điểm thích hợp” để chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, vì một chuyến đi như vậy có thể gây trở ngại cho các hoạt động của ngành y tế Trung Quốc đang tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại thành phố này. Giải thích nói trên được báo chí Trung Quốc đăng tải ngày 18/02.

Như vậy, thông tin về diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán, tại Hồ Bắc, rút cục vẫn là một hồ đen với giới khoa học quốc tế. Cùng lúc đó, WHO gần như làm nhiệm vụ hàng ngày truyền đi các số liệu về người nhiễm, người chết do dịch Covid-19, do chính quyền Trung Quốc cung cấp. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng WHO chỉ là một cái loa của Bắc Kinh?

Cho đến nay, các dữ liệu mà chính quyền Trung Quốc cung cấp là quá chung chung. Giáo sư Anne-Marie Moulin cho biết, từ góc độ dịch tễ học, bà ”chưa được đọc, được xem các dữ liệu chính xác về dịch bệnh”. Rất nhiều số liệu chung được cung cấp, ví dụ như số lượng 4.000 người chết, nhưng rất thiếu các thông tin cụ thể về người bệnh qua đời, vì dịch Covid-19, về tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nơi cư trú cụ thể, cũng như phục dựng lại con đường lan truyền của virus. Nhà sử học y tế nhấn mạnh đến một thực tế là, trong nhiều xã hội trước đây, để đối phó với dịch bệnh, phương tiện rõ ràng là thô sơ và ít hơn nhiều, nhưng lại có khá đủ các nguồn dữ liệu cho phép các sử gia phục dựng lại quá trình diễn biến của dịch, dựa trên việc tổng hợp hồi ức của nhiều người, ngược lại, dịch bệnh tại Vũ Hán diễn ra ngay trước mắt chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin chính xác về diễn biến thực sự của dịch bệnh.

Thụ động trước Bắc Kinh ngay từ đầu

Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ về y tế cộng đồng, cũng đưa ra nhận xét theo cùng hướng này, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò thụ động của WHO trong giai đoạn trước khi Trung Quốc thừa nhận dịch (ngày 20/01/2020) và trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa (ngày 23/01):

”Có thể nói rằng cho đến hai tuần đầu của tháng 1/2020, WHO đã có đầy đủ thông tin để xác định căn nguyên gây dịch, cũng như cái hướng xét nghiệm làm cơ sở cho việc xác định tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc, đặc biệt là liên quan đến quy mô dịch mà xét nghiệm có thể cung cấp được. Ở mảng này, tôi thấy có vấn đề, cả từ phía Trung Quốc là nơi ổ dịch phát sinh, trong đó có vai trò của WHO. Đó là thông tin về dịch tế học, về nguy cơ, xác suất mắc bệnh, đường truyền của virus, thời gian nhiễm bệnh, thời gian lây truyền, cách thức lây truyền, giai đoạn ủ bệnh… Những thông tin này đã bị chậm. Tôi nhận thấy rằng tình trạng không rõ ràng này tiếp tục được duy trì trong những tuần đầu tháng 1/2020, kể cả cho đến khi thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị cô lập. Cho đến lúc đó, các thông tin về dịch tễ học cơ bản để giúp cho việc lên kế hoạch, chiến lược để kiểm soát dịch là chưa rõ ràng. Dường như WHO phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin dịch tễ học của Trung Quốc, trong khi đó, để xây dựng được chiến lược đối phó toàn cầu phải có các thông tin rõ ràng hơn. WHO dường như đã không có động thái thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, và điều này đã gây khó khăn cho việc thiết lập một chiến lược có hiệu quả trong việc phòng chống dịch”.

2/3 người Trung Quốc nhiễm virus ”mất hút”

Dịch Covid-19 đột ngột bùng phát trong những ngày gần đây tại nước Ý, vốn là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Tình trạng Khẩn cấp đối phó dịch (ngày 31/01), ngay sau khi WHO tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế. Giới chuyên gia đặt câu hỏi vì sao ?

Nhà báo, bác sĩ Paul Benkimoun, trong bài viết ”La pandémie de coronavirus paraît inéluctable” (Le Monde, ngày 25/02/2020), nêu ra hai nghiên cứu dịch tễ học mới đây, của hai nhóm khoa học gia Anh và Pháp, công bố ngày 21 và 23/02 (một của Viện Imperial College, Luân Đôn, và một của ê kíp Inserm, Đại học Sorbonne, do bà Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học và y tế công, lãnh đạo). Hai điều tra đưa ra cùng một kết luận: ước tính đã có khoảng hai phần ba người Trung Quốc nhiễm virus, xuất ngoại, ”mất hút”.

Hai nghiên cứu hiếm hoi nói trên chỉ ra ”phần chìm của tảng băng”, hình ảnh mà nhiều người thường dùng để nói về dịch Covid-19 đáng sợ, khó lường. Bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch được coi là ”bất ngờ” tăng vọt tại nước Ý những ngày gần đây.

Phong tỏa Vũ Hán: Phần trách nhiệm của WHO

Nhiều người đặt câu hỏi : Phải chăng một trong những nguyên nhân chính của việc hai phần ba số người Trung Quốc nhiễm virus xuất ngoại, nhưng ”mất hút”, là do chính sách che giấu thông tin về diễn biến dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh, ngay cả khi Trung Quốc đã chính thức thừa nhận có dịch? WHO đóng vai trò gì khi để Bắc Kinh độc quyền thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc?

Cũng nhiều câu hỏi được đặt ra về các tác động nhiều mặt của biện pháp phong tỏa hàng chục triệu dân cư tỉnh Hồ Bắc, trên quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. WHO đã nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh về biện pháp được coi là triệt để này. Hiện vấn đề này còn rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại, nhiều ý kiến phản biện đã vạch ra tác dụng con dao hai lưỡi của biện pháp thời chiến này. Chưa những hậu quả vô cùng lớn đến chính đời sống và tình trạng an ninh y tế của người dân vùng bị phong tỏa (bị nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo là một thảm họa cho người dân), một trong các hệ quả lớn đối với bên ngoài là: nhiều người xuất thân từ vùng dịch, một khi ở ngoài khu vực bị phong tỏa, có xu hướng mai danh ẩn tích, vì sợ bị phát hiện. Dịch bệnh cũng có thể theo đó mà lan truyền ngoài vòng kiểm soát.

Chính quyền Trung Quốc hiển nhiên có trách nhiệm chính trong chuyện này. Nhưng WHO đóng vai trò ra sao? Liệu Tổ Chức Y Tế Thế Giới có làm đúng những gì trong phạm vi quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó?

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment