Syria: Nga-Thổ Nhĩ kỳ đi tìm một đồng thuận mới về chính trị

Syria: Nga-Thổ Nhĩ kỳ đi tìm một đồng thuận mới về chính trị

Đăng ngày: 05/03/2020

\"Nga
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay tìm cách siết chặt hợp tác. Ảnh minh họa: Một cuộc họp báo của ba nguyên thủ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Téhéran năm 2018. Kirill Kudryavtsev/Pool via REUTERS

Thanh Hà

Căng thẳng giữa Matxcơva và Ankara đột ngột gia tăng trong hơn hai tuần qua tại tỉnh Idlib, tây bắc Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vì những lợi ích lâu dài, Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan cần có nhau trên hồ sơ Syria.

Idlib là yếu tố dẫn đến cuộc họp bất thường tại điện Kremlin hôm 05/03/2020 giữa tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Kịch bản Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đối đầu nhau tại thành phố Idlib đã suýt xảy ra, sau loạt oanh kích trong đêm 27 rạng sáng 28/02/2020 do quân đội Damas tiến hành với sự yểm trợ của không quân Nga, làm 33 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Trước đó, một chiếc Sukhoi Su-24 của quân đội Syria mà ai cũng biết trên thực tế, đó là chiến đấu cơ của Nga, đã gây tử vong cho phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara trả đũa.

Quân đội Syria càng tiến gần đến Idlib, tình hình tại khu vực càng như một chảo lửa. Câu hỏi đặt ra là phải chăng, sau tuần trăng mật, Matxcơva và Ankara đổi chiến lược để chọn giải pháp đối đầu ? Câu trả lời có lẽ là không.

Nhìn từ phía Nga, bài toán khá đơn giản : Khi can thiệp quân sự vào Syria, Matxcơva muốn giành lại vị trí hàng đầu ở Trung Đông, nên đã đứng về phía Damas. Chính quyền Syria trong tay tổng thống Al Assad muốn chiếm lại Idlib, một trong những thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy, để có thể tuyên bố đã giành được thắng lợi trong cuộc nội chiến bùng lên tại Syria từ năm 2011.

Vấn đề đặt ra là Idlib nằm ngay sát cạnh biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đưa quân sang Syria với 2 mục tiêu. Một là diệt trừ lực lượng Kurdistan, một hiểm họa tiềm tàng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn tránh kịch bản người Kurdistan tại Syria hợp lực với phe Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai. Mục tiêu thứ hai khiến Ankara muốn bảo vệ Idlib là tránh để chiến sự xảy ra ngay sát cạnh, đẩy hàng trăm ngàn người tị nạn từ Idlib tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cần biết rằng đã có hơn ba triệu rưỡi người tị nạn Syria đang nương náu tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những điều kiện bấp bênh. Ankara muốn đưa số người tị nạn nói trên trở về Syria.

Có điều lực bất tòng tâm, khả năng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có giới hạn, trong lúc phía Syria được không quân Nga yểm trợ. Về thực chất Nga kiểm soát gần như toàn bộ không phận Syria.

Yếu thế, Ankara vừa tìm cách lôi kéo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương về phía mình, vừa chơi trò bắt bí châu Âu để đòi cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu quay trở lại Syria. Cả hai lá bài này đều không đem lại kết quả mong muốn. Tổng thống Erdogan đành phải sang tận Matxcơva điều đình với Vladimir Putin. Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, ông Erdogan thừa biết rằng trên hồ sơ Syria, không thể đạt được cả hai mục tiêu đã đề ra, nếu không có sự đồng thuận của Nga.

Về phần Nga, đành rằng điện Kremlin đang chiếm thế thượng phong trên hồ sơ Syria, nhưng trên thực tế, Matxcơva cũng rất cần đến Ankara. Fidor Loukianov, tổng biên tập tạp chí Russia in Foreign Affairs ghi nhận, \”hai quốc gia này cần có nhau để đạt được những mục tiêu của riêng mình (…) Không có Thổ Nhĩ Kỳ, và nhất là trong trường hợp đối đầu với Ankara, Nga sẽ sa lầy tại Syria\”.

Chính vì điểm này, mà mùa thu 2018 Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận tại Sotchi. Các bên quy định tại Idlib, cần phân biệt rõ giữa một bên là các phần tử thánh chiến cực đoan và bên kia là các phe chống đối ôn hòa nhắm vào tổng thống Syria. Ankara có nhiệm vụ \”vô hiệu hóa\” các nhóm thánh chiến cực đoan để đổi lấy một thỏa thuận ngưng bắn tại Idlib. Nói cách khác, Nga cũng cần có Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay để vãn hồi hòa bình cho Syria.

Do vậy, theo chuyên gia Fidor Loukianov, căng thẳng gần đây tại Idlib có thể là một khởi điểm cho một liên minh mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc họp tại Matxcơva hôm nay có thể là cột mốc quan trọng đối với chiến lược của Nga tại Syria. Vẫn theo chuyên gia này, nếu vượt được lên trên bất đồng với tổng thống Erdogan để giải quyết hồ sơ nóng bỏng này bằng một giải pháp chính trị, việc Nga đưa quân sang Syria từ hồi tháng 9/2015 cho phép Matxcơva gặt hái được những kết quả tốt đẹp, điều đó cũng có lợi cho Trung Đông. Bằng không, \”đoạn tuyệt với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ dẫn tới những hậu quả khó lường\”.

Bản thân tổng thống Vladimir Putin và ngành ngoại giao Nga quá khôn ngoan để không rơi vào cái bẫy, gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment