Khủng hoảng Covid-19 : Liên Âu tìm cách phối hợp nỗ lực về tài chính

Khủng hoảng Covid-19 : Liên Âu tìm cách phối hợp nỗ lực về tài chính

Đăng ngày: 26/03/2020

\"Một
Một bệnh nhân nhiễm virus corona tại Ý đã được chuyển đến điều trị tại một bệnh viện ở Leipzig, Đức, ngày 25/03/2020. via REUTERS – POOL

Trọng Thành

Đại dịch Covid-19 khiến châu Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Một nguyên nhân căn bản đã được chỉ ra : khối 27 nước đã không đoàn kết chuẩn bị để có một phản ứng chung. Hôm nay 26/03/2020, lãnh đạo khối 27 nước họp bàn tìm một cơ chế phối hợp về tài chính nhằm đối phó hiệu quả hơn với khủng hoảng.

Sau quyết định lập kho dự trữ chiến lược về trang bị y tế và giải ngân khẩn cấp hàng trăm tỉ euro được đưa ra trong những ngày qua, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp qua cầu truyền hình vào hôm nay 26/03/2020. Đây là hội nghị đầu tiên của lãnh đạo Liên Âu để bàn về nỗ lực tài chính chung, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 có nguy cơ đe doạ sự tồn vong của khối, cựu thủ tướng Ý Enrico Letta, chủ tịch Viện Jacques Delors chuyên về các vấn đề châu Âu (trụ sở tại Paris), cảnh báo là cuộc khủng hoảng virus corona ‘‘có thể là cuộc khủng hoảng cuối cùng’’ của Liên Hiệp Châu Âu, với tư cách là một khối. Việc các quốc gia lâm nạn, như Ý hay Tây Ban Nha, nơi dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, nhận được ít sự hỗ trợ từ các thành viên khác cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình. 

Hai giải pháp chính được tập trung chú ý và đưa ra thảo luận. Thứ nhất là phát hành trái phiếu của khu vực đồng euro ‘’coronabond’’. Thứ hai là dùng Quỹ Khẩn Cấp của Eurozone (MES) để cấp tín dụng cho các nước đang đối phó với khủng hoảng, với mức tối đa không quá 2% GDP của thành viên đi vay.

Giải pháp thứ hai dường như có nhiều khả năng nhận được đồng thuận hơn, còn giải pháp thứ nhất được 9 trong số 17 quốc gia khu vực đồng euro ủng hộ, trong đó có Pháp và Ý, nhưng bị nhiều nước, đặc biệt là Đức phản đối, do lo ngại cơ chế này có thể bị nhiều quốc gia Nam Âu lợi dụng. 

Về các thảo luận liên quan đến giải pháp trái phiếu coronabond, thông tín viên Pacal Thibaut từ Berlin cho biết cụ thể : 

\”Đây là một cuộc tranh luận không đi đến đâu cả. Trong một cuộc phỏng vấn, bộ trưởng Kinh Tế Đức Peter Altmaier đã tóm lược một cách khá rõ ràng suy nghĩ của ông theo đó đề xuất về khoản tín dụng châu Âu mang tên \’\’coronabond\’\’ sẽ không mang lại hiệu quả. Trong cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro trước đây, Berlin đã bác bỏ việc gộp nợ giữa các quốc gia thành viên, do lo ngại phải đứng ra trả nợ thay cho các nước thiếu nghiêm túc về quản lý. Thái độ bác bỏ các kiểu nợ như vậy đặc biệt mạnh mẽ trong giới bảo thủ Đức. Trước hội nghị hôm thứ Ba vừa qua giữa các bộ trưởng Tài Chính châu Âu, giới kinh tế trong Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), được các kinh tế gia bảo thủ ủng hộ, đã khẳng định lập trường triệt để chống lại một phương tiện như vậy. Đây là cách để phe bảo thủ nhắc nhở bộ trưởng Tài Chính Đức, thuộc đảng Xã Hội Dân Chủ, ông Olaf Scholz, là không bao giờ cuộc cải cách này nhận được sự ủng hộ của các đồng minh phe bảo thủ trong liên minh cầm quyền tại Đức. Ngược lại, chính phủ Đức sẵn sàng đồng ý với việc sử dụng Quỹ bình ổn của khu vực đồng euro hiện nay để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn. Hiện tại Quỹ có 400 tỉ euro\”. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment