Cách nền Đệ Nhất Cộng Hòa xử lý vấn đề các “tiểu quốc” Hoa kiều ở Chợ Lớn

Cách nền Đệ Nhất Cộng Hòa xử lý vấn đề các “tiểu quốc” Hoa kiều ở Chợ Lớn

  • Lê Vĩnh Huy

Không phải ngẫu nhiên mà Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn và cũng không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Chợ Lớn – nơi đa số cư dân là người Hoa – biến mất sau Sắc lệnh 143/VN của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ngày 22-10-1956. Khoảng 2 tháng trước đó, nền Đệ Nhất Cộng hòa đã quyết định phải xử lý một cách triệt để vấn đề các bang hội tự trị – các “tiểu quốc” Hoa kiều ở Chợ Lớn…

A. Sơ lược bối cảnh lịch sử di dân Tàu ở Việt Nam

Đất Giao Chỉ xưa từng có lúc thuộc Tàu, nên đã ngàn năm nay, việc người Tàu sang đây sinh sống là chuyện thường tình. Trước đó thi thoảng cũng có những nhóm người Hoa di dân tới đây vì sự “Thay triều đổi đại” (Xem bài: Những đội quân Trung Quốc nương nhờ người Việt, tham gia chống ngoại xâm). Nhưng di dân Tàu ồ ạt thành đoàn thành lũ xuống phương Nam là bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII. Họ là những kẻ bất phục Mãn Thanh, tìm sang Nam để gìn giữ nề nếp phong tục người Hán. Họ tập hợp nhau lập thành làng, gọi làng Minh Hương (làng của người Minh). Để phân biệt, ta hiểu “người Minh Hương” là những di dân chính trị. Từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, ta có những “Hoa kiều”, đó là những di dân kinh tế.

\"Cách

Không có dân tộc nào tôn thờ chữ viết như người Tàu. Nghệ thuật viết chữ được luyện thành thư pháp, như một tôn giáo để di dưỡng tâm hồn. Văn tự thành chiếc cầu nối giữa người phàm với thần linh. Lưu lạc đến bất cứ đâu, việc họ bắt tay thực hiện đầu tiên là lập hội quán, để tập hợp thành cộng đồng tương trợ nhau; kế đó là xây dựng trường học, để bảo tồn chữ Hán.

Thời Hậu Lê, người Tàu đã được hưởng quy chế ngoại kiều. Người Việt vốn chuộng hư danh phù phiếm, xem thường việc kinh thương, lại thường xảy ra nội chiến, nên ngay từ Trịnh – Nguyễn phân tranh, người Tàu đã nắm trọn độc quyền khai thác khoáng sản, buôn bán gạo muối và kinh doanh vận tải; giang sơn Đại Việt chia đôi chẳng ngăn được người Tàu ở hai Đàng (Trong và Ngoài) hiệp lực với nhau, chi phối và thao túng toàn bộ kinh tế Đại Việt. Người Tàu chí thú làm ăn, cung cấp lương thực và hàng hóa cho hai phe đồng chủng Tiên Rồng đánh giết nhau, và họ trở nên giàu có, một phần do cái tật của người Việt.

Sau này, sự giàu có của người Tàu được nhà Tây Sơn ghé mắt xanh, đưa vào diện quan tâm đặc biệt. Những cuộc chém giết để cướp của của người Tàu được nhà Tây Sơn tổ chức quy mô: San bằng Cù Lao Phố Đồng Nai, hủy diệt Mỹ Tho, tàn sát Chợ Lớn (Xem bài: Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn? – Phần 1: Những cuộc tàn phá và thảm sát). Người Tàu bị đẩy vào thế phải đâu lưng cùng Nguyễn Ánh để chung sức tiêu diệt nhà Tây Sơn.

Chính vì thế, khi lên ngôi, vua Gia Long đã dành cho Hoa kiều những đặc ân lớn: nhẹ thuế khóa, miễn lao dịch và không phải đóng thuế thân. Vua lại cho phép họ thành lập bảy đại bang theo phương ngữ, được quyền tự trị, là Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nàm. Từ sau đời Minh Mạng, tuy cũng có lúc Hoa kiều bị siết chặt, ngăn ngừa họ phóng túng vô cương, nhưng Hoa kiều vẫn luôn là cộng đồng được ưu ái nhất ở Việt Nam. Đến khi người Pháp vào cai trị, những quy chế ưu đãi của Nguyễn triều dành cho Hoa kiều được duy trì hầu như không đổi, thế lực Hoa kiều cứ thế ngày một lớn mạnh.

\"Cách

Kể từ sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam chia thành hai miền Nam Bắc thì tình hình làm ăn của Hoa kiều không còn hanh thông như trước.

Trước đó, ngoài Bắc, dưới chánh quyền Đảng Cộng sản Việt Nam, các bang hội Tàu đã bị giải tán, trường dạy chữ Tàu bị đóng cửa. Không giữ được văn tự và bang hội, người Tàu đất Bắc nhanh chóng bị đồng hóa với dân bản địa, không thể phân biệt được họ với người Việt bình thường nữa. Trong Nam, chánh quyền không muốn mạnh tay, nên đã phải chật vật hơn rất nhiều trong việc đưa cộng đồng Hoa kiều hòa nhập vào khối đoàn kết toàn dân, đồng thời vẫn để họ giữ gìn bản sắc, cũng như phát huy sở trường kinh thương.

B. Diễn biến công cuộc bắt buộc Hoa kiều nhập Việt tịch

Hoa kiều đã được hưởng lợi lộc khổng lổ ở Việt Nam nhưng lại không phải thực thi nghĩa vụ gì đối với quốc gia. Quy chế ngoại kiều ở trong Nam đã giúp họ không phải đóng thuế kinh doanh; thể chế bang hội tự trị khiến họ trở thành những tiểu quốc gia trong một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Không chịu sự tài phán của tòa án Việt Nam, chẳng cần sự bảo vệ và giúp đỡ của cảnh sát, tự họ giải quyết với nhau theo phán quyết của các Bang trưởng. Sự khép kín của cộng đồng Hoa kiều là hành vi ích kỷ và bội bạc với đất nước đã cưu mang mình.

Để kiến thiết kinh tế cũng như tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, việc đưa Hoa kiều hội nhập là vấn đề quan trọng hàng đầu. Chánh phủ Thủ tướng Ngô Đình Diệm vừa mới được thành lập ở miền Nam ngày 26-10-1955, thì chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 7-12-1955, Thủ tướng đã ban hành Dụ số 10 quy định về Bộ Luật quốc tịch Việt Nam. Điều 12 ghi rõ: “Con chính thức mà mẹ là người Việt Nam, và cha là người Trung Hoa, nếu sinh đẻ ở Việt Nam thì là người Việt Nam”. Theo đó, tất cả những ai gốc Tàu sinh ra ở Việt Nam đều bắt buộc phải nhập Việt tịch, để được có quyền lợi và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

\"Cách

Những người Tàu vẫn được hưởng đặc quyền đặc lợi bấy lâu, nay bỗng dưng thấy mình có nguy cơ bị thất sủng nên đã kiên quyết bất hợp tác với chánh quyền. Hơn 800.000 thần tử Hoa Hạ ở miền Nam Việt Nam chăm chú hướng về Đài Loan, trông chờ sự can thiệp của Tưởng Giới Thạch [Con số 800.000 này không tính người Minh Hương; thời điểm đó tổng dân số Việt Nam Cộng Hòa khoảng hơn 10 triệu].

Đinh ninh Thống chế Thạch sẽ “trị” được Thủ tướng Diệm, nên Hoa kiều xem Dụ lệnh số 10 như gió thoảng ngoài tai, không đáng để ý. Trước sự khinh thường luật nước đó, chánh quyền ban hành tiếp Dụ số 48 (ngày 21-8-1956), Sửa đổi Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 16 quy định:

Hoa kiều thổ sanh (sinh trưởng tại Việt Nam) sẽ là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập và khai nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Đài Loan) trước ngày 31-8-1957. Thời hạn ấn định cho những Hoa kiều sinh tại Việt Nam phải làm khai sinh để được cấp thẻ căn cước sẽ kết thúc ngày 08-4-1957, việc kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 22-6-1957.

Bằng Dụ lệnh này, Thủ tướng Diệm cho thấy sự kiên quyết của chánh quyền để buộc Hoa kiều vào khuôn phép. Ai không muốn nhập tịch cứ sang Đài Loan sinh sống, mỗi người sẽ được chánh quyền cấp cho 400 đồng để “hồi hương”, đúng theo luật định.

Ngày 29-8-1956, Thủ tướng ban hành Dụ số 52 qui định Hoa kiều sinh sống tại miền Nam phải mang quốc tịch Việt. Khi có quốc tịch, họ được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Tàu phải Việt hóa tên họ (như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương, v.v…) chứ không được xưng các tên ngoại quốc hay tên gọi riêng (như Chú, A, Chế…) kể cả bí danh, trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải viết bằng Việt ngữ.

10 ngày sau (6-9-1956), Thủ tướng Diệm lại ra Dụ số 53, hạ đòn quyết định, đánh thẳng vào nồi cơm của người Tàu. Dụ 53 chỉ định những nghề nghiệp mà các ngoại kiều, hay các hội xã, công ty ngoại quốc không được hoạt động, đó là:

1) Buôn bán cá thịt
2) Buôn bán tạp hóa
3) Buôn bán than, củi
4) Buôn bán xăng, dầu lửa và dầu nhớt
5) Cầm đồ bình dân
6) Buôn bán vải, tơ lụa, chỉ sợi,
7) Buôn bán sắt, đồng, thau vụn
8) Nhà máy xay lúa
9) Buôn bán ngũ cốc
10) Chuyên chở hàng hóa, hành khách bằng xe hơi, hay tàu thuyền
11) Trung gian ăn huê hồng.

Những ngoại kiều đang hoạt động những nghề trên phải thôi các nghề đó trong vòng 6 tháng đối với các nghề từ số 1 đến số 7, và một năm đối với các nghề từ số 8 đến số 11. Những ai vi phạm Dụ này sẽ bị phạt tiền từ 50.000 cho đến 5 triệu đồng, và có thể bị trục xuất. Người Việt Nam nào thông đồng với ngoại kiều vi phạm thì bị phạt 6 tháng đến 3 năm tù ở, và bị phạt tiền giống mức ngoại kiều vi phạm.

Tuy Dụ lệnh chỉ đề cập chung “ngoại kiều”, nhưng nhìn vào, ai cũng nhận ra, đối tượng của nó là Hoa kiều, vì 11 nghề đó là những hoạt động chính của họ.

Ngày 24-10-1956 thủ tướng Ngô Đình Diệm đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, cho đến ngày 13-11-1956, theo Nguyễn Văn Vàng, Đặc ủy Trung Hoa sự vụ của chính quyền Sài Gòn lúc đó, thì “rất ít Hoa kiều đến khai nhận Việt tịch, Dụ 48 chưa đem lại kết quả khả quan”.

Ngày 28-11-1956, Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng quốc gia đặc trách kinh tế mời tất cả các đại diện nghề nghiệp Hoa kiều của Văn phòng Thương mại Chợ Lớn đến để nói rõ chính sách quốc tịch của chánh phủ. Ông Thơ cảnh cáo:

“Những người ngoại quốc nào còn muốn tiếp tục hoạt động kinh thương, vấn đề chính yếu là phải giải quyết cho xong vấn đề quốc tịch. Đừng nghĩ rằng chánh phủ sẽ không có biện pháp đối với những ai không muốn tiếp tục hành nghề và chịu thất nghiệp. Giải pháp đã có sẵn, nó nằm trong tầm tay của mỗi quí vị, và quí vị hãy tự quyết định lấy”.

Với hai Dụ lệnh 52 và 53, quy chế ngoại kiều ưu đãi bao đời nay dành cho người Tàu đã hoàn toàn bị bãi bỏ. Bị choáng bởi liều thuốc quá sốc, phản ứng của họ rất dữ. Họ tẩy chay thuốc lá điếu và không tiêu thụ thịt heo (là hai ngành nghề chính của người Việt lúc bấy giờ mới hình thành), thành lập Hội Hoa kiều tẩy chay hàng hóa Mỹ tại Việt Nam (nhằm làm áp lực buộc Hoa Kỳ phải góp phần can thiệp để Tổng thống Diệm thu hồi các Dụ lệnh trên). Chính quyền một mặt xoa dịu dư luận bằng cách cấp cho Hoa kiều thất nghiệp mỗi người được 200.000 đồng, nhưng hiệu lực của Dụ lệnh vẫn cứ y nguyên giá trị, bất dịch.

\"Cách

Cảnh sát Sài Gòn được phép bắt giữ và tịch thu thẻ căn cước Đài Loan của Hoa kiều để cấp lại thẻ căn cước Việt Nam cho họ. Cửa hàng của Hoa kiều kinh doanh 11 ngành nghề nói trên phải gấp rút chuyển tên người sở hữu để đứng tên thay thế.

Kinh tế miền Nam trong tháng 7 và 8-1957 bị ngừng trệ, hầu như tê liệt. Người Tàu ồ ạt rút hết tiền ký thác trong các ngân hàng, tổng số tiền rút ra từ tháng 11-1956 đến tháng 7-1957 là từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng, tương đương 1/6 lượng tiền mặt đang lưu hành trên toàn quốc. Đồng bạc Việt Nam tại thị trường chứng khoán Hồng Kông liên tiếp bị mất giá từ 35 đồng/1 USD (1956) tăng lên 90 đồng (1957) và 105 đồng trên thị trường chợ đen.

Tiếp sức đồng hương, Hoa kiều Đông Nam Á cũng làm áp lực bằng cách tẩy chay hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam mà không do người Tàu bán. Cụ thể Hồng Kông từ chối mua 40.000 tấn gạo mặc dầu đã ký hợp đồng từ trước, số gạo này khi được chở qua Singapore thì cũng bị người Tàu ở Singapore từ chối không chịu mua. Báo chí Hoa ngữ ở Đông Nam Á đồng loạt lên tiếng đả kích chế độ Tổng thống Diệm bài Hoa. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân dịp này cũng chỉ trích chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa nhằm tranh thủ cảm tình của người Tàu hải ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy mạnh “công tác Hoa vận” ở Sài Gòn – Chợ Lớn, lôi kéo người Tàu theo “cách mạng”. Nền Đệ Nhất Cộng hòa vừa mới thành lập đã gặp phải ngay cơn thử thách lớn, tình hình cực kỳ nguy hiểm quyết định tồn vong của chế độ Cộng hòa non trẻ.

Thật ra, người Tàu cũng nhận biết sự kinh doanh miễn thuế của mình là bất lương; không gì đáng hổ thẹn bằng thụ hưởng lợi ích từ một đất nước đã cưu mang mình mà lại không phải đóng góp gì để đền đáp lại. Nhưng vấn đề họ lấy làm lo sợ nhất khi nhập Việt tịch là… phải thi hành quân dịch. Đã xa rồi cái thời người Tàu liều thân xông pha sa trường đền ơn tri ngộ của các Chúa Nguyễn. Những thế hệ người Tàu sau này lớn lên đã trở lại bẩm tính thiên phú là kinh doanh, mưu cầu lợi nhuận, họ không muốn phải tham gia vào trò chơi chiến tranh của người Việt. Tài sản dẫu tiêu tán thoòng vẫn có thể gầy dựng lại, nhưng sinh mạng nếu lỡ mất đi thì không thể thu hồi.

Giờ đây, họ bị bắt buộc phải lựa chọn giữa việc tiếp tục kinh doanh với điều kiện phải cho phép con em mình tham gia chiến tranh, tái diễn trò Quốc-Cộng sinh tử ở Việt Nam; và một bên là phải rời bỏ mảnh đất mình đã mấy đời gắn bó này. Huống chi, Hoa Kỳ đang ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, cơ hội đầu tư đang mở rộng hơn bao giờ hết. Cuối năm ấy, hầu hết Hoa kiều đang sinh sống ở Nam Việt Nam đều nhập Việt tịch, chỉ hơn 40.000 người “hồi hương” về Đài Loan. Cuối cùng “cắc chú” đã phải hiểu ra: không thể sinh sống trên một đất nước mà không tuân thủ luật pháp của nước đó. Từ nay, máu của người Tàu đã cùng hội nhập với máu của người Việt, để gìn giữ nền Cộng Hòa.

Lê Vĩnh Huy

Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Chính sách cưỡng bách Hoa kiều nhập Việt tịch của Tổng thống Ngô Đình Diệm” đăng trên levinhhuy.wordpress.com.

Tài liệu tham khảo:

  • Người Hoa tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huy. Nxb NBC, Paris, 1973.
  • Tìm hiểu chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn qua các đạo dụ về vấn đề quốc tịch và vấn đề kinh tế ban hành trong hai năm 1955-1956, Trịnh Thị Mai Linh. Tạp chí Khoa Học, Đại học Sư phạm TPHCM, số 23-2010.
  • Người Hoa ở Nam bộ, Phan An. Nxb Khoa học Xã hội, 2005.
  • 〈第二次世界大戰後越南之華人政策 (1945-2003)〉Chính sách người Hoa ở Việt Nam sau Thế chiến II (1945-2003), Huỳnh Tôn Đỉnh. Luận văn nghiên cứu thạc sĩ Đại học Quốc Lập, Đài Loan, 2006.
  • Cùng vài hồ sơ liên quan của Quốc sử quán Đài Bắc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment