Việt Nam bị cáo buộc cưỡng bức những cuộc thú tội trên truyền hình
RFA
2020-03-11
Hình minh họa. Cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh thú tội trên truyền hình quốc gia hôm 3/7/2018. Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam. Nhưng trên truyền hình quốc gia, Trịnh Xuân Thanh thú nhận đã về nước tự thú.
Một phúc trình có tên Coerced on Camera: Televised Confessions in Vietnam, tạm dịch Bị Cưỡng bức trước ống kính: nạn thú tội trên truyền hình tại Việt Nam, được tổ chức Safequard Defenders (Bảo vệ Những người Bảo vệ) công bố vào ngày 11 tháng 3.
Theo thông cáo báo chí của Safeguard Defenders, trụ sở tại Tây Ban Nha, tình trạng lạm dụng đối với những người bị tạm giam trước khi đưa ra xét xử được đưa ra ánh sáng trong phúc trình vừa nêu. Phúc trình là kết quả nghiên cứu đầu tiên về thực trạng buộc tự thú trên truyền hình tại nước Cộng hòa XHCN VN đối với những người bị giam giữ mà chưa đưa ra xét xử.
Theo Safeguard Defenders đây là một vi phạm rõ ràng của Việt Nam đối với những cam kết theo luật pháp quốc tế.
Phúc trình ghi nhận và phân tích hơn chục trường hợp tự thú trên truyền hình của những nhà bảo vệ nhân quyền; trong đó có những luật sư được kính trọng, những nhà báo công dân, dân làng cũng như những cá nhân trong các vụ án tham nhũng và giết người.
Theo phúc trình vừa nêu thì từ lâu Việt Nam theo gương Trung Quốc, một quốc gia toàn trị khác, sử dụng biện pháp buộc thú tội trên truyền hình để bị miệng những tiếng nói đối lập, cô lập những nhà bảo vệ nhân quyền, cũng như gửi thông điệp đến những chính phủ và tổ chức nước ngoài nhằm chống lại việc chỉ trích.
Safeguards Defenders kêu gọi chính phủ Việt Nam phải tuân thủ trách nhiệm là một nước tham gia ký Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân sự và Chính trị; Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc. Hà Nội phải có luật tương thích cấm biện pháp cưỡng bức thú tội và chấm dứt ngay nạn thú tội trên truyền hình, cho những người bị giam giữ được qua qui trình tư pháp đúng đắn và thượng tôn pháp luật.