Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở đâu trong đại dịch COVID-19?
Cao Nguyên
2020-03-16
Hình minh họa. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp ở Hà Nội hồi năm 2019
Sau gần 2 tháng kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh do virus COVID-19, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn “mất tăm”, chưa có bất kì phát biểu hay chỉ đạo nào về đại dịch này.
Lần gần nhất ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trên truyền thông là vào sáng 27/2, khi ông tiếp đại sứ các nước: Vương quốc Campuchia, Thụy Sĩ, Cộng hòa Bolivariana Venezuela, Cộng hòa Hy Lạp, Cộng hòa Paraguay, Đại Công quốc, Cộng hòa Paraguay, Vương quốc Hashemite Jordan đến trình Quốc thư.
Trong khi đó, Điều 86 Hiến pháp Việt Nam quy định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Không xuất hiện vì không có nhiệm vụ
Ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động chính trị xã hội ở Hà Nội nói với RFA rằng không chỉ có ông, mà rất nhiều người dân trong nước đang thắc mắc liệu người đứng đầu đất nước đang ở đâu trong thời điểm cả nước phải chống chọi với dịch bệnh như thế này:
“Tôi có thấy thông tin là ông Nguyễn Phú Trọng đã rất lâu rồi không thấy xuất hiện trên truyền thông cũng như các hoạt động của nhà nước, đây là việc mà tôi cũng rất là thắc mắc. Với cương vị vừa là Tổng bí thư đảng Cộng Sản, vừa là Chủ tịch nước thì đáng lý ra khi có các tình hình nguy cấp của đất nước như vấn đề dịch bệnh này thì những người đứng đầu Đảng phải có tiếng nói và có các hoạt động.
Chứ hiện tại bây giờ, nhân dân cũng như là các cơ quan báo khí đều rất thắc mắc là tại sao với vai trò với cương vị như vậy mà ông ấy lại không xuất hiện. Tất nhiên là người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng có thể ốm đau, cũng có thể có những vấn đề cá nhân. Nhưng mà một đất nước thì không thể thiếu vắng người lãnh đạo và phải có cơ chế để thay thế.
Cho đến bây giờ thì chúng ta chỉ thấy có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như là các thành viên ở trong Chính phủ đang gồng mình, vật lộn để chống chọi với cơn dịch bệnh. Đó là điều mà rất nhiều người cũng đang thắc mắc.”
Hình minh hoạ. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 từ phải sang) tại một kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2019 AFP
Ông Lê Hoàng, một người dân ở Hà Nội nói rằng hiện nay chỉ có ông Nguyễn Xuân Phúc đứng ra chỉ đạo tất cả công tác chống dịch COVID-19:
“Có nhiều người cũng đặt câu hỏi nhưng cũng chưa xác định được như thế nào. Ngay bây giờ ông ấy tránh đi như thế thì ông Nguyễn Xuân Phúc phải đứng ra để đương đầu.
Cũng chưa hiểu vì sao khi mà dịch Corona như thế này mà ông ấy lại không có một cái tăm hơi gì cả.”
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp thì việc ông Trọng không xuất hiện cũng không quan trọng vì “chống dịch” là nhiệm vụ của bên Hành pháp, mà Thủ tướng là người đứng đầu:
“Các văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp Việt Nam thì quy định không quy định những điều đấy. Những việc đó là của Hành pháp, tức là ông Thủ tướng là người đứng đầu Hành pháp chứ không phải Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước là nguyên thủ thì thực hiện ở mức độ hình thức và lễ tân, chứ không không phải là người đứng đầu hệ thống Hành pháp quốc gia Việt Nam, cho nên không quan trọng lắm.
Cái việc ông ấy đi ra thăm người ốm, hay đi ra thăm các nơi có thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long thì cũng rất tốt nhưng đó không phải là nhiệm vụ của ông ấy.
Thế còn với vai trò là Tổng bí thư cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, hệ thống một đảng, tất nhiên về mặt tình cảm thì viện lý do sức khỏe mà chưa làm được hết tất cả các việc thì người ta phải thắc mắc, và người ta cũng buồn thay.”
Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ và quyền hạn chính. Trong đó nhiệm vụ thứ năm ghi cụ thể ‘… công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. ‘
Sức khoẻ yếu nhưng vẫn muốn quyết định nhân sự khoá tới
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng “mất tích” trong lúc đất nước “gặp chuyện”. Hồi năm 2019, ông Trọng cũng giữ im lặng trong suốt hơn 3 tháng trời Trung Quốc cho tàu thăm dò Hải Dương 8 vào gần khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đánh giá rằng sở dĩ ông Trọng lâu nay không thể xuất hiện trước công chúng quá nhiều là do sức khoẻ yếu:
“Ông ấy đang ốm mà. Ông ấy đang hồi phục chậm nên đã xin phép làm việc ít đi. Lần trước cái vụ Tư Chính thì ông ấy có nói trong Hội nghị Trung ương thôi chứ không có nói ở ngoài. Còn bây giờ chuyện dịch bệnh thì chỉ có Thủ tướng nói thôi chứ Chủ tịch Quốc hội cũng chưa thấy nói gì. Chắc là họ phân công nhau.
Còn việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Chủ tịch nước rõ ràng đến đây là chưa được tốt. Bởi vì Chủ chủ tịch nước hiện nay ông ấy đã bỏ bớt một số việc.
Bây giờ ông ấy hồi phục chưa tốt cho nên ông ấy đã giao bớt một số việc cho Phó Chủ tịch nước theo hình thức nội bộ, thì bà Phó Chủ tịch nước cũng đã mấy lần bổ nhiệm các Đại sứ bậc 1 bậc 2, rồi duyệt các danh sách bổ nhiệm các Đại sứ mới. Ông ấy hoàn toàn giao quyền cho Phó Chủ tịch nước ký một số công bố, một số luật, pháp lệnh, quyết định của nhà nước.”
Hình minh hoạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018. AFP
Ông Nguyễn Lân Thắng cũng cho rằng do sức khoẻ ông Trọng đang yếu, không thể xuất hiện trước công chúng nhiều, nhưng ông ấy vẫn muốn giữ vai trò quyết định nhân sự cho Đại hội đảng 13 sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, nên vẫn cố giữ hai ghế Tổng bí thư và Chủ tịch nước:
“Tôi phán đoán là do cái tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang rất là tệ. Bởi vì chúng ta biết những thông tin rằng là ông ấy bị đột quỵ, bị những vấn đề về sức khỏe, rất là run rẩy khi mà xuất hiện trên truyền thông từ lâu rồi.
Vậy nhưng có lẽ là ông Trọng vẫn đang cố gắng níu kéo để có một vị trí quyền lực, cũng như là có một vai trò quyết định trong Đại Hội sắp tới, cho nên ông ấy tìm cách tránh truyền thông và tránh công luận.”
Tin đồn ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ bắt đầu từ hôm 14/4/2019, trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.
Người phát ngôn của Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng sau đó trả lời báo chí rằng do: \”Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”
Đến ngày 14/5/2019, ông Trọng xuất hiện trở lại trên truyền thông nhà nước khi ông đang chủ trì buổi họp các ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Trọng chỉ đạo cũng không làm thay đổi tình hình dịch bệnh
Là cư dân Hà Nội, cả ông Thắng và ông Hoàng đều nhận định việc đối phó, chống dịch của chính quyền Hà Nội nhìn chung là tốt. Và dù ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước không xuất hiện thì cũng không làm thay đổi được tình hình thực tế. Ông Thắng nói:
“Nếu như ông Trọng có xuất hiện trước công chúng, hoặc có những chỉ đạo nào đó về việc dập dịch này thì cũng cũng không có tác dụng gì nhiều. Nhưng mà nó có một tác dụng là làm cho người dân cũng như là hệ thống chính quyền họ thấy được vai trò lãnh đạo họ, cũng như thấy được vị trí của ông Trọng nó còn có tác dụng. Chứ bây giờ tiếng kêu oán thán, trách móc đối với ông Trọng rất cao.”
Hình minh hoạ. Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng chống COVID – 19 ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội hôm 10/3/2020 AFP
Ông Lê Hoàng đánh giá:
“Thực ra tình hình ở Việt Nam thì ai thì cũng thế thôi. Trong đảng họ làm cái gì thì cũng có quy trình cả, chứ không có ai chịu trách nhiệm riêng cả. Nhưng ở Việt Nam họ cũng làm cách ly các thứ tương đối tốt. Tôi ủng hộ.”
Ông Hà Hoàng Hợp lí giải nguyên do mà Việt Nam được đánh giá là chống dịch một cách khá hiệu quả là vì thể chế độc đảng, Chính quyền có thể tận dụng tối đa tất cả mọi nguồi lực từ xã hội:
“Cái việc mà bên hành chính và thể chế tính chính trị ở Việt Nam nằm dưới sự điều khiển của một đảng duy nhất, cho nên việc tổ chức các việc phòng dịch chống dịch hiện nay có thuận lợi. Đó là chính phủ có thể huy động mọi nguồn lực có sẵn của đất nước này để tập trung vào chống dịch.
Cái thuận lợi thứ hai là Chính phủ Việt Nam từ năm 2002 đã áp dụng cái bộ quy tắc dịch tễ của Mỹ vào Việt Nam, cho nên có thể tham khảo học tập và áp dụng trong hoàn cảnh ở Việt Nam.
Thứ ba là trong khi thực hiện thực hiện các biện pháp phòng dịch, Chính phủ đã tạo ra nỗi sợ cho người dân sợ rằng cái virus này rất nguy hiểm, nó sẽ giết người nhiều như là ở bên Trung Quốc, Ý… Và ở đây nó có sự nhất trí giữa Chính phủ và và người dân là phải cố mà chống.”
Tính đến tối ngày 16 tháng 3, Việt Nam có tổng cộng 61 ca nhiễm COVID-19. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ Hà Nội lên tiếng tại cuộc họp thường trực chính phủ, rằng đây là giai đoạn vàng trong phòng chống, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Ông cho rằng cần phát động đợt thi đua đặc biệt trong ngành y tế và các lực lượng liên quan để có thể ngăn chặn dịch hiệu quả.