Chuly sưu tầm
Mười Thương
Written by Vo Huong An…
Trong kho tàng ca dao Việt Nam, nếu lựa ra, sẽ tìm thấy rất nhiều châu ngọc, vì có những câu, những bài đã thăng hoa lên hàng nghệ thuật.
Trong số châu ngọc đó, ai không biết câu hát Mười thương?
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng, hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón Thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.
Đó là chân dung người đẹp lý tưởng của thanh niên đầu thế kỷ 20 trở về trước. Trong mười thương đó, dẫu cho đã giả từ thế kỷ 20 để bước sang thế kỷ 21 lâu rồi nhưng xem ra vẫn còn nhiều cái thương chưa lỗi thời. Chẳng hạn cái thương số hai, số ba, và bảy , tám, chín, mười. Ngọai trừ những chàng mắc bệnh tâm thần hoặc một ngày nào đó cái giống đàn ông bị kỹ thuật sinh hóa làm biến đổi con người đi nên mới chê các tiêu chuẩn vừa nói, chứ thử hỏi ai gặp người má lúm đồng tiền, ăn nói mặn mà có duyên, đang hơ hớ ở một mình, lại thêm con mắt hữu tình với ai, mà lại bỏ đi răng đành?
Bên cạnh những cái thương gần như bất biến đó, còn có non một nữa cái thương khác trở thành những tiêu chuẩn khó hiểu khó cảm với các chàng trẻ ngày nay. Chẳng hạn, Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua . . .
Ngay cả người viết ở cái tuổi gần cổ lai hi mà còn không mê nổi cái răng láng hạt huyền này, huống chi đám thanh niên, mặc dầu có bà mẹ nhuộm răng và thuở ấu thời đã từng nhiều lần đạp xe ra chợ Đông Ba để mua thuốc xỉa cho mẹ.
Tục nhuộm răng, cùng với việc ăn cau trầu, là hai nét đặc trưng của dân Việt Nam từ thời lập quốc. Hầu như mọi người đều đồng ý rằng nhuộm răng là hệ quả của việc ăn cau trầu. Chả lẽ để hàm răng nhếch nhác với nước cốt trầu bám vào, trông chẳng thẩm mỹ chút nào, chi bằng nhuộm đen cho nó tiệp màu. Cái sáng kiến của một người nào đó khi đem ra thực hành, không ngờ được nhiều người tán đồng và hưởng ứng rộng rãi khắp nơi, lại được truyền từ đời này qua đời khác, thế là tục nhuộm răng thành hình.
Trong khi trầu cau vẫn còn, dù không phồn thịnh như xưa, vì lễ nghi cưới hỏi còn bắt buộc, thì việc nhuộm răng đang dần dần biến mất, nhất là từ nửa sau thế kỷ 20. Sống cạnh nước Tàu to lớn, người Việt chịu ảnh hưởng đủ thứ, nhưng cái tục nhuộm răng lại là một nét đặc biệt mà Tàu không có. Thời xưa, đàn ông, đàn bà đều nhuộm tuốt, trai, gái tới cái tuổi choai choai (tuổi teen) đã bắt đầu nhuộm rồi, hễ ai không nhuộm, để răng trắng thì bị chê là răng trắng ngư răng Ngô. Ngô ở đây không phải bắp đâu, là chữ các cụ xưa dùng để chỉ người Trung Quốc. Thậm chí, còn bị chê răng trắng như răng bò, đâu biết rằng hãng phô-mai (cheese) Con bò cười (La vache qui rit) của Pháp nhờ chọn logo cái đầu bò cái đeo khuyên, cười nhe hàm răng trắng nhởn, làm thương hiệu mà ăn nên làm ra, nổi tiếng khắp thế giới.
Ngày nay việc tẩy răng trắng đang là một thời trang. Nhiều hãng mỹ phẩm đã chế ra những cái băng thuốc để người dùng dán vào răng ban đêm, giúp tẩy trắng răng mà không mất thì giờ. Ngày xưa, khi nhuộm răng, người ta cũng làm tương tự, nhưng vì không có plastic nên người ta bôi thuốc nhuộm lên một mảnh nhỏ lá dừa, lá cau hay lá chuối để dán vào răng ban đêm. Việc nhuộm răng luôn luôn thực hiện vào ban đêm vì đó là thời gian cái miệng được nghỉ, không ăn, không nói, cái răng được nằm yên cho thuốc dễ ngấm vào.
Trong Việt Nam phong tục , cụ Phan Kế Bính nói rằng muốn nhuộm răng thì người ta dùng cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh vào, đậy kín, để bảy ngày rồi đem phết vào miếng lá dừa hay lá cau để dán vào hai hàm răng, vào ban đêm. Làm như vậy bảy ngày thì răng ngã sang màu đỏ cánh gián, bấy giờ mới bôi thuốc đen vào để thực nhuộm. Thuốc đen làm bằng cánh kiến nấu với phèn đen. Sau khi răng đã đen rồi, để có màu bóng đẹp và giữ màu cố định, người ta dùng mảnh sọ dừa để trên con dao mà đốt cho chảy nhựa ra và dùng thứ nhựa đen đó để phết vào răng. Đây là giai đọan “giết răng”, nghĩa là răng đã đi vào tình trạng cố định màu sắc, không sợ phai nữa.
Trong thời kỳ nhuộm răng, việc ăn uống rất trở ngại, người nhuộm không được nhai, không được uống, vì thức ăn và nước sẽ làm thuốc phai màu đi. Do đó, không phải ăn và uống mà chỉ có nuốt. Để nuốt cho dễ thì thức ăn phải được làm cho mềm cho trơn để trôi tuột vào cuống họng. Nước cũng uống theo cái kiểu đó. Ở Huế có món bún gạo, rất thích hợp trong trường hợp này. Chỉ sau khi qua giai đọan “giết răng” thì mới trở lại ăn uống bình thường, không sợ răng phai màu nữa.
Cụ già với hàm răng đen
Thực ra, cách nhuộm răng theo như cụ Bính trình bày không phải là cách duy nhất. Bác sĩ Sallet, trong một bài nghiên cứu công phu về việc nhuộm răng của người Việt, đăng trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue, No4, 1928), đã đưa ra một số toa thuốc nhuộm răng, từ lọai dân gian, gia truyền, cho tới lọai của giới cung đình.
Đây là toa thuốc bình dân ở Vinh:
Ngũ bội tử: 1 lạng
Phèn đen (sulfat đồng): 1 lạng
Vỏ thạch lựu: 5 đồng cân
Bột lọc : 3 đồng cân
Ba thứ trước tán ra thành bột mịn, xong trộn với bột lọc, gia thêm một ít nước, đun nhỏ lửa, quậy đều, thành cao, phết lên lá chuối để dán vào răng ban đêm.
Về toa thuốc nhuộm răng, có hai lọai, lọai bột, để chà vào răng, gọi là thuốc tán; và lọai nấu thành cao, gọi là thuốc dán. Bs. Sallet sưu tập được nhiều toa thuộc lọai này, trong đó có hai toa thuộc lọai gia truyền ở Huế:
– Cố xỉ tán: Thanh phàn 1 lượng
Hắc phàn 1 lượng
Ngũ bội 1 đồng cân
Cam thảo 5 đồng cân
Bình lang 5 đồng cân
Tế tân 2 đồng cân
Bạch chỉ 2 đồng cân
Tam lăng 2 đồng cân
Nhũ hương 2 đồng cân
– Cố xỉ cao: Thanh phàn 1 lượng
Hắc phàn 1 lượng
Ngũ bội 1 đồng cân
Cam thảo 5 đồng cân
Bình lang 5 đồng cân
Tế tân 2 đồng cân
Bạch chỉ 2 đồng cân
Tam lăng 2 đồng cân
Nhũ hương 2 đồng cân
Bạch tật lê 5 đồng cân
Cánh kiến 5 đồng cân
Mộc được 2 đồng cân
Đương qui 3 đồng cân
Với lọai thuốc tán, đôi khi có thể dùng ngón tay để bôi thuốc vào răng, nhưng với lọai thuốc nước thì phải có dụng cụ thích hợp. Người ta dùnh một que tre, đập cho xơ mịn một đầu, chấm vào thuốc để bôi lên răng. Với đàn ông, sau khi răng đã được nhuộm xong, thường ít chăm sóc, tô bồi, chỉ cốt giữ cho sạch thì thôi. Phụ nữ thì khác. Hầu như các bà các cô, nhất là thành phần ở đô thị, thường xuyên chăm sóc hàm răng cho láng, đẹp, xứng danh hạt huyền, bằng cách xỉa thuốc đều đặn. Thuốc xỉa là một hợp chất màu đen, rất khó phai màu, lại giúp cho răng bóng. Bởi vậy mới có câu ca dao:
Lấy chồng cho đáng tấm hồng,
Bỏ công trang điểm má hồng, răng đen.
Bốn thương răng láng, hạt huyền kém thua
Nhu cầu xỉa thuốc này sinh ra một lọai tăm có hai công dụng, vừa xỉa răng vừa xỉa thuốc, mà Huế gọi là tăm bông (hoa), vừa to vừa dài, không nước nào có. Ngày trước, khi chưa có các lọai ly, tách của phương Tây, thì dân ta uống nước bằng bằng chén hay tô (bát, đọi). Đường kính trung bình 12-15cm. Trong gia đình, khi con cái hầu hạ cha mẹ hay ông bà sau bữa ăn thường rót một tô nước chè kèm theo cái tăm bông gác ngang trên tô (do một điều kiêng kỵ, không bao giờ người ta đưa tăm tận tay cho nhau). Cái tăm bông vót bằng tre cật, dài cở đó, một đầu nhọn như tăm bình thường để xỉa răng, còn đầu kia, to bằng cở mút đũa ăn, được đập xơ mịn màng, xòe ra tròn tịa như đóa hoa vạn thọ, đó là đầu để chấm thuốc xỉa răng, làm đẹp.
Không phải hễ tới tuổi nhuộm răng thì muốn nhuộm lúc nào cũng được. Trong cái việc có vẻ phổ biến này cũng có nhiều kiêng cử. Chẳng hạn, với nữ giới thì không được nhuộm răng trong kinh kỳ hoặc đang mang thai, với mọi người thì không nhuộm răng lúc có tang. Trong khi tiến hành việc nhuộm răng, không được tiếp xúc phụ nữ có tháng, có thai, hay người có tang, v.v.
Ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên vào thế kỷ 17, người Tây phương đã rất ngạc nhiên lẫn tò mò về hàm răng đen của người Việt, một tập tục kỳ lạ, chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà, từ giới cao sang quyền qúy cho đến giới bình dân. Dĩ nhiên hình ảnh hai hàm răng đen thui nằm giữa cái miệng đỏ lòm với miếng trầu đang nhai đã đem lại một ấn tượng không mấy đẹp đối với khách phương Tây. Họ chẳng ngại gì mà không ghi lại trong hồi ký viễn du những điều được xem là kỳ cục đó. Cho đến cuối thế kỷ 19, họ vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Bác sĩ Hocquard, phuc vụ 30 tháng trong đòan quân của tướng Millot ở Bắc kỳ trong các năm 1884-1886, khi gặp Tổng đốc Hà Nội lúc bấy giờ — có lẽ là ông Nguyễn Hữu Độ, nhạc gia của vua Đồng Khánh sau này – đã ghi nhận trong hồi ký của ông rằng hai hàm răng của quan Tổng đốc thật đều, khỏe và đẹp, chỉ tiếc là nó nhuộm đen bóng theo “mode” của dân An- nam, nếu không thì thiệt là hết sẩy.
Khỏang 1949-1950, người Viêt Nam đi lính cho Pháp trong Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) được trả về nước. Người ta gọi họ là “kiều bào” Gặp một trong các ông kiều bào đó, thấy răng vẫn còn đen, tôi hỏi, “ Sao anh qua Tây mà không tẩy răng cho trắng”, ông đáp:
-Để vậy, dọa mấy con đầm cho nó sợ. Tới Marseille, có con đầm hỏi tao sao răng mầy đen vậy, tao bảo tại ăn thịt người, vậy là nó sợ quá, chạy mất.
Ông ta cười, có vẻ khóai với trò đùa này , đâu biết rằng nói chơi nhưng người ta tưởng thật, có ấn tượng xấu với cả một dân tộc.
Nếu người Tây phương không có cảm tình với hàm răng đen thì hồi đầu thế kỷ 20 trở về trước, người Việt mình cũng không ưa gì răng trắng, nếu không nói là khinh miệt. Cũng trong hồi ký đăng trên tờ Tour du Monde, số xuất bản trong tam cá nguyệt thứ nhất, năm 1889, Bs. Hocquard kể lại môt câu chuyện thú vị. về sự va chạm nho nhỏ giữa hai nền văn hóa đông-tây. Trong một buổi lễ tổ chức tại Sóai phủ Sàigòn, có quan Việt Nam tham dư. Trong khi quan đang nhìn quan khách Pháp nhảy đầm thì một sĩ quan đến hỏi nhỏ:
– Thưa quan lớn, ngài thấy người Pháp chúng tôi thế nào?
– Tôi thấy đẹp; có điều mấy bà để răng chó (dents de chien)..
Chê răng trắng như răng bò, đã là quá tệ, nay tiến thêm một mức nữa là như răng chó thì thật lá quá quắt, chẳng ra ngôn ngữ ngọai giao gì cả, nhưng có thế mới biết ít có cái đẹp khách quan.
Tiến trình từ bỏ răng đen kéo dài suốt thế kỷ 20. Miền Nam chịu ảnh hưởng của Pháp sớm nhất nên giới thành thị miền này phải là tầng lớp đi đầu, riêng phụ nữ, phải là những người có quan hệ sớm sủa với người Pháp, chẳng hạn vũ nữ, hay những người lấy chồng Pháp, các me Tây. Kế đến là miền Bắc và sau cùng là miền Trung. Làm một cuộc thống kê nho nhỏ trong đại gia đình nội, ngọai, tôi thấy chỉ có các ông để răng trắng , còn mẹ tôi, các cô tôi, dì tôi, bác, thím tôi . . . vẫn đang còn răng đen, tất cả đều thuộc lứa tuổi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người trẻ nhất cũng thuộc thập niên 1900. Thậm chí, bây giờ đã bước sang thế kỷ 21, thỉnh thỏang vẫn gặp những bà cụ già để răng đen.
Nhận xét về tục nhuộm răng, Phan Kế Bính viết rằng: “Sự đẹp xấu ở trong hàm răng, cũng tùy theo cái mắt quen nhìn, dẫu trắng, dẫu đen, không hề chi cả. Duy một điều, chất nó vốn trắng, cứ theo tính tự nhiên mà để trắng cũng được, hà tất phải sinh sự lôi thôi cho khó nhọc.”
Cu Phan nói rất đúng khi dùng hai chữ khó nhọc. Mỗi lần nhuộm răng phải mất từ 10 ngày tới nữa tháng thì tiến trình mới hòan tất tốt đẹp, và phải kiêng khem gìn giữ đủ thứ, mà có đẹp chi đâu. Ngày nay, ai cũng để răng trắng, nghĩa là không nhuộm, nhưng người ta còn muốn răng trắng hơn nữa và kỹ thuật tân kỳ có thể giúp tẩy trắng răng trong 16 phút.. Giá như cụ Bính được thấy hàm răng của các xướng ngôn viên nam nữ, của các tài tử, xuất hiện hàng ngày trên màn ảnh truyền hình, rồi nhìn lại hàm răng đen của cụ bà, thì hẳn cụ phải chắc lưỡi hít hà, bởi nó bóng nó đẹp quá, nó làm cho khuôn mặt họ sáng lên. Và tôi cũng thấy như vậy. VHA.
———— —-
Tài liệu tham khảo:
– Dr. Sallet, Les plaquages des dents et les teintures dentaires chez les Annamites, B.A.V.H., No4, 1928.
– Phan Kế Bính, Viêt Nam phong tục, Phong trào Văn hóa, Sàigòn, 1972