Mỹ – Trung bắt đầu cuộc chiến trục xuất nhân viên truyền thông

Mỹ – Trung bắt đầu cuộc chiến trục xuất nhân viên truyền thông

Ngày đăng 06-03-2020

Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố trục xuất 03 nhà báo Wall Street Journal (WSJ) thường trú tại Bắc Kinh, Mỹ chính thức đưa ra biện pháp đáp trả nặng gấp 20 lần.

\"\"/

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (02/3) cho biết, trong nhiều năm, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã áp đặt sự giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng gay gắt đối với các nhà báo Mỹ và nước ngoài khác đang hoạt động tại Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Mỹ quyết định sẽ cắt giảm số phóng viên thường trú Trung Quốc tại Mỹ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 13/3, tổng số phóng viên thường trú tại Mỹ của Tân Hoa xã, mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), China Radio International và China Daily không được quá 100 người, giảm 60 người so với trước. Nói cách khác, Mỹ sẽ hủy visa báo chí của ít nhất 60 phóng viên/nhà báo Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cơ quan này phản ánh quan điểm của chính phủ Trung Quốc do đó sẽ bị áp dụng các quy định đối với đại diện của chính phủ nước ngoài thay vì được coi là cơ quan báo chí độc lập.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết việc hủy visa báo chí đối với các nhà báo Trung Quốc không đồng nghĩa việc trục xuất họ. Tuy nhiên, kết cục thì chẳng có gì khác nhau bởi một khi đã bị hủy thị thực báo chí và không làm được những việc khác, những người này cũng sẽ bị buộc phải rời Mỹ về nước.

Ngay sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân đã lập tức phản đối hành động của Mỹ; cho rằng hai nước có một số khác biệt nhưng Trung Quốc không nghĩ rằng Mỹ nên thực hiện các bước can thiệp vào công việc của các nhà báo đến từ Trung Quốc; nhấn mạnh hành động này là “không phù hợp” đối với quan hệ song phương. Đáp lại, một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẵn sàng hành động tiếp nếu Bắc Kinh trả đũa lại động thái lần này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích động thái mới đây nhất của chính quyền Mỹ khi hạn chế số lượng các nhân viên của Trung Quốc đặt tại Mỹ đã phản ánh “tư duy Chiến tranh Lạnh”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (03/3) cho biết quyết định của Mỹ về cơ bản đồng nghĩa một số nhà báo Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ và những hành động mới nhất này của Washington đã gây tác động tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ song phương và Bắc Kinh vẫn đang giữ quyền đáp trả. Bên cạnh đó, đáp lại tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng tự do ngôn luận và tiếp tục hướng đến sự tương ứng trong mối quan hệ song phương”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter cho rằng: “Tương ứng? 29 cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc so với 9 cơ quan Trung Quốc tại Mỹ. Trung Quốc cho nhập cảnh nhiều lần còn Mỹ cho nhập cảnh một lần. 21 nhà báo Trung Quốc bị từ chối visa kể từ năm ngoái. Giờ Mỹ muốn bắt đầu trò chơi, chơi thì chơi”.

Giới truyền thông nhận định, động thái mới của Mỹ có nguy cơ làm gia tăng các biện pháp ăn miếng trả miếng từ Bắc Kinh khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tranh giành vị thế ảnh hưởng trên toàn cầu, mặc dù họ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay. Cuộc chiến đó đã tác động đến mọi lĩnh vực từ sản xuất, chuỗi cung ứng, mạng di động 5G cho đến vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng Mỹ đang nghiên cứu kế hoạch hạn chế thời gian phóng viên Trung Quốc được phép ở lại Mỹ. Điều này cũng tương tự như phía Trung Quốc khi chỉ cấp visa với thời hạn 30 ngày cho phóng viên nước ngoài và muốn ở lại họ sẽ phải xin gia hạn.

Trước đó, giới chức Mỹ (18/2) đã thông báo sẽ siết chặt quy định đối với 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ bao gồm Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và các cơ quan phát hành Nhân Dân nhật báo và Trung Hoa nhật báo phiên bản tiếng Anh. Mỹ đã xác định 5 cơ quan truyền thông nói trên của Trung Quốc là “cơ quan đại diện nước ngoài”. Thay đổi này đồng nghĩa các cơ quan này cần phải có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ để mua hoặc thuê văn phòng làm việc tại Mỹ và sẽ phải đăng ký sự thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment