Trung Quốc tiếp tục đưa hơn 130 tàu bao vây khu vực đảo Thị Tứ

Trung Quốc tiếp tục đưa hơn 130 tàu bao vây khu vực đảo Thị Tứ

 04/03/20

Mặc dù đang phải đối phó với dịch virus Corona (Covid-19), tuy nhiên kể từ đầu năm đến nay, hơn 130 tàu của Trung Quốc vẫn xuất hiện bao vây gần đảo Thị Tứ, tình hình tranh chấp trên biển Biển Đông tiếp tục căng thẳng.

\"Trung
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc xuất hiện dày đặc gần đảo Thị Tứ (Nguồn: AMTI)

Vào hôm qua (2/3), Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời của Phó đô đốc Rene Medina, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines (Wescom) cho biết, kể từ đầu năm đến nay, đã có 136 tàu Trung Quốc được cho đã xuất hiện gần đảo Thị Tứ.  

Phó đô đốc Medina cho biết, từ ngày 1/1 đến 25/2, (Wescom) đã theo dõi được 136 tàu Trung Quốc xuất hiện xung quanh đảo Thị Tứ.

“Riêng trong ngày 7/2, số lượng tàu Trung Quốc tập trung đông đảo nhất, với tổng cộng 76 tàu lộ diện ở doi cát rìa tây”, Phó đô đốc Medina cho biết.

Để tính ra số lượng tàu, quân đội Philippines đã tiến hành đếm số hiệu trên thân tàu.

Bên cạnh đó, Wescom cũng phát hiện 02 tàu hải cảnh của Trung Quốc trong khoảng thời gian này, và 01 tàu của hải quân Trung Quốc xuất hiện hồi tháng 2.

\"Trung
Philippines sửa lại đường băng đã xây dựng từ những năm 1970. (Ảnh qua vnexpress.vn)

Được biết, kể từ năm 2018, sau khi Philippines sửa lại đường băng đã xây dựng từ những năm 1970 và xây thêm 6 toà nhà, 01 cảng biển ở trên đảo Thị Tứ, tàu Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động thường xuyên hơn ở khu vực này.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc gần và quanh đảo Pagasa là “phi pháp”. “chiến thuật bầy đàn” thông qua việc triển khai số lượng lớn tàu xung quanh đảo Thị Tứ theo chu kỳ đặt ra nhiều câu hỏi về ý đồ thực sự của Trung Quốc. 

Đầu tháng 4/2019, tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte sau đó đã đưa ra ‘lời khuyên’ với chính quyền Bắc Kinh rằng: “Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin, mà chỉ nói với Trung Quốc rằng, hãy rời khỏi đảo Pagasa bởi chúng tôi có binh lính tại đó. Nếu Trung Quốc xâm phạm hòn đảo, đó lại là chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh cho quân đội ‘chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cảm tử’ trong trường hợp đó”. 

\"Trung
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Reuters)

Trong năm 2019, chính quyền Manila đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của nhiều tàu thuyền được cho là đội dân quân biển của Trung Quốc. Đội tàu này dần chiếm ưu thế ở Biển Đông mà không gây đáp trả quân sự, theo một bản báo cáo của Nghị Viện Philippines năm 2019.

Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.

Từ cuối tháng 5/2018, phản ứng trước việc Philippines tiến hành sửa đường băng trên đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Mọi hoạt động được tiến hành trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp”.

\"Trung
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh qua laodong.vn)

Bà Hằng nêu rõ rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Từ Nguyên (t/h)

Bài Liên Quan

Leave a Comment