Bất nhất trong chỉ đạo xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay
RFA
2020-03-24
Ảnh minh họa. Xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá “tăng tốc cực kỳ ngoạn mục” trong 2 tháng đầu năm 2020.AFPBất nhất trong chỉ đạo xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay00:00/09:16
Xuất khẩu gạo tăng trưởng và Quan ngại của dư luận
Những ngày đầu hạ tuần tháng 3 trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, dư luận tại Việt Nam xôn xao trước yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực của Thủ tướng chính phủ khi mà xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá “tăng tốc cực kỳ ngoạn mục” trong 2 tháng đầu năm 2020.
Báo giới quốc nội, vào ngày 22/3 dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam xuất khẩu gần 930 ngàn tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD; tăng hơn 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam được báo cáo là không thuận lợi khi xuất gần 6,26 triệu tấn mà chỉ thu về 2,75 tỷ USD. Số này giảm 300 triệu USD so với năm 2018.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời điểm dịch COVID-19 tăng trưởng mạnh được nói là nhờ vào cung cấp đúng thời điểm nhu cầu thế giới đang tăng cao. Một số các thị trường được ghi nhận nhập khẩu gạo nhiều nhất trong hai tháng qua bao gồm Philippines, Malaysia, Iraq, Pháp, Đài Loan, Senagal, Nga. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu lên xấp xỉ 600%về lượng và hơn 700% về kim ngạch. Điều này được cho là trái ngược với hai năm trước khi kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm mạnh, cụ thể chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm xuống 20%.
Vụ mùa thu hoạch thì trúng mùa mà sản lượng xuất khẩu của năm 2019 không cao thì lượng hàng tồn kho còn nhiều. Cho nên năm nay bị thất mùa thì vẫn còn lượng tồn kho năm trước cân đối qua. Do đó về mặt an ninh lương thực không đến nỗi nào và vẫn còn khả năng xuất khẩu được. Tuy nhiên thị trường sẽ xảy ra tình trạng bị đẩy giá và đầu cơ gạo trong tiêu dùng nội địa. Vì Chính phủ muốn chặn đầu cơ nên tính chặn xuất khẩu thì tiêu dùng nội địa không bị ảnh hưởng giá
-Ông Phạm Mẫn
Bất nhất trong chỉ đạo xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay
Đài RFA ghi nhận qua mạng xã hội, có rất nhiều người bày tỏ sự lo ngại về xuất khẩu gạo gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở trong nước, khi đồng bằng sông Cử Long (ĐBSCL) là vựa lúa của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng bị hạn, mặn nghiêm trọng. Thậm chí, không ít ý kiến còn lo lắng Trung Quốc thu mua gạo của Việt Nam rồi sẽ bán ngược lại với giá “cắt cổ”, như status của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 22/3 rằng:
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo gấp: Không để doanh nghiệp và người dân bán gạo cho Trung Quốc lúc này. Dân đói sẽ loạn ngay lập tức!Trung Quốc sẽ bán gạo ngược trở lại với giá cắt cổ!”
Tạm dừng xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực?
Văn phòng Chính phủ, vào ngày 23/3/20 ban hành Thông báo khẩn số 121, do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ký. Thông báo này truyền tải kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Theo đó, trong khoản 2, mục b ghi rõ “đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 năm 2020 nhằm đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước” và trong khoản 2, mục c yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020.
Tổng cục Hải quan, thuộc Bộ tài Chính đã ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3/2020.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông nghiệp-Nông thôn, vào tối ngày 24/3 lên tiếng với RFA liên quan Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam:
“Đáng quan tâm nhất hiện này về tình hình chung trên thế giới thì các nước ở thượng nguồn sông Mekong cũng bị hạn hán nặng như thế và sản lượng của họ thật ra giảm khá nhiều. Cho nên nguồn cung của thế giới, nhất là ở Đông Nam Á sẽ giảm. Tất nhiên trong dịch COVID-19, cầu cung về nông sản có thể giảm. Nhưng với nông sản chiến lược thì ngược lại. Vì thế rất quan trọng. Cho nên đối với gạo, lượng cầu có thể giữ nguyên hoặc tăng trong khi cung giảm thì chắc chắn giá sẽ lên. Tôi nghĩ rằng đây có thể là một động tác cần thiết để nhằm đảm bảo an ninh lương thực nói chung, nhất là tâm lý của người dân.”
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết thêm theo ghi nhận của ông thì năm nay mặc dù ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán nhưng về cơ bản vẫn được mùa nên mức độ giảm không nhiều. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh rằng an ninh lương thực trong năm 2020 chắc chắn được đảm bảo:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam khác với nhiều nước khác, là một nước xuất khẩu lúa gạo và xuất khẩu nông sản cho nên không chỉ riêng về lương thực mà ngay cả các nông sản khác như trái cây, rau và ngay cả thủy sản của Việt Nam rất đảm bảo, thậm chí là thừa tiêu dùng. Tôi chắc chắn lương thực được đảm bảo.”
Thông báo số 121 của Văn Phòng Chính phủ ban hành ngày 23/3/2020 và Văn bản của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3/2020.
Ông Phạm Mẫn, một người làm việc trong ngành xuất khẩu gạo nhiều năm, nói với RFA rằng do nông dân trúng mùa vụ lúa trong năm 2019 nên gia tăng xuất xuất khẩu gạo vẫn không ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở trong nước trong năm 2020. Ông Phạm Mẫn lý giải:
“Vụ mùa thu hoạch thì trúng mùa mà sản lượng xuất khẩu của năm 2019 không cao thì lượng hàng tồn kho còn nhiều. Cho nên năm nay bị thất mùa thì vẫn còn lượng tồn kho năm trước cân đối qua. Do đó về mặt an ninh lương thực không đến nỗi nào và vẫn còn khả năng xuất khẩu được. Tuy nhiên thị trường sẽ xảy ra tình trạng bị đẩy giá và đầu cơ gạo trong tiêu dùng nội địa. Vì Chính phủ muốn chặn đầu cơ nên tính chặn xuất khẩu thì tiêu dùng nội địa không bị ảnh hưởng giá.”
Theo ghi nhận cá nhân, ông Phạm Mẫn cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp may mắn hơn so với năm 2016, vì tình trạng hạn, mặn về sớm nên họ không bị rơi vào tình huống ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo mà không có hàng để giao.
“Năm nay hoàn toàn không bị động bởi vì vụ Đông Xuân xuống giống từ tháng 10 cho đến đầu tháng 12, mà mặn đã về từ giữa tháng 10 rồi. Vùng đồng bằng ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh thì người nông dân đã không xuống giống vụ Đông Xuân. Và doanh nghiệp xuất khẩu nhìn thấy rất rõ nông dân không xuống giống nên không ký các hợp đồng xuất khẩu mùa vụ Đông Xuân được.”
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Phạm Mẫn đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2020 của Việt Nam:
“Nhu cầu xuất khẩu năm nay có thể nói một cách chủ quan là sản lượng xuất khẩu chỉ có thể đạt được 1/3 so với bình thường nhưng giá rất cao.”
Trong Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất, chất lượng, đủ nguồn cung lương thực theo kế hoạch sản xuất.
Báo mạng Dân Trí, trước đó vào ngày 22/3 dẫn nguồn từ Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết Bộ này sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa vụ Thu Đông lên khoảng 800 ngàn héc-ta, cũng như lên kế hoạch có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020-2021.
Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng dự tính của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn có thể tiến hành trong tình trạng ĐBSCL bị hạn, mặn xâm nhập nghiêm trọng hay không, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết:
Tôi nghĩ rằng Việt Nam khác với nhiều nước khác, là một nước xuất khẩu lúa gạo và xuất khẩu nông sản cho nên không chỉ riêng về lương thực mà ngay cả các nông sản khác như trái cây, rau và ngay cả thủy sản của Việt Nam rất đảm bảo, thậm chí là thừa tiêu dùng. Tôi chắc chắn lương thực được đảm bảo
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
“Tất nhiên nếu định tăng vụ Thu Đông thì phải làm chậm hơn như bình thường. Nhưng không loại trừ khả năng người nông dân sẽ phản ứng theo tín hiệu của thị trường, nhất là trong tình hình hiện nay khi tất cả các loại nông sản khác đều gặp khó khăn, thì rõ ràng mọi người đều muốn tranh thủ cơ hội này. Vì thế, tôi nghĩ các tỉnh trên thượng nguồn và ở miền giữa của ĐBSCL, trừ các tỉnh ven biển ra thì nông dân sẽ tăng sản lượng mùa lúa vụ 3. Chắc chắn phản ứng của người sản xuất sẽ như thế. Và chắc chắn Bộ Nông nghiệp sẽ cân đối để xem tình hình cung cấp nước như thế nào để chỉ đạo chuyện này.”
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn và một vài vị chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp Đài RFA có dịp trao đổi như Giáo sư Võ Tòng Xuân và Tiến sĩ Lê Văn Bảnh đều khẳng định Việt Nam vẫn đảm bảo về an ninh lương thực và vẫn duy trì được sản lượng xuất khẩu.
Đài RFA cũng ghi nhận mặc dù dư luận phần nào tỏ ra yên tâm trước Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ ban hành hôm 23/3; thế nhưng một luồng ý kiến khác lại dấy lên thắc mắc liên quan Bộ Công thương, vào ngày 24/3 gửi văn bản hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo ngay sau khi yêu cầu của Thủ tướng tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 0 giờ trong cùng ngày. Câu hỏi được nêu ra vì sao trong Thông báo số 121 của Văn phòng Chính phủ đề cập Bộ Công thương đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5 và bây giờ kiến nghị hoàn toàn ngược lại?