Quản lý thảm họa thiên tai: Nhu cầu và trách nhiệm chung của các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay

Quản lý thảm họa thiên tai: Nhu cầu và trách nhiệm chung của các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay

Ngày đăng 05-03-2020

Trong hai ngày 26-27/2, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Ban thư ký ASEAN đã tổ chức hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thảm họa thiên tai với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các quốc gia thành viên ASEAN, các nước đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế.

\"\"/

Hội nghị chuyên đề cấp cao ASEAN về quản lý thảm họa thiên tai gồm một phiên toàn thể và 6 phiên thảo luận chuyên đề liên quan đến việc hoạch định chính sách phòng chống thảm họa thiên tại khu vực Đông Nam Á, sử dụng công nghệ tiên tiến cho hệ thống cảnh báo sớm và ứng phó hiệu quả, tăng cường năng lực ứng phó của cộng đồng, bảo hiểm rủi ro thiên tai, chiến lược khôi phục và tái thiết, chương trình đối tác toàn cầu và khu vực về quản lý thiên tai.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng hội nghị này là một đóng góp khác cho các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách trao đổi quan điểm và ý tưởng về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phòng ngừa, xử lý và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai. Dẫn báo cáo của các tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký ASEAN cho biết ASEAN là một trong những khu vực chịu nhiều thảm họa thiên tai nhất trên thế giới như lũ lụt, hạn hán, bão nhiệt đới, sóng thần, động đất, lở đất… Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ thảm họa, cũng như tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng dân cư.

Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi cho rằng, trong bối cảnh quy mô thảm họa và nhu cầu nhân đạo ngày một gia tăng trên toàn khu vực, ASEAN cần tăng cường hợp tác và thúc đẩy các cơ chế nhằm bảo đảm hiệu lực và hiệu quả. Trên thực tế, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực quản lý thảm họa thiên tai thông qua các công cụ và cơ chế đã được thiết lập, trong đó phải kể đến Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (AHA), Nhóm Đánh giá và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ERAT), Hệ thống Khắc phục thảm họa khẩn cấp ASEAN (DELSA), Sổ tay Bố trí dự phòng và thủ tục tác nghiệp chuẩn của khu vực ASEAN (SASOP).

Cũng theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, thực hiện “Tuyên bố chung về một ASEAN, một phản ứng”, ASEAN đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chung về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai nhằm hỗ trợ các nỗ lực quản lý thảm họa thiên tai. Ngoài ra, với việc thông qua “Tuyên bố về văn hóa phòng ngừa”, ASEAN cũng đang nỗ lực thúc đẩy văn hóa thích ứng và bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa rủi ro thiên tai.

Bà Phạm Thị Thanh Hằng, chuyên gia cao cấp thuộc Văn phòng châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chia sẻ rằng thúc đẩy nông nghiệp bền vững và xóa đói giảm nghèo là mục tiêu, sứ mệnh của tổ chức này. Chính vì thế, phòng chống thiên tai là một mảng hoạt động vô cùng quan trọng của FAO trong khu vực, đặc biệt là tại ASEAN. FAO đã tích cực lồng ghép công tác phòng chống thiên tai trong tất cả các hoạt động của mình, từ phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đến quản lý tài nguyên bền vững và bảo đảm sinh kế của nông dân.

Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống thảm họa quốc gia Philippines kiêm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thảm họa thiên tai (AMMDM), ông Ricardo Jalad cho biết, ASEAN là khu vực rất dễ bị tổn thương do các thảm họa thiên tai. Tuy nhiên, nhờ các cơ chế và thỏa thuận về quản lý và ứng phó khẩn cấp với thảm họa thiên tai, các nước thành viên ASEAN bị ảnh hưởng có thể dựa vào sự giúp đỡ từ các quốc gia thành viên khác. Theo ông Ricardo, cùng với 3 cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng Tư và tháng Mười tới tại Philippines, hội nghị chuyên đề cấp cao này là một phần trong chuỗi các hoạt động của ASEAN nhằm quản lý và ứng phó khẩn cấp với thảm họa thiên tai. Các nội dung được thảo luận tại hội nghị giúp cập nhật kế hoạch ứng phó với thiên tai cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN theo tinh thần “Tuyên bố chung về một ASEAN, một phản ứng”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment