Báo đảng đăng tin ‘truy nã’ con trai Trần Bắc Hà sau 1 năm ‘bị bắt’

Báo đảng đăng tin ‘truy nã’ con trai Trần Bắc Hà sau 1 năm ‘bị bắt’

Mar 25, 2020

\"\"/
Hình ông Trần Duy Tùng trên trang web Interpol. (Hình chụp qua màn hình)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 25 Tháng Ba, một số Facebooker nêu nghi vấn về việc các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Trần Duy Tùng, 35 tuổi, “đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.”

Ông Tùng là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn An Phú, và là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, người trước khi đột ngột qua đời trong tù hồi Tháng Bảy, 2019, được biết đến là đàn em thân tín của cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.

Các bản tin hôm 24 Tháng Ba đều dẫn nguồn từ Bộ Công An CSVN, cáo buộc ông Tùng “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rửa tiền hơn $10 triệu, gây thiệt hại cho Ngân Hàng BIDV 149 tỉ đồng (6.3 triệu)…” BIDV là ngân hàng mà ông Hà từng ngồi ghế chủ tịch Hội Đồng Quản Trị.

Đáng lưu ý, nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc tại sao lệnh truy nã đối với ông Tùng được ban hành ngày 9 Tháng Năm, 2019, nhưng đến nay các báo đảng mới công bố.

Trước đó, từ hồi cuối Tháng Ba, 2019, báo Zing cho hay ông Trần Duy Tùng “đã bị cơ quan điều tra Bộ Công An bắt tạm giam do liên quan những sai phạm tại dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh.”

Thời điểm đó, việc công an khám xét, tống đạt quyết định khởi tố đối với ông Tùng được ghi nhận tiến hành tại thành phố Quy Nhơn, nơi Tập Đoàn An Phú hoạt động.

Như vậy, đến nay, công luận có quyền hoài nghi việc ông Tùng có thật sự bị bắt hồi một năm trước hay không và liệu có xảy ra khả năng ông trốn thoát sau đó từ trại giam nên bây giờ Bộ Công An CSVN phải ra lệnh truy nã?

\"\"
Khách sạn Hoàng Gia ở Quy Nhơn, nơi ở của ông Trần Duy Tùng, bị khám xét hồi Tháng Ba, 2019. (Hình: Tiền Phong)

Tuy ông Tùng “đang bỏ trốn,” Cơ Quan Điều Tra đã kịp kê biên cổ phần, cổ phiếu cũng như ngăn chặn nhiều giao dịch liên quan đến các bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, tiền mặt và bất động sản đứng tên ông này, theo báo Pháp Luật TP.HCM.

Báo này cũng cho biết thêm là thông qua hoạt động tương trợ về tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Lào, tổng trị giá tài sản có liên quan đến ông Trần Bắc Hà bị phong tỏa tại Lào, phục vụ xác minh làm rõ để phía CSVN thu hồi là khoảng $14.4 triệu, gồm những khu đất lớn vườn trồng chuối, chanh dây, nhà máy, kho chứa vật tư, máy móc, khu nhà nghỉ, khu văn phòng, nhà ăn…

Trong một diễn biến khác, tin Bộ Công An CSVN nhờ Interpol (Tổ Chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế) phát lệnh truy nã ông Tùng khiến người làm trong lĩnh vực luật pháp dị nghị.

Facebooker, luật gia Phạm Lê Vương Các bình luận trên trang cá nhân: “Nếu như ông Trần Duy Tùng đã đào thoát qua các nước Âu Mỹ, việc thực hiện tiến trình pháp lý dẫn độ về lại Việt Nam theo mình đánh giá là rất khó. Nếu mình là người có thẩm quyền xem xét về việc dẫn độ ông Trần Duy Tùng, mình sẽ quyết định bác đơn đề nghị dẫn độ trường hợp này và cấp cho ông ấy quy chế tị nạn vì lý do nhân đạo.”

Giải thích cho điều này, ông Các nhắc lại chuyện ông Trần Bắc Hà “là một bị can trong vụ án, lại bị chết trong quá trình tạm giam điều tra” nên ông Tùng “cũng không được đảm bảo an toàn tính mạng khi bị dẫn độ về lại Việt Nam.” Ngoài ra, ông Tùng khó có khả năng “được đảm bảo quyền của người bị giam giữ trong quá trình tạm giam điều tra và được hưởng quyền xét xử công bằng bởi một phiên tòa khách quan và độc lập tại Việt Nam.” (N.H.K)

Bài Liên Quan

Leave a Comment