Virus corona: Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất kể từ 1987
- 7 giờ trước
Thị trường chứng khoán toàn cầu một lần nữa lại rớt xuống mặc dù các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố một nỗ lực phối hợp để giảm bớt ảnh hưởng của virus corona.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức giảm 12,9% sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết nền kinh tế \”có thể\” đang hướng tới suy thoái.
Trong khi đó FTSE 100 của London kết thúc thấp hơn 4% và các thị trường lớn khác ở châu Âu cũng có sự trượt dốc tương tự.
Hôm Chủ nhật, Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ đã cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng không (zero) và đưa ra chương trình kích thích trị giá 700 tỷ đôla.
Đó là một phần của hành động phối hợp được công bố cùng với khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản, Canada và Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng các ngân hàng trung ương hiện chỉ còn vài lựa chọn để chống lại ảnh hưởng của đại dịch.
Thống đốc mới của Ngân hàng Anh, Andrew Bailey, cam kết sẽ \”hành động kịp thời một lần nữa\” khi cần thiết để ngăn chặn thiệt hại cho nền kinh tế vì tác hại của đại dịch.
David Madden, một nhà phân tích thị trường tại CMC Markets, nói rằng trong khi các ngân hàng trung ương đang cố gắng làm dịu thị trường, \”trong thực tế, nó có tác dụng ngược lại\”.
\”Các biện pháp cực đoan này đã gửi một thông điệp rất đáng lo ngại đến các đại lý chứng khoán, và đó là lý do tại sao họ đang bán phá giá một cách mù quáng.\”
Tại New York, sự sụt giảm mạnh lúc mở cửa đã kích hoạt một sự dừng lại tự động trong việc với giao dịch, điều này được thiết kế để hạn chế bớ việc bán cổ phần hoảng loạn.
Trước biến cố tương tự tuần trước, những kích hoạt như vậy, được gọi là bộ ngắt mạch, không được sử dụng đến trong hơn hai thập niên qua.
Nhưng việc bán tháo vẫn tiếp tục sau khi thị trường bị đình chỉ 15 phút, khiến Dow Jones mất gần 3.000 điểm hay 12,9%, tỷ lệ giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987.
Chỉ số S & P 500, rộng hơn [Dow Jones] giảm 11,9%, trong khi Nasdaq giảm 12,3%. Tất cả ba chỉ số hiện đang giảm hơn 25% so với mức cao của họ.
Tại London, các công ty trong ngành du lịch bị sụt giảm mạnh. Cổ phần của công ty du lịch Tui giảm hơn 27% sau khi cho biết họ sẽ đình chỉ \”phần lớn\” hoạt động. IAG, sở hữu chủ của BA giảm hơn 25% sau khi cho biết họ sẽ cắt giảm ít nhất 75% công suất bay vào tháng Tư và tháng Năm.
FTSE 250, bao gồm một số công ty nổi tiếng tập trung ở Anh, kết thúc với mức giảm khoảng 7,8%.
Tất cả các chỉ số cổ phiếu chính của châu Âu đều giảm mạnh, mặc dù sau đó đã lấy lại một chút thăng bằng. Chỉ số Cac 40 của Pháp giảm hơn 5,7% và Dax của Đức giảm hơn 5,3%.
Trước đó tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,5% vào giờ đóng cửa, và Shanghai Composite tại Trung Quốc kết thúc thấp hơn 3,3%.
Giá dầu, vốn đã bị chấn động bởi cuộc chiến giá cả giữa các nhà xuất khẩu, lại giảm. Dầu thô Brent giảm hơn 10% xuống dưới 32 đôla một thùng trong khi dầu thô quốc tế West Texas giảm hơn 8% xuống dưới 30 đôla một thùng.
Lo lắng trấn át trí khôn? Có thể không
Phân tích của Dharshini David, phóng viên thương mại
Chỉ một vài tuần trước, nỗi lo là các nhà máy bị đình trệ ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng toàn cầu vấp ngã trong thời gian ngắn. Sau đó, rõ ràng là suy giảm kinh tế có thể sẽ lan rộng hơn nhiều.
Bây giờ, với du lịch và sinh hoạt giải trí bị đình trệ và chuỗi cung ứng bị đe dọa, một cuộc suy thoái lan rộng có nguy cơ xảy ra cao hơn. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế sẽ đi ngược lại trong hai quý liên tiếp, điều đó có nghĩa một số doanh nghiệp sẽ bị tình trạng tài chánh khẩn trương, một số công ty sẽ bị thua lỗ, và thất nghiệp gia tăng.
Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là ngăn chặn sự suy thoái đó. Động thái bị cho là thái quá của Fed hôm Chủ nhật cho thấy các ngân hàng trung ương có thể có những hành động mạnh mẽ như thế nào. Nhưng cắt giảm lãi suất chỉ có ảnh hướng giới hạn, vì nó không cám dỗ khách hàng đi ra ngoài và chi tiêu ở Marseille hoặc New York khi các quán bar đóng cửa và các chuyến bay bị hủy bỏ.
Vì vậy, các thị trường đang trông chờ các chính phủ đưa ra các gói cứu trợ và hỗ trợ có mục tiêu hơn. Nhưng ngay cả điều đó sẽ không làm dịu thần kinh hoàn toàn. Khi các ngân hàng ban hành các chương trình làm việc dự phòng cho nhân viên, điều mà các nhà giao dịch thực sự muốn là dấu hiệu cho thấy tình trạng các ca nhiễm bệnh đã lên đến đỉnh điểm, và sau đó là biện pháp kết hợp đang đi đúng hướng.
Hôm Chủ nhật, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang, thông báo đã cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản xuống đến khoảng từ 0% đến 0,25% và cho biết họ sẽ tung ra gói kích thích trị giá 700 tỷ đô la nhằm hỗ trợ cho thị trường trong những tuần tới.
Động thái này diễn ra khi các quan chức địa phương trên khắp Hoa Kỳ đóng cửa trường học, nhà hàng và quán bar; các giải đấu thể thao bị hủy bỏ, và các nhà bán lẻ như Urban Outfitters, Nike và Gap thông báo hàng trăm cửa hàng tạm thời đóng cửa.
Phát biểu sau thông báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: \”Virus đang tạo ảnh hưởng sâu sắc\”.
Nhưng thị trường chứng khoán đã lao dốc khi giới đầu tư lo lắng rằng các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới hiện có thể còn rất ít đạn dược để đối phó với tác động của coronavirus nếu môi trường kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi.
\”Họ [Fed] đã rút ra bất kỳ vũ khí nào họ có, và tôi nghĩ rằng ban đầu nó có thể giúp ích nhưng biện pháp này không đi xa hơn vì đây vẫn là một vấn đề đang phát triển. Về cơ bản họ đã sử dụng hết đạn dược của chúng ta và chúng ta giờ \’chỉ còn gậy và đá, \”Robert Pavlik, chiến lược gia đầu tư chính tại Slatestone Wealth nói.