Bang Washington: 6 người chết vì Covid-19, người Việt lo lắng
03/03/2020
Người Việt ở tiểu bang Washington, Mỹ, bắt đầu hoang mang và tích trữ nhu yếu phẩm khi một hạt trong tiểu bang này báo cáo 6 ca tử vong vì virus Covid-19.
Hạt King của bang Washington, nơi có thành phố lớn nhất bang là Seattle, hôm 2/3 công bố tình trạng khẩn cấp do số ca nhiễm virus corona đã tăng lên đến 14, với 5 người chết. Nạn nân tử vong thứ 6 cũng ở tiểu bang này, nhưng tại hạt Snohomish phía bắc Seattle.
Như vậy cho đến nay tất cả số người chết vì bệnh Covid-19 tại Mỹ đều ở tiểu bang Washington. Trên toàn nước Mỹ có ít nhất 102 ca nhiễm, theo số liệu CNN dẫn từ Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh (CDC) cũng như từ các chính quyền địa phương và tiểu bang, với các ca nhiễm mới ở bang New York và Florida.
Dow Constantine, người đứng đầu chính quyền hạt King, nói rằng chính quyền sẽ ‘huy động mọi nguồn lực có sẵn để giúp đỡ các thành phố, các cơ sở y tế, các doanh nghiệp và các gia đình có thể tiếp diễn cuộc sống bình thường’.
CBS News dẫn lời một nhóm các nhà khoa học ở tiểu bang này cho biết các trường hợp tử vong có thể chỉ là ‘phần nổi của tảng băng’ và ‘có thể có hàng trăm người ở Hạt King đã tiếp xúc với mầm bệnh’.
Mua hàng ồ ạt
Trên diễn đàn của cộng đồng người Việt ở Seattle đã có những bàn luận về việc tích trữ thực phẩm và đồ dùng nhằm chuẩn bị cho khả năng dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.
Một người tên Courtney Le cho biết ở siêu thị Costco Issaquah mà cô đến hôm 28/2 ‘cực kỳ đông’ và chỉ riêng hàng đợi tính tiền ‘đã dài hơn nửa tiệm’ trong khi một số mặt hàng và nước uống ‘đã hết hàng từ hôm trước’.
“Một vài người Mỹ cũng bảo họ hoang mang và chuẩn bị thức ăn thuốc men cho nhiều tuần,” người có tên Courtney Le kể lại những gì cô đã nghe thấy ở Costco.
Cũng trên diễn đàn này, một người có tên là Thich Hat viết: “Lo trước cũng tốt mà, nếu không có gì xảy ra thì để dành ăn dần khỏi đi chợ, vài thùng nước vài bao gạo, ít thịt cá, thuốc ho và vài chai khử xịt trùng ở Costco, trước sau gì nhà có con nít hay dùng mà. Nhà mình có con nhỏ nên lo là tốt. Mặc ai nghĩ gì.”
Một người khác là Khanh Ngo cho biết vợ chồng bà cũng sẽ ‘tích trữ thức ăn, thuốc men và cả khẩu trang’ nhưng ‘khẩu trang đang lên giá và sợ sẽ không mua được khẩu trang trong thời gian tới’.
“Hiện tại không ai dám chắc loại virus này có làm vỡ trận ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, để chắc ăn, mọi người cứ nên chuẩn bị những loại thực phẩm có thể để được lâu dài như: gạo, mì gói, cá khô, nước tương nước mắm…, nếu lỡ dịch có bùng phát và nếu bị cô lập thì gia đình, người thân mình không bị thiếu thực phẩm, còn may mắn không bị ảnh hưởng dịch thì các loại thực phẩm trên cũng có thể ăn dần mà không bị hư,” một người tên là Long Nguyễn viết trên diễn đàn này.
Một số người khác cũng cho biết là hàng hóa ở Costco, hệ thống siêu thị bán sỉ lớn nhất nước Mỹ, ở tiểu bang này đã hết sạch những nhu yếu phẩm. “Sáng đi Costco nước uống với giấy vệ sinh đều hết sạch. Da trắng mua nhiều còn hơn da vàng nữa,” Danzendad Le viết.
“Mấy bữa nay Costco, Target nườm nượp người nhưng các kệ hàng trống rỗng. Có người bảo có thể mua giao hàng tận nhà mà lo gì. Xin hỏi nếu vùng của bạn bị phong tỏa thì ai cho người ta giao hàng. Và khi dịch bệnh nhiều rồi, bạn có chắc là người giao không bị gì không?” James Le bình luận.
‘Chuẩn bị chứ không hoang mang’
Chia sẻ với VOA, ông Hiếu Nguyễn, một chủ tiệm làm móng tay ở vùng Renton, bang Washington, cho biết ông ‘cảm thấy dịch bệnh đang lây lan ở Mỹ’ nhưng thay vì hoang mang thì ông ‘chuẩn bị đối phó’.
Ông cho biết trong nhà ông đã có ‘trữ sẵn đồ ăn thức uống cho hai tuần’. Ngoài ra, ông và gia đình cũng ‘hạn chế tụ tập chỗ đông người, đeo khẩu trang khi đi chợ, rửa tay thường xuyên và tránh va chạm vào những chỗ không cần thiết’, ông nói.
“Ở Mỹ ít nhất cũng có sự chuẩn bị về y tế tốt hơn nên nếu có dịch bệnh xảy ra thì chính phủ Mỹ sẽ có cách đối phó tốt hơn các nước khác,” ông Hiếu trả lời khi được hỏi vì sao ông không cảm thấy hoang mang.
Về việc tích trữ hàng hóa, ông nói ông không làm theo những người khác là đi siêu thị mua hàng ồ ạt.
“Nếu chúng ta mua hàng hóa dự trữ quá nhiều sẽ dẫn đến khan hiếm hàng hóa khiến những người khác cần thật sự lại không mua được,” ông nói. “Chỉ cần dự trữ vừa đủ cho thời gian từ hai tuần đến một tháng là đủ. Không nên lo quá.”
Về hoạt động kinh doanh ở tiệm làm móng của ông, ông Hiếu cho biết ‘khách hàng vẫn đến bình thường’ và cho đến sáng thứ Hai ngày 2/3, tức là trước khi con số tử vong ở Hạt King tăng từ 2 lên đến 6 người, tiệm ông vẫn có ‘đông khách hàng đặt lịch hẹn từ trước’.
Đặc thù của ngành làm móng là có sự tiếp xúc gần gũi trong thời gian lâu giữa khách hàng và thợ làm móng. Do đó, ông Hiếu cho biết tiệm ông ‘đã chuẩn bị tất cả các loại khẩu trang loại tốt’.
“Khách hàng vào tiệm sẽ được nhắc rửa tay trước và được yêu cầu đeo khẩu trang,” ông nói. “Nhân viên phải đeo bao tay và khẩu trang dùng một lần rồi bỏ khi làm việc.”
Ông nói các nhân viên của ông ‘tâm lý vẫn bình thường’ nhưng cũng có người lo khi trường nơi con cái họ học có ca nhiễm hoặc gần nơi có ca nhiễm.
Viện dưỡng lão ở Kirkland, nơi được xem là ‘ổ dịch’ ở bang Washington vì có nhiều người nhiễm và chết vì virus corona. Ông Hiếu nói ông ‘không lo ngại ổ dịch ở đây bùng phát’.
“Viện dưỡng lão phần lớn là người già. Họ không thể tự đi lại tùm lum nên không làm lây lan dịch bệnh được,” ông giải thích. “Nếu ổ dịch xảy ra ở trường học, trẻ nhỏ không ý thức đi lại nhiều thì mới đang lo.”
Dù số ca lây nhiễm tại Mỹ đến nay đã nhiều hơn Việt Nam và Mỹ có 6 người chết trong khi Việt Nam chưa báo cáo ca tử vong nào vì Covid-19, nhưng ông Hiếu cho biết ông tin tưởng vào cách đối phó dịch bệnh của chính phủ Mỹ hơn chính phủ Việt Nam.
“Chính quyền Việt Nam ngay từ lúc lây lan dịch từ những ngày đầu đã không làm triệt để, vẫn cho người Trung Quốc đi lại bình thường (trên lãnh thổ Việt Nam) trong khi Mỹ ngay từ khi có dịch đã cấm người đi trên chuyến bay từ Trung Quốc được nhập cảnh nên hạn chế được số ca mắc cho đến nay,” ông dẫn chứng.
“Vấn đề thông tin nước Mỹ cũng làm tốt hơn vì thông tin rõ ràng, còn chính quyền Việt Nam đưa ra thông tin tôi không thể tin được. Họ có thể che đậy con số do sợ ảnh hưởng đến kinh tế.”