Virus corona: Chứng khoán Mỹ có ảnh hưởng xấu Việt Nam?
Trước các biến động dữ dội của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á hai ngày qua, có câu hỏi liệu đây đã là khủng hoảng sâu nặng hơn năm 2008.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, kinh tế gia từ Florida, Hoa Kỳ về các lý do ngoài virus corona gây ra chuyển động mạnh trên các thị trường tài chính và cổ phiếu.
Liệu có những yếu tố nào nữa, ngoài tác động của dịch cúm virus corona đã tác động mạnh và rất xấu vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ từ cuối tuần đến chiều 16/03?
TS Phạm Đỗ Chí: Do tác động của dịch cúm, nguyên nhân chính là tâm lý hoảng loạn của dân chúng và các nhà đầu tư chứng khoán. Ngoài ra còn có ba nguyên nhân chuyên môn khác từ quan điểm của Fed:
a. Tâm lý hoảng loạn: Tại sao nhân loại đang hoảng sợ trước dịch bệnh Covid-19?
Lý do chính là y học chưa có thuốc chữa trong lúc dịch này lan rất nhanh và rất lây. Đây là điều con người sợ nhất nên dễ gây khủng khoảng tâm lý đó. Nếu bạn bị dương tính Covid-19, bạn sẽ tự cách ly ở nhà hoặc được nhập bệnh viện (nếu nặng); và bạn chỉ chờ sống hay chết. Không có thuốc chữa.
Do đó ở góc cạnh tâm lý, người ta sợ bị dịch này còn hơn sợ bị ung thư. Như thời tiền sử hoang sơ, con người sợ những gì con người không biết.
b. Sự thiếu hụt thanh khoản trong nền kinh tế nhất là của các xí nghiệp lớn: Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và Fed đã hai lần liên tiếp cắt giảm lãi suất trong vòng 1 tuần xuống mức zero, cũng như bơm thêm 700 tỷ đô vào nền kinh tế Mỹ, giới chuyên môn tiền tệ vẫn lo sợ một số xí nghiệp lớn có thể bị vỡ nợ vì thiếu thanh khoản.
Nếu như khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bị gây ra bởi sự vỡ nợ của các xí nghiệp tài chính (điển hình là sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers), bây giờ mối lo là cho các xí nghiệp phi tài chính, thí dụ điển hình là ba hãng hàng không lớn.
c. Trận chiến phá giá dầu hỏa giữa Saudi Arabia và Nga Sự bất đồng đã khiến giá dầu quốc tế giảm xuống hơn 30% và gây ra cơn sốc lớn cho các hãng dầu lớn của Mỹ vốn dùng đòn bẫy tài chính vay nợ cao và gặp khó khăn thanh khoản như điểm nêu ngay trên.
d. Ảnh hưởng xấu trước nguy cơ sụp đổ của kinh tế Trung QuốcMặc dù các số liệu thống kê chính thức cho quý 1 của nền kinh tế TQ chưa được thiết lập, tin tức dự báo về mức tăng trưởng thấp hay ngay cả số âm cho phép tiên đoán ảnh hưởng dây chuyền lên nền kinh tế toàn cầu, và nhất là nguồn cung nguyên vật liệu thiếu có thể đã gây ra tăng trưởng âm cho chính kinh tế Mỹ ngay quý 1.
BBC News Tiếng Việt:Quyết định của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đột ngột cắt lãi suất và tung ra gói kích cầu kinh tế là do những nguyên nhân nào? Động cơ gì và thời điểm ra quyết định có đúng không?
TS Phạm Đỗ Chí:Ngày chủ nhật 15/3, ông Chủ tịch Fed, J. Powell, đã họp bất thường và tuyên bố cắt giảm lãi suất hẳn 1% (rất ít khi giảm lớn như vậy, nhất là vừa cắt giảm ngay 0.5% tuần trước) , thay vì đợi đến buổi họp bình thường đã dự trù vào 2 ngày sau, thứ ba 17/3.
Không ai rõ có áp lực chính trị nào không cho quyết định đột ngột này, nhưng giới chuyên môn thì cho rằng các nguyên nhân a, b và c nêu trên đã là các động cơ, nhất là việc vài công ty nào đó có thể tuyên bố vỡ nợ. Tuy vậy, tôi thấy rất đông giới phân tích tài chính cho là Fed đã sai khi làm ngay vào cuối ngày nghỉ gây bất ngờ cho thị trường Phố Wall.
Các nhà đầu tư lớn (institutional investors) lại nghĩ phải có tình trạng gì thật tệ hại bên trong mới khiến Fed hành động bất ngờ như vậy, thay vì chỉ đợi 2 ngày sẽ làm trong vòng trật tự hơn, và nhất là giúp giá chứng khoán ngày thứ hai 16/3 có thể tiếp nối \”đà lên\” từ hôm thứ sáu 13/3 (tăng gần 2000 điểm); trong thực tế chỉ số Dow Jones đã mất gần 3000 điểm kỷ lục hôm thứ hai 16/3 vì cơn khủng hoảng tâm lý nêu trên.
BBC News Tiếng Việt:Theo ông, về cách Hoa Kỳ, và Anh ứng phó – Bank of England cắt lãi suất hôm 11/03 xuống 0,25%, có điểm gì cần bàn?
TS Phạm Đỗ Chí: Cả Hoa kỳ và Anh quốc cùng cắt giảm lãi suất như biện pháp kích cầu quan trọng. Đây là những biện pháp hàn lâm quen thuộc được giới hữu trách chính trị yêu thích ở khắp mọi nước. Nhưng theo tôi, trong hoàn cảnh phức tạp hiện tại phải đối diện với nguy cơ suy thoái toàn cầu, biện pháp tiền tệ này khó có kết quả hữu hiệu và nhanh chóng.
Thứ nhất, là vì mức lãi suất ở hai nước đã quá thấp, giảm thêm đến mức zero hay gần zero không ảnh hưởng gì lắm đến quyết định đầu tư.
Thứ hai, là mức cầu suy giảm trầm trọng do tác động hạn chế đi lại hoạt động của dịch cúm chứ không phải thiếu tiền.
Thứ ba, và quan trọng nhất là ngay trước khi dịch cúm xảy ra, nền kinh tế thế giới và cả Anh Mỹ đã có khó khăn sản xuất do thiếu các chuỗi cung ứng từ TQ, tức là từ \”nguồn cung\” thay vì thiếu \”mặt cầu\”.
Để đối phó chính xác hơn với nguy cơ suy thoái kinh tế cho cả Anh và Mỹ, cần áp dụng ngay các biện pháp tài khóa như giảm thuế thêm và chi tiêu chính phủ–nhất là cho hạ tầng.
Thí dụ quan trọng là ngay cả trong thời điểm gấp rút hiện tại, để đối phó với tác động kinh tế xã hội của dịch cúm, nhiều nhà chính trị và chuyên gia–kể cả người viết bài, đề nghị cấp ngay khoản tiền gọi là \”tax rebate\” độ 1.000 đô la cho mỗi người, hay cho mỗi hộ gia đình, để chi tiêu tùy ý theo nhu cầu trong thời buổi khó khăn.
Tác động kích cầu của nó sẽ hữu ích và hiệu quả hơn biện pháp giảm lãi suất.
BBC News Tiếng Việt: Còn về kinh tế Trung Quốc, nhìn chung hệ quả của việc phong tỏa nhiều đô thị vùng duyên hải vì Covid-19 và thương chiến với Mỹ nay ra sao?
TS Phạm Đỗ Chí: Theo các tin tức sơ khởi và nhận định của các quan sát viên ở TQ, kinh tế nước này vốn đã khó khăn vì cuộc thương chiến với Mỹ lại còn bị tổn thương nặng nề do cuộc phong tỏa đi lại với dịch cúm.
Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu không có tăng trưởng trong quý 1 và đà tăng trưởng nếu kịp phục hồi trong quý 2 và 3 sẽ rất chậm, trước khi trở lại bình thường vào quý 4.
BBC News Tiếng Việt: Cuối cùng, nhiều ý kiến nói người ta so sánh biến động tuần này với Khủng hoảng 2008, ông thấy có xác đáng không và người Việt Nam cần trông đợi điều gì về kinh tế, tài chính những tuần hoặc tháng tới?
TS Phạm Đỗ Chí: Khủng hoảng 2020 tại Mỹ và trên toàn cầu được so sánh về tầm mức kinh tế với khủng hoảng thế giới năm 2008 là chính xác, nhất là về tầm mức thiệt hại trên các thị trường chứng khoán thì lần này có phần còn cao hơn.
Nhưng tôi thấy đáng kể nhất là về ảnh hưởng nhân mạng và tâm lý, thiệt hại lần này chắc chắn cao hơn nhiều do dịch cúm virus corona, mà hiện nay do chưa có thuốc chủng để ngăn ngừa hay chữa trị, không ai biết sẽ kéo dài bao lâu và tổn thất cuối cùng sẽ ra sao?
Riêng về suy thoái kinh tế sẽ khó tránh khỏi ở Mỹ vào quý 3 hay 4 năm nay và ảnh hưởng còn kéo dài theo chu kỳ sang năm tới 2021.
Tất nhiên người Việt Nam sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng dây chuyền của các \”sự kiện Mỹ\” này, giống như các nước khác có nền kinh tế mở, đầu tiên là các thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ gặp \”lao đao\” trong các tuần hoặc nhiều tháng tới năm nay, và sau đó là ảnh hưởng trì trệ tăng trưởng cho cả hai năm 2020 và 2021.