Luật sư của Trương Duy Nhất không đến tòa vì không được đảm bảo ‘quyền lợi luật sư’

Luật sư của Trương Duy Nhất không đến tòa vì không được đảm bảo ‘quyền lợi luật sư’

RFA
2020-02-27

\"Blogger

Blogger của Đài Á Châu Tự Do, Trương Duy Nhất tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 28/2/2020.

 Courtesy ZingLuật sư của Trương Duy Nhất sẽ không đến tòa vì không được đảm bảo ‘quyền lợi luật sư’00:00/09:15 

Theo dự kiến, Blogger của Đài Á Châu Tự Do, Trương Duy Nhất sẽ bị đưa ra xét xử ngày 28/2 tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, trong thời gian ông này còn làm ở báo Đại Đoàn Kết hồi năm 2004.

Tuy nhiên phiên tòa đã bị hoãn vì cả hai luật sư bào chữa của Blogger Trương Duy Nhất là Luật sư Ngô Anh Tuấn và Luật sư Đặng Đình Mạnh đã không đến phiên xử này.

Trả lời RFA, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:

“Tòa vẫn không gởi thông báo cho tôi, theo thông tin tôi biết họ còn quên luôn quyết định triệu tập đến phiên tòa. Vì nếu có quyết định triệu tập thì họ gởi cho luật sư, trong thành phần có cả chúng tôi. Luật sư Mạnh thì có nhận thông báo. Nhưng họ không gởi thông báo cho tôi thì có khả năng họ quên mất tôi. Cho nên ngày mai, tôi và luật sư Mạnh đã thống nhất là không ra tòa.”

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, trường hợp này rõ ràng ông không được mời nên ông không đến, ông chỉ nghe thông tin qua báo chí là có phiên tòa. Ông cho rằng, không được mời mà đến thì tòa sẽ không cho vào.

Lý do là phiên tòa đó chưa bảo đảm được quyền của các luật sư. Cụ thể nhất là luật sư Ngô Anh Tuấn, là người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa đã có sự phân công công việc với tôi. Bây giờ chỉ có một người sẽ không bảo đảm kế hoạch bào chữa của cả hai luật sư.
-LS. Đặng Đình Mạnh

Trao đổi với RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho biết lý do vì sao ông không đến tòa:

“Lý do là phiên tòa đó chưa bảo đảm được quyền của các luật sư. Cụ thể nhất là luật sư Ngô Anh Tuấn, là người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa đã có sự phân công công việc với tôi. Bây giờ chỉ có một người sẽ không bảo đảm kế hoạch bào chữa của cả hai luật sư. Cho nên tôi đã làm đơn xin hoãn và tôi nghĩ đơn này có cơ sở để tòa án xem xét. Do vậy tôi thấy không cần thiết ra dự tòa vào ngày mai. Sau đó tòa sẽ cho triệu tập lại, khi đó mình sẽ có mặt để bào chữa.”

Trước đó, hôm 20 tháng 2, luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Trương Duy Nhất có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do là một luật sư khác là ông Ngô Anh Tuấn cũng nhận bào chữa cho blogger này chưa nhận được thông báo đưa vụ án ra xét xử và nhất là trong giai đoạn có dịch COVID-19. Tuy nhiên cho đến hôm nay, luật sư Mạnh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời nào của tòa.

Luật sư Ngô Anh Tuấn giải thích:

“Vắng mặt lần đầu tiên thì họ sẽ không tính đến lý do và sẽ hoãn phiên tòa, trừ trường hợp ông Nhất đồng ý xử, nhưng tôi nghĩ ông Nhất sẽ không đồng ý xử. Nếu hoãn họ có thể thông báo ngày xử và tống đạt văn bản tố tụng đến cho luật sư, hoặc họ sẽ thông báo sau.”

Cô Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada, khi trao đổi với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn, cho biết ý kiến gia đình liên quan quyết định của hai luật sư bào chữa:

“Mẹ con cũng đồng quan điểm với 2 luật sư là nên hoãn phiên toà lại. Và con tin là ba con khi ra toà không thấy hai luật sư cũng sẽ yêu cầu hoãn. Vì nếu phiên toà vẫn diễn ra thì vi phạm luật rồi ạ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết chuyện xin hoãn cũng là việc thông thường. Trước đây khi bào chữa cho hai thân chủ ở Đồng Nai, ông có gặp trường hợp tương tự, tòa đã bỏ sót tên ông và không thông báo bào chữa cho ông. Nhưng phiên tòa đã được hoãn theo văn bản khiếu nại, yêu cầu hoãn xử để làm thủ tục bổ xung.

Giải thích thêm về yếu tố sai pháp luật nếu phiên tòa vẫn diễn ra bất chấp sự không đồng ý từ phía luật sư và bị can, luật sư Đặng Đình Mạnh nói:

“Sai pháp luật vì tòa đã cướp đi quyền hành nghề của luật sư Ngô Anh Tuấn, vì luật sư Tuấn đã có đăng ký và được cơ quan tố tụng cấp giấy là người bào chữa trong vụ án, thì phải thực hiện theo những quy định của luật tố tụng là phải thông báo cho luật sư bằng văn bản trước phiên xử 10 ngày.”

Những bất bình thường trong vụ án

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan vào ngày 26 tháng 1 năm 2019, một ngày sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên hiệp quốc ở Bangkok để xin quy chế tị nạn.

Mãi 2 tháng sau, vợ ông mới được phép tiếp tế cho chồng tại trại giam T16, Thanh Oai, Hà Nội và theo sổ tiếp tế thì ông bị bắt ngày 28/1/2019.

\"Hình

Hình ảnh Blogger Trương Duy Nhất đăng lên trang cá nhân của mình tháng 5 năm 2017. (Ảnh minh họa) Courtesy FB Trương Duy Nhất

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, trong một lần gặp thân chủ của ông ở trại tạm giam thì ông Nhất cũng xác nhận việc mình bị hai viên Cảnh sát hoàng gia Thái Lan bắt giữ và giao cho một nhóm an ninh Việt Nam để áp tải đưa về Hà Nội.

Tổ chức  Ân Xá Quốc Tế hồi năm ngoái cáo buộc mật vụ Việt Nam được sự giúp đỡ của cảnh sát Thái Lan bắt cóc ông Trương Duy Nhất tại Thái, đồng thời yêu cầu phải có điều tra về vụ việc này. Tuy nhiên đến lúc này cả Thái Lan lẫn Việt Nam không có phản hồi nào về vụ việc này. Công An Việt Nam cũng không có bất cứ lời giải thích nào về việc blogger đột ngột có mặt trong trại giam ở Việt Nam.

Theo truyền thông trong nước, vào ngày 10/6/2019 Bộ Công an cho biết blogger Trương Duy Nhất đã bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 Bộ Luật Hình sự 2015. Trong cùng ngày, công an đã tiến hành khám xét nhà ông Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng.

Vào ngày 8/8/2019, Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố blogger Trương Duy Nhất về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên khi chuyển lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì lại bị chuyển sang khoản 3.

Luật sư Ngô Anh Tuấn giải thích về các mức án tăng nặng liên quan việc thay đổi tội danh này:

“Anh Nhất thì hồi xưa họ truy tố một tội danh khác, và bây giờ họ lại truy tố tội danh khác là ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, mặc dù tội danh trước nặng hơn, tội danh bây giờ nhẹ hơn, tuy nhiên ban đầu cơ quan điều tra kết luận theo khoản 2, nhưng lên Viện kiểm sát thì người ta lại kết luận truy tố lên tòa theo khoản 3, mức án rất nặng, từ 10 đến 15 năm… trước thì tội danh cũ ở khoản 2 thì 5 đến 10 năm tù giam. Mức mà 10 đến 15 năm tù thì rất là nặng cho Anh Nhất.”

Nếu có tội thì người đứng đầu báo Đại đoàn kết có tội chứ không phải anh Nhất, vì anh Nhất không có chức vụ quyền hạn gì trong trường hợp này cả. Anh chỉ là người ký giấy tờ theo ủy quyền của những người có quyền, chứ anh Nhất không phải là người có quyền trực tiếp mà ký cái này.
-LS. Ngô Anh Tuấn

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực chất việc chuyển đổi tội danh là bình thường, pháp luật cho phép điều đó, có nghĩa là trong quá trình điều tra không đúng tội danh này thì người ta có thể đổi tội danh khác. Tuy nhiên trong trường hợp ông Nhất có thể không phải là hành vi phạm tội, nên theo luật sư Tuấn, có lẽ Viện Kiểm sát đã chữa cháy vì không cáo buộc được ông Nhất tội chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, cơ quan điều tra đã nghĩ ra một tội khác nhằm hợp thức hóa hành vi bắt ông Nhất từ trước đến nay.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng ông Trương Duy Nhất lợi dụng chủ trương của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện bán nhà, đất công sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Đà Nẵng làm trụ sở và nhiệm vụ được Ban Biên Tập Báo Đại Đoàn Kết giao.

Cũng theo cáo trạng, ông Trương Duy Nhất đã cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, thay báo Đại Đoàn Kết nộp tiền vào ngân sách Nhà nước và ký hợp đồng nguyên tắc; theo đó sẽ sang tên nhà, đất 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây Dựng 79 của Vũ Nhôm bằng giá mua của Nhà nước. Việc làm này bị cho đã khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hơn 300 triệu đồng tại thời điểm tháng 7 năm 2004 và hơn 13 tỷ đồng tại thời điểm phát hiện ngày 17 tháng 4 năm 2018.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định:

“Bản thân chúng tôi khi đọc hồ sơ vụ án thì nhận định rõ ràng là rất khó có cơ sở để buộc tội anh Nhất, nếu có tội thì người đứng đầu báo Đại đoàn kết có tội chứ không phải anh Nhất, vì anh Nhất không có chức vụ quyền hạn gì trong trường hợp này cả. Anh chỉ là người ký giấy tờ theo ủy quyền của những người có quyền, chứ anh Nhất không phải là người có quyền trực tiếp mà ký cái này. Có nghĩa là những hành động của anh Nhất là từ sự ủy quyền của những người có quyền khác. Trường hợp này nếu có thì anh Nhất chỉ chịu trách nhiệm liên đới hay đồng phạm…”

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, trong trường hợp này, không truy tố những lãnh đạo của báo Đại đoàn kết, mà còn miễn trách nhiệm hình sự cho họ, rồi truy tố ông Nhất là không đúng theo quy định của pháp luật.

Cập nhật:

Phiên xử blogger Trương Duy Nhất vào sáng 28-2-2020 tại Hà Nội với cáo buộc \”Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ\” đã phải tạm hoãn và dời sang ngày 9-3.

Truyền thông trong nước loan tin ông Nhất và vợ là bà Cao Thị Xuân Phượng đưa ra đề nghị tại tòa cho hoãn phiên xử vì vắng mặt 2 luật sư bào chữa cho ông Nhất. Đó là luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Ngô Anh Tuấn.

Cựu Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) và vợ được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có chung kiến nghị và được Hội đồng xét xử chấp thuận.

Bài Liên Quan

Leave a Comment