Venezuela: Khủng hoảng kinh tế buộc nhiều bà mẹ phải cho con
Guillermo D OlmoBBC News Mundo, Caracas
\”Cấm vứt bỏ trẻ sơ sinh\”, tấm biển báo do Eric Mejicano tạo ra cho hay. Nghệ sỹ Venezuela này đã dán biển báo như vậy trên khắp các bức tường ở Venezuela sau khi một trẻ sơ sinh được tìm thấy trong bãi rác gần khu nhà của ông ở thủ đô Caracas.
Mejicano nói ông tung ra chiến dịch này để cảnh báo mọi người về một thực tế ở Venezuela rằng \”một cái gì đó đang trở nên phổ biến không bao giờ nên coi là bình thường\”.
Kinh tế Venezuela đang rơi tự do và cứ ba người Venezuela thì một người thiếu ăn, theo một nghiên cứu của Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hiệp Quốc.
Với việc thuốc tránh thai rất khó kiếm và nếu có thì nhiều người cũng không đủ tiền mua, mang thai ngoài ý muốn trở nên phổ biến. Luật cấm phá thai hà khắc của nước này chỉ cho phép thực hiện bỏ thai trong những trường hợp tính mạng bà mẹ bị đe dọa.
Trong khủng hoảng kinh tế, một tổ chức từ thiện cho hay năm 2018 số trẻ bị bỏ rơi trên đường phố hoặc ở lối vào các tòa nhà công cộng tăng 70%.
Chính phủ Venezuela không công bố bất kỳ con số chính thức nào những năm gần đây. Và cả bộ truyền thông lẫn các cơ quan chính phủ phụ trách về quyền trẻ em đều không trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Nhưng cách dịch vụ xã hội và nhân viên y tế mà BBC tiếp xúc khẳng định đã có sự gia tăng số trẻ bị bỏ rơi cũng như sự gia tăng đột biến số trẻ được cho đi làm con nuôi không chính thức.
\’Lối tắt\’
Nelson Villasmill là thành viên một hội đồng bảo vệ trẻ em tại một trong những khu vực nghèo nhất Caracas. Ông giải thích rằng, đối mặt với hệ thống nhận con nuôi nghèo nàn về nguồn quỹ, hoàn toàn hỗn loạn, các cha mẹ tuyệt vọng đôi khi phải tìm đường tắt.
Câu chuyện của Baby Tomás (không phải tên thật) là một trường hợp như vậy. Cậu bé được sinh ra bởi một bà mẹ nghèo sống ở Caracas – người cảm thấy rằng cô đang ở trong cảnh không thể nuôi được con.
Bác sĩ phụ khoa, người có mặt lúc Tomás chào đời, đồng ý giúp đỡ.
Ông nói đây không phải là lần đầu tiên ông gặp một bà mẹ không thể nuôi con. \”Họ gần như luôn luôn đổi ý khi lần đầu cho con bú,\” ông giải thích. \”Nhưng đôi khi không như vậy, và rồi bạn phải tìm ra giải pháp.\”
Ông liên hệ với một trong những bệnh nhân của mình. Người này ở độ tuổi 40 và đang mơ ước có một đứa con. Tania (không phải tên thật) đã không thể mang bầu.
Bà muốn giúp Tomás và mẹ cậu bé, nhưng sau khi suy nghĩ, đã quyết định không nhận cậu về nuôi. Thay vì thé, bà liên lạc với một cặp vợ chồng là bạn của bà, người đồng ý nuôi Tomás như con của họ, trong nhà họ ở vùng nông thôn Venezuela.
Nhưng họ phải lấy đứa trẻ đi nhanh chóng để tránh làm tăng nghi ngờ, vì thế Tania trả 250 đô la đút lót cho một quan chức để ông ta làm ngơ và điền tên người bạn của bà như mẹ ruột của Tomás.
Tomás hiện nay đang được bạn của bà nuôi dưỡng ở vùng nông thôn và gia đình mới của cậu bé vừa kỷ niệm ngày cậu bước đi những bước đầu tiên.
Tania nói bà không hối tiếc vì điều bà đã làm và rằng bà bỏ qua những kênh cho nhận con nuôi chính thống vì quyền lợi của Tomás. \”Tôi không bao giờ nghĩ tới việc làm bất cứ điều gì như thế này nhưng nhận con nuôi hợp pháp không thực hiện được ở Venezuela và đứa trẻ sẽ phải chịu nhiều khó khăn trong một trại trẻ mồ côi công cộng,\” bà giải thích.
Bị mắc kẹt
Tomás đã được cho đi với sự đồng ý của mẹ cậu nhưng không thiếu người bóc lột sự tuyệt vọng của phụ nữ Venezuela.
Trong khi cô đang mang thai đứa con thứ hai, chồng của Isabel chết, khiến Isabel (không phải tên thật của cô) cân nhắc từ bỏ đứa trẻ mà cô đang mong đợi. \”Tôi chỉ có một mình và sợ rằng tôi sẽ không thể nuôi được con\”, cô nói.
Theo lời khuyên của một người quen, cô đã bay đến đảo Trinidad ở Caribbean để gặp một cặp vợ chồng mà cô được cho biết rất thích nhận nuôi con cô.
Cô được cho biết sẽ có tiếng nói cuối cùng trong bất kỳ quyết định nào nhưng rồi sớm chịu áp lực từ một phụ nữ Colombia – người dàn xếp vụ này.
\”Tôi được thông báo rằng mọi thứ sẽ hợp pháp và rằng cam kết không bao giờ cho con tôi đi,\” cô nhớ lại. Nhưng một lần ở Trinidad, \”Tôi nhận ra mình đã bị mắc kẹt trong một mạng lưới buôn người\”.
\”Tôi luôn bị theo dõi,\” cô nhớ lại. Isabel nói rằng cô không được phép rời khỏi ngôi nhà nơi cô đang ở và vé khứ hồi cho chuyến bay mà cô được hứa hen đưa cô trở lại Venezuela không bao giờ thành hiện thực.
Bị chia lìa
Vài tuần sau cô sinh non trong một bệnh viện ở Trinidad. Cô quyết định giữ đứa bé nhưng ngay lập tức bị gây áp lực bởi người phụ nữ Colombia và một người đàn ông tự xưng là luật sư.
\”Họ nói với tôi rằng cha mẹ mới đang đợi ở bãi đậu xe và tôi phải ký một số tài liệu bằng tiếng Anh mà tôi không hiểu và phải trao con tôi cho họ.\”
Lúc đầu Isabel từ chối nhưng trong những tuần sau đó, những kẻ bắt giữ cô đã tăng áp lực, lấy đi thức ăn, thuốc men và tã lót của cô.
\”Cuối cùng, tôi đã phải trao con trai mình để cứu mạng con và để tôi được trở về Venezuela tìm sự giúp đỡ\”, cô nói.
Với sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ, Isabel hiện đã bắt đầu một cuộc chiến pháp lý để giành lại con trai của cô, người nằm dưới sự giám hộ của chính quyền ở Trinidad. Hiện tại, cô chỉ được phép gặp con mỗi tuần một lần.
Cô nói cô sẽ không từ bỏ cho đến khi cô được đoàn tụ với con.