Giành được chức Tổng giám đốc WHO, ông Tedros đã ‘trả ơn’ Bắc Kinh như thế nào?
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã giành được chức Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 5/2017 nhờ sự tiếp sức đắc lực của Trung Quốc. Vì thế, để trả ơn, ông Tedros đang giúp Trung Quốc trốn tránh trách nhiệm trước sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên thế giới.
Bất chấp các bằng chứng chống lại, Bắc Kinh đang tạo ra các đợt sóng truyền thông sai lệch mô tả bản thân họ như nạn nhân của virus Vũ Hán do nước ngoài gây ra, trong khi tự ca ngợi rằng đã có công chặn đứng đại dịch COVID-19, và thế giới đang nợ họ một lời xin lỗi. Và WHO lại đang giúp đỡ để chính quyền Trung Quốc thực hiện những điều này.
Ông Tedros đã biểu dương Trung Quốc vì “minh bạch” thông tin trong đại dịch và coi nước này như mô hình kiểu mẫu về cách phản ứng với dịch bệnh, mặc dù các bằng chứng từ thực tế cho thấy Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp che dấu mức độ nghiêm trọng của viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc.
The Sunday Times cho hay, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách bịt miệng những nhà khoa học phát hiện ra sự tồn tại của virus Vũ Hán vào tháng 12/2019, sau đó gây sức ép buộc các bác sĩ ở một bệnh viện thuộc thành phố Vũ Hán phải im lặng sau khi một người trong đó đưa lên mạng những cảnh báo đầu tiên về một loại virus mới giống với virus tạo ra dịch SARS gần 20 năm trước. Ngoài ra, một doanh nhân kinh doanh bất động sản chỉ trích cách xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc cũng đã bị mất tích.
Theo bản tin hôm 22/3 của New York Times, mặc dù biết về sự tồn tại của nCoV nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn để cho khoảng 7 triệu người ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch COVID-19, với nhiều người trong đó rất có thể đã nhiễm bệnh, đi tới các nơi khác trong cả nước và trên thế giới.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng “nếu chính quyền Trung Quốc can thiệp sớm hơn một tuần, hai tuần hoặc ba tuần thì tỷ lệ lây nhiễm virus Vũ Hán có thể giảm lần lượt là 66%, 86% và 95%”.
WHO đã lặp lại những đánh giá sai lầm của chính quyền Trung Quốc về khả năng lây nhiễm từ người sang người của virus Vũ Hán trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Tổ chức này hôm 14/1 đưa thông tin rằng “Các nghiên cứu ban đầu của các nhà chức trách Trung Quốc không cho thấy bằng chứng nCoV tìm thấy ở Vũ Hán có thể lây từ người sang người”.
Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, Mỹ đã xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên và người này vừa trở về từ Vũ Hán, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Mặc dù vậy ông Tedros vẫn ca ngợi Trung Quốc như một mô hình tiêu chuẩn về chống dịch để các nước khác phải noi theo. “Trung Quốc đã thực sự thiết lập được một tiêu chuẩn mới về phản ứng với dịch bệnh”, ông Tedros nói hôm 30/1 ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh.
“Rõ ràng, Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc và sau cuộc gặp với Tập vào tháng Một, [ông ta] đã giúp Trung Quốc che đậy mức độ nghiêm trọng, tốc độ lây lan và phạm vi của dịch COVID-19”, Giáo sư San Thay Henry của Đại học Texas-San Antonio và ông Lianchao Han Phó chủ tịch của tổ chức Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc viết trong một bài báo xuất bản ngày 17/3 trên The Hill.
Cặp đôi này đã kêu gọi ông Tedros từ chức vì “Ngay từ đầu, Tedros đã bảo vệ Bắc Kinh bất chấp lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc sai lầm trong cách xử lý dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Khi số ca mắc bệnh và số người chết tăng vọt, WHO vẫn chờ đợi nhiều tháng mới tuyên bố COVID-19 là một đại dịch, cho dù nó đã đạt các tiêu chí này từ lâu, thể hiện qua khả năng lây truyền giữa người, tỷ lệ tử vong cao và phạm vi phát tán trên toàn thế giới”.
WHO hiện đang khen ngợi Trung Quốc vì số ca nhiễm mới và chết vì virus Vũ Hán giảm trong các báo cáo gần đây của Bắc Kinh. Mặc dù vậy, một bác sĩ ở Vũ Hán nói với hãng tin Nhật Bản Kyodo News rằng, số liệu mà chính quyền Trung Quốc báo cáo không thể tin được, số liệu thống kê của họ đã bị làm sai lệch để phục vụ tuyên truyền.
Tedros đã “thân” Trung Quốc ngay từ khi ông còn làm Bộ trưởng Y tế của Ethiopia, và Bắc Kinh đã ủng hộ ông Tedros ngồi vào vị trí tổng giám đốc WHO, nhiều hãng truyền thông quốc tế cho biết thông tin này vào thời điểm sau khi ông Tedros giành được vị trí lãnh đạo cao nhất của WHO hồi tháng 5/2017.
Chỉ vài tháng sau khi ngồi ở vị trí cao nhất của WHO, ông Tedros đã mời cựu Thủ tướng Zimbabwe, Robert Mugabe, một người vi phạm nhân quyền khét tiếng khi còn tại vị, làm đại sứ thiện chí của WHO và chỉ chấp nhận từ bỏ ý định này khi gặp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Trong một bài viết trên tờ Sunday Times vào tháng 10/2017, nữ nhà báo Rebecca Myers đánh giá rằng, việc ông Tedros mời ông Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO là để trả món nợ chính trị cho Trung Quốc vì ông Mugabe là một người bạn “vong niên” của Bắc Kinh.
“Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động hành lang mạnh mẽ cho đại diện của Ethiopia bằng các khoản tài chính và viện trợ mờ ám nhằm kiếm phiếu cho ông Tedros từ các nước đang phát triển”, bà Rebecca cho biết thêm.
Chuyên gia Frida Ghitis của Washington Post cũng có đánh giá tương tự vào thời điểm đó. “Trung Quốc vận động hành lang một cách không mệt mỏi để giúp Tedros đánh bại ứng cử viên David Nabarro của Vương quốc Anh cho vị trí người đứng đầu WHO. Chiến thắng của Tedros, cũng là một chiến thắng của Bắc Kinh, giúp người lãnh đạo Tập Cận Bình của họ hiện thực hóa mục tiêu gây ảnh hưởng với thế giới này”.
Phản hồi bài viết này trên Twitter, Thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Missouri, Josh Hawley, cho rằng: “WHO đã đứng cùng phía với Đảng Cộng sản Trung Quốc để chống lại thế giới trong đại dịch này”.
Trong khi bảo vệ Trung Quốc, ông Tedros không ngần ngại chỉ trích cách phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Mỹ và nhiều nước khác, ông Michael Collins, một chuyên gia về châu Á, lưu ý trong một bài viết trên blog vào ngày 27/2.
Vào ngày 3/2, ông Tedros đã khiển trách Hoa Kỳ và các quốc gia khác về quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc mặc dù dịch COVID-19 đang bùng phát ở quốc gia Đông Á.
“Không có lý do cho các biện pháp can thiệp không cần thiết vào du lịch và thương mại quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các quyết định dựa trên bằng chứng và sự nhất quán”, ông Tedros nói.
Một ngày sau khi Tổng thống Trump gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, WHO lại ngầm khiển trách Tổng thống Mỹ. “Xin lưu ý rằng: virus không có quốc tịch”, WHO viết trên Twitter vào ngày 17/3. Tweet này của WHO đã được hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, nhanh chóng cho lan truyền.
Theo Daily Caller
Lục Du dịch và biên tập