Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương: Bị bắt vì để râu, đeo mạng che mặt, truy cập trang web nước ngoài
28/02/20
BBC gần đây đưa tin một tài liệu mới rò rỉ đã tiết lộ cách Trung Quốc định đoạt số phận hàng trăm ngàn người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Trong đó có nhiều người bị bắt chỉ vì thực hành những tục lệ bình thường trong tín ngưỡng tôn giáo hay vô tình truy cập trang web nước ngoài.
Tập tài liệu rò rỉ mang tên “Danh sách Karakax”
Theo BBC, tài liệu này có dạng bảng tính dài 137 trang, liệt kê thông tin chi tiết của hơn 3.000 người ở vùng tự trị Tân Cương xa xôi, hầu hết mọi khía cạnh đời sống riêng tư và sinh hoạt hàng ngày của họ đều được ghi chép trong hồ sơ này. Ví dụ như: số lần cầu nguyện, cách ăn mặc, người họ tiếp xúc hay cách cư xử của các thành viên trong gia đình.
Tài liệu cho thấy, nó có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho những người được liệt kê, và có cùng nguồn gốc với vụ rò rỉ một loạt tài liệu cực kỳ nhạy cảm ở Tân Cương được công bố vào năm ngoái.
Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, Tiến sĩ Adrian Zenz tin rằng tài liệu rò rỉ mới nhất này là sự thật.
“Cho đến nay, đây là tài liệu đưa ra bằng chứng chắc chắn nhất mà tôi từng thấy, nó cho thấy Bắc Kinh đang tích cực đàn áp và trừng phạt những người thực hành các tập tục bình thường trong tín ngưỡng tôn giáo truyền thống,” ông khẳng định.
Chẳng hạn, cha của một người đàn ông đã bị kết án 5 năm tù vì “có một bộ râu rậm hai màu khác nhau và tổ chức một nhóm nghiên cứu tôn giáo”.
Hay trong hàng 598 của bảng danh sách có ghi chép trường hợp một phụ nữ 38 tuổi, họ là Helchem, bị đưa đến trại cải tạo vài năm trước đây vì lý do: đeo mạng che mặt.
Có những trường hợp bị bắt giam chỉ vì xin hộ chiếu – một bằng chứng cho thấy ngay cả ý định đi du lịch nước ngoài hiện nay cũng được coi là một dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương.
Và sau đó là anh Nurmemet, 28 tuổi được đưa vào trại cải tạo vì lý do “nhấp vào một liên kết web và vô tình dẫn đến một trang web nước ngoài”.
Hay một người khác bị kết án 15 năm tù vì tội “liên hệ trực tuyến với người ở nước ngoài”.
Một trong những trại giam được đề cập trong tài liệu là “Trung tâm đào tạo số 4“. Đây là một trong những trại giam từng được BBC ghé thăm trong chương trình du lịch do chính quyền Trung Quốc tổ chức vào tháng 5 năm ngoái.
Tài liệu chứa thông tin chi tiết về các cuộc điều tra nghiên cứu nhắm vào 311 cá nhân chính, gồm bản kê khai học vấn, tập quán tôn giáo, mối quan hệ với hàng trăm người thân, hàng xóm và bạn bè của họ.
Các ghi chú được viết trong một cột cuối cùng của bảng tài liệu sẽ quyết định xem liệu những người đang bị giam giữ sẽ tiếp tục bị tù tội hay thả ra, và liệu những người được thả trước đó có cần bị giam lại hay không.
Trên thực tế, tiêu đề của tài liệu cho thấy rõ rằng các cá nhân chính được liệt kê, tất cả đều có người thân hiện đang sống ở nước ngoài. Từ lâu, điều này đã được coi là dấu hiệu chính của khả năng không trung thành với Đảng và đất nước, nên gần như chắc chắn họ sẽ bị giam giữ.
Bộ tài liệu trên là bằng chứng cho thấy nó hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của Trung Quốc, rằng các trại tập trung chỉ là “trường học”. Trong một bài phân tích và xác minh tài liệu, Tiến sĩ Zenz lập luận rằng, nó cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mục đích thực sự của hệ thống trại tập trung tại đây.
Nó cho thấy một cái nhìn về tư tưởng của những kẻ có quyền phán quyết ở đó. Những kẻ đã đặt ra ““cơ chế vi mô về kiểm soát tư tưởng và quản trị hành chính” của các trại tập trung.
Trong những thập kỷ gần đây, hàng triệu người Hán tràn đã vào định cư ở Tân Cương, điều này dẫn đến sự gia tăng căng thẳng sắc tộc và ý thức loại trừ nhau về kinh tế giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán đang ngày một gia tăng.
Những bất bình đó đôi khi biểu hiện trong các vụ bạo lực lẻ tẻ, nó làm thúc đẩy sự đáp trả ngày càng khắc nghiệt từ Bắc Kinh với lý do bảo vệ an ninh khu vực.
Chính vì lý do này mà người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác của Tân Cương, như người Kazakhstan và người Slovak đã trở thành mục tiêu chính trong chiến dịch giam giữ của chính quyền Trung Quốc.
Tiến sĩ Zenz gọi tài liệu rò rỉ này là “Danh sách Karakax”, nó tóm lược cách thức chính quyền Trung Quốc hiện tại xem mọi biểu hiện của tín ngưỡng tôn giáo là một dấu hiệu “không trung thành”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc vấn luôn phủ nhận mọi hành vi sai trái về các hoạt động kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tuyên bố chính phủ đang chống lại chủ nghĩa khủng bố và tôn giáo cực đoan.
Cách chính quyền Trung Quốc thâm nhập và định tội người dân Tân Cương
Để nhổ tận gốc những người ‘không trung thành’ này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách tiếp cận sâu vào những gia đình và tổ chức cốt lõi của người Duy Ngô Nhĩ.
Đầu năm 2017, khi chiến dịch giam giữ bắt đầu nghiêm ngặt hơn, các nhóm dân công trung thành của ĐCSTQ, được gọi là “các nhóm lính làng”, đã bắt đầu rà soát và thâm nhập vào xã hội người Duy Ngô Nhĩ trên quy mô lớn.
Mỗi thành viên trong nhóm được chỉ định rà soát một số hộ gia đình, họ đã đến thăm, kết bạn và ghi chép chi tiết về “không khí tôn giáo” trong nhà. Ví dụ, trong nhà có bao nhiêu quyển kinh Koran hoặc quan sát xem có các nghi thức tôn giáo gì. Từ đó dùng nó để đưa ra hình phạt nhằm bắt giam họ vào các trại tập trung.
Thông tin được thu thập từ nhóm lính làng cũng được đưa vào hệ thống dữ liệu lớn của Tân Cương, được gọi là Nền tảng theo dõi giám sát rộng khắp ở Tân Cương (IJOP).
IJOP chứa các hồ sơ giám sát và kiểm soát của khu vực, được chọn lọc từ một mạng lưới máy quay rộng lớn và phần mềm gián điệp xâm nhập vào mạng di động mà mọi người dân đều bị buộc phải tải vào thiết bị của họ.
Theo Tiến sĩ Zenz, hệ thống theo dõi IJOP có thể lần lượt sử dụng bộ não (trí tuệ nhân tạo (AI) để tham chiếu chéo các lớp dữ liệu và gửi “thông báo tấn công” tới các nhóm lính làng để điều tra một cá nhân cụ thể.
Người đàn ông được phát hiện “vô tình truy cập đường link dẫn đến một trang web nước ngoài” cũng có thể đã bị giam giữ do hệ thống IJOP.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không cần nhiều hỗ trợ từ công nghệ tiên tiến để kết tội một người, mà chỉ với thuật ngữ “không đáng tin”, đã đủ kết luận người đó có hàng loạt các khả năng gây nguy hiểm tiềm ẩn, và từ này xuất hiện nhiều lần trong tài liệu.
Theo lập luận của Tiến sĩ Zenz, khái niệm này là bằng chứng cho thấy hệ thống trại giam được thiết kế không chỉ dành cho những người phạm tội, mà cho toàn bộ người dân Tân Cương bị xem là đáng ngờ.
Dù Trung Quốc có đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương hay không, Tiến sĩ Zenz nói rằng Danh sách Karakax cho biết một điều quan trọng liên quan đến tâm lý của một hệ thống đang diễn ra khắp Tân Cương.
“Nó tiết lộ quan điểm của chính quyền, xem người dân Tân Cương như phù thủy để săn lùng, quan điểm đó, đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đời sống xã hội trong khu vực [Tân Cương]”, ông nói.
Trung Quốc luôn tuyên bố khu tự trị Tân Cương có chính sách “tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo cho mọi người”. Họ cũng khẳng định rằng “chương trình đào tạo nghề ở Tân Cương” chỉ có “mục đích chống khủng bố và cực đoan tôn giáo”, và chỉ những người bị kết án về tội ác liên quan đến khủng bố hoặc cực đoan tôn giáo mới đang được “giáo dục” tại các trung tâm này .
Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong Danh sách Karakax đưa ra nhiều lý do giam giữ không phải vì họ phạm tội; mà nó kết hợp nhiều lý do khác để kết tội một người. Như tôn giáo, hộ chiếu, gia đình, liên lạc nước ngoài hoặc đơn giản là không đáng tin cậy.
Tiểu Phúc (Theo Epoch Times)