\’\’Bí mật quân sự\’\’: Một nguyên nhân dẫn đến đại dịch cúm Tây Ban Nha

\’\’Bí mật quân sự\’\’: Một nguyên nhân dẫn đến đại dịch cúm Tây Ban Nha

Đăng ngày: 05/03/2020

\"Trạm
Trạm quân y số 45 tại Aix-Les-Bains, Pháp. Binh sĩ Mỹ đến từ căn cứ American Expeditionary Force là nạn nhân của dịch cúm năm 1918. Wikimedia Commons

Trọng Thành

Đại dịch cúm Tây Ban Nha, giết chết hàng chục triệu người, một trong những thảm họa lớn nhất với nhân loại trong thế kỉ XX, được nhắc đến nhiều trong những ngày dịch bệnh Covid-19 từ Trung Quốc lan rộng ra thế giới, tháng 2/2020 này. Một số chuyên gia dịch tễ học ước tính, nếu không có biện pháp phù hợp, khoảng một nửa dân số thế giới sẽ mắc Covid-19. Nhân loại hiện nay có thể rút được những bài học gì đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa ?

Vì sao đại dịch mang tên \’\’cúm Tây Ban Nha\’\’ ?

Khác với dịch bệnh Covid-19 (do virus SARS-2-CoV-2) gây ra, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đại dịch mang tên \’\’cúm Tây Ban Nha\’\’ hoàn toàn không chỉ xuất phát từ Tây Ban Nha. Mùa xuân năm 1918, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin vua Tây Ban Nha liệt giường, có thể là nạn nhân của trận dịch cúm đang hoành hành tại Tây Ban Nha. Báo Le Matin, ngày 30/05/1918, đưa ra con số 120 nghìn người bệnh, riêng chỉ tại Madrid. Báo Gaulois, cùng thời điểm này, cho biết truyền thông Madrid đã mô tả chi tiết về trận dịch \’\’đang phát triển với tốc độ kinh hoàng\’\’. Chính trong bối cảnh này mà dịch cúm xuất hiện đầu năm 1918 được mọi người nói đến một cách tự nhiên là cúm Tây Ban Nha.

Cũng vào khoảng giai đoạn này, dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Pháp. Đã có những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 4/1918, đặc biệt trong quân đội, thế nhưng báo chí đã không được phép nói bất cứ điều gì. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài France 24, nhân dịp 100 năm đại dịch cúm Tây Ban Nha, nhà sử học Anne Rasmussen, giáo sư Đại học Strasbourg, giải thích: \’\’Vào thời điểm đó, nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Thông tin bị kiểm duyệt tại tất cả các quốc gia tham chiến\’\’. Tây Ban Nha là quốc gia trung lập, vì vậy truyền thông không bị kiểm duyệt. Nhà sử học nhấn mạnh là, trong bối cảnh này, \’\’thoạt tiên người ta tin rằng dịch cúm chỉ có tại Tây Ban Nha, chứ không phải ở những nơi khác\’\’.

Virus đột biến

Về chủ đề này, nhà sử học, kinh tế gia Pierre-Cyrille Hautcoeur, giám đốc nghiên cứu tại EHESS (Trường cao học về các khoa học xã hội), Paris, có bài viết đáng chú ý trên Le Monde, ngày 04/03/2020, mang tựa đề \’\’Dịch cúm Tây Ban Nha, một bí mật được che giấu quá kỹ\’\’. Trước hết, theo nhà sử học, việc dựng lại chính xác cội nguồn của dịch là một điều không dễ dàng, bởi vì nếu như gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy virus–thủ phạm trong một số thi thể nạn nhân, được bảo tồn dưới tầng băng giá ở vùng cực Bắc, thì việc chỉ ra \’\’thời điểm chính xác virus đột biến\’\’, để trở thành tác nhân gây dịch, vẫn còn là vấn đề đề ngỏ.

Tuy nhiên, có một điểm rõ ràng, mà các nhà nghiên cứu đạt được đồng thuận, đó là quy mô bệnh dịch kinh hoàng này đã bị che giấu trong những tháng cuối cùng của cuộc Đại chiến Thế giới thứ nhất. Sau này, chúng ta biết, số lượng người chết do virus lên đến khoảng 50 triệu (một số người đưa ra con số 100 triệu) trong thời gian 1918-1919 (tức tương đương từ 2,5 đến 5% dân số thế giới vào thời điểm đó).

Những nghiên cứu để phục dựng lại những biến chuyển của virus cúm \’\’Tây Ban Nha\’\’ mới chỉ được giới chuyên môn đầu tư nhiều từ khoảng vài chục năm trở lại đây. Các nhà khoa học ghi nhận virus gây cúm Tây Ban Nha – vốn phố biến ở nhiều vùng trên thế giới – đã có một đột biến quan trọng, được ghi nhận tại Hoa Kỳ, vào khoảng tháng 4/1918, và trở nên nguy hiểm hơn gấp bội (theo cuốn \’\’Cúm Tây Ban Nha : Giải thích về một đại dịch\’\’ của Eric Leroy, viện sĩ Viện Hàn Lâm Y Học Pháp). Xuất phát từ Boston vào khoảng tháng 9/1918, tràn ra thế giới, theo chân nhiều đơn vị quân đội Mỹ.

Gần một nửa thủy quân lục chiến Mỹ mắc cúm

Theo các nhà khoa học, dịch bắt đầu bùng lên từ một căn cứ quân sự Mỹ của lực lượng viễn chinh. Những trường hợp mắc cúm lạ, lần đầu tiên được ghi nhận là vào tháng 3/1918. Nhưng đợt thứ hai nguy hiểm, lan rộng và gây chết người nhiều hơn là vào tháng 8/1918. Vào thời điểm đó, mọi nỗ lực giành để cho chiến tranh. Bất chấp các dấu hiệu của dịch bệnh lớn, tại Mỹ, người ta vẫn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo người tham gia, để quyên góp tiền cho cuộc chiến bảo vệ các đồng minh châu Âu, và hoàn toàn sao lãng các đòi hỏi an toàn vệ sinh dịch tễ. Khoảng 40% lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã bị mắc \’\’cúm Tây Ban Nha\’\’, khoảng 4000 quân nhân thiệt mạng do cúm trên đường vượt Đại Tây Dương, theo sử gia Alfred Crosby (America’s Forgotten Pandemic : The Influenza of 1918, Nxb Cambridge, 2003, dẫn theo bài \”La grippe espagnole : le tueur invisible de 1918\”, của Marine Dumeurger, trên Geo.fr). Điều kiện khắc nghiệt tại chiến trường cũng khiến dịch bệnh dễ dàng cướp đi nhiều mạng sống.

Dịch bệnh diễn ra theo hai đợt : đợt thứ nhất kéo dài đến hết năm 1918, và đợt thứ hai ngắn hơn, diễn ra vào mùa hè năm 1919. Tỉ lệ tỉ vong rất cao, thường vượt quá 20% dân số của các cộng đồng bị dịch, thậm chí lên đến 80%. Dịch bệnh cũng đặc biệt không tha lứa tuổi 25 – 35, vốn được coi là có sức đề kháng cao hơn. Theo nhà sử học Pierre-Cyrille Hautcoeur, nếu như thông tin về tỉ lệ chết cao khác thường này được công chúng rộng rãi biết đến, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chiến dịch quân cuối cùng trong thời gian Đại chiến. Nhà sử học nêu ra con số, chỉ trong hai tháng cuối của cuộc chiến, đã có khoảng 400 000 thường dân Pháp và 100 000 binh sĩ quân đội phe Đồng Minh thiệt mạng do dịch.

Từ châu Âu bệnh tràn ra thế giới

Việc che giấu thông tin cũng được coi là nguồn gốc khiến dịch bệnh lan từ châu Âu ra những nơi khác trên thế giới. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, người ta ước tính có khoảng 6 triệu người chết, và không có con số thống kê về các nạn nhân tại châu Phi, mà ta biết rằng, tỉ lệ tử vong sẽ càng cao ở các cộng đồng dân cư nghèo khó (nhà sử học Alfred Crosby đưa ra con số 18,5 triệu người chết riêng tại Ấn Độ).

Việc không có thông tin về dịch bệnh cũng cản trở việc phổ biến những hiểu biết quan trọng, như các kinh nghiệm trị liệu. Phải cho đến những năm 1930, giới khoa học mới phân lập được virus. Vào thời điểm này, nhiều người cho dịch là do một vi trùng, được nhà bác học Đức Pfeiffer tìm ra vào năm 1892. Không có hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc bệnh, vào thời điểm đó, các bác sĩ đã phải sử dụng đủ mọi biện pháp mà họ có trong tầm tay.

Từ \’\’tắm lạnh\’\’ (để tiêu viêm), dùng thuốc nhuận tràng, cho đến sử dụng các dược phẩm như aspirine, ký ninh, iodine…, hay dùng các loại vắc xin hiệu quả trong các bệnh dịch khác. Đối với các biện pháp y tế công, để chống lại kẻ thù vô hình này, người ta cũng sử dụng đủ loại biện pháp : Từ hun khói, tẩy trùng, đóng cửa các địa điểm công cộng, phát xà phòng, thu dọn rác thải… Tất cả các biện pháp được huy động vốn cũng là những biện pháp đã được dùng để phòng chống đa số các bệnh dịch khác. Quân đội, vốn thường tự hào đã chế ngự được đủ loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như thương hàn, kiết lỵ, sốt phát ban…, hy vọng với các biện pháp truyền thống, cộng với nước sạch, thực phẩm sạch, chăn màn sạch, là có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy tổn thất do dịch bệnh gây ra là rất lớn, chưa kể, do thông tin không được minh bạch, mà bệnh dịch lan rộng ra những nơi khác của thế giới.

Sửa sai đầu tiên: Lập Cơ Quan Y Tế Hội Quốc Liên

Sau chiến tranh, giới chính trị quốc tế – nhìn chung hiểu được rằng thảm họa đã xảy ra, nhưng không công khai nói đến quy mô của thảm họa – đã tìm cách lập ra Cơ Quan Y Tế của Hội Quốc Liên, tiền thân của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) (lập ra năm 1921), với chức năng chính là kiểm soát dịch bệnh, thông tin về dịch bệnh, điều phối sự hợp tác quốc tế, là điều hoàn toàn thiếu vắng trước đó.

Về mặt các điều kiện xã hội, trình độ phát triển kinh tế, về hệ thống y tế, giữa đại dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX và dịch Covid-19 hiện nay rõ ràng có rất nhiều điểm khác xa nhau, thậm chí khác nhau một trời một vực. Các xã hội đương đại, đặc biệt là các quốc gia phát triển, có nhiều tiềm năng để đối phó hơn hẳn. Tuy nhiên, bài học căn bản mà đại dịch cúm Tây Ban Nha để lại, đó là việc theo dõi sát dịch bệnh, minh bạch thông tin, phối hợp tổ chức các biện pháp can thiệp là các điều thiết yếu, để ngăn chặn ngay từ đầu, hoặc hạn chế tác hại của dịch bệnh. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những cộng đồng người nghèo, là nạn nhân đầu tiên của các dịch bệnh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment