TQ sử dụng lực lượng tàu ngầm hiện thực hóa âm mưu kiểm soát Biển Đông

TQ sử dụng lực lượng tàu ngầm hiện thực hóa âm mưu kiểm soát Biển Đông

Ngày đăng 27-03-2020

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các loại tàu ngầm hiện đại để gia tăng khả năng giám sát, kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng tác chiến của tàu ngầm Trung Quốc còn nhiều hạn chế, bất cập 

\"\"/

Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Trong số đó, tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) mang tên lửa đạn đạo, dài 133m, trọng tải rẽ nước gần 9.000 tấn, được trang bị tên lửa Cự Lãnh-2 (JL-2)hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 8.000 – 9.000 km; Tàu ngầm lớp Thương (Type 093), đây là loại tàu ngầm đa năng, có sức rẽ nước từ 7,5 – 8.000 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm và có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-82 với tầm bắn 129 km; Tàu ngầm lớp Nguyên (Type 041), đây là loại diesel – điện, được đóng từ đầu những năm 2000, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, có thể dùng cho tên lửa chống hạm YJ-8 hoặc CX-1; Tàu ngầm lớp Tống (Type 039), đây là loại tàu ngầm điện – diesel không lớn, chiều dài 75 m, lượng giãn nước là 3.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm kết hợp với tên lửa chống hạm YJ-8. Ngoài ra, Trung Quốc còn một số loại tàu ngầm cũ như 02 chiếc tàu ngầm lớp Hán (Type 091), 5 tàu ngầm lớp Minh, gần 30 tàu loại Romeo (Type 033), 12 tàu ngầm đa năng chạy bằng điện và diesel Kilo 636.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tích cực triển khai lực lượng tàu ngầm gia tăng kiểm soát trong khu vực Biển Đông. Theo đó, Hạm đội Nam Hải – lực lượng phụ trách khu vực Biển Đông được ưu tiên đầu tư, biên chế các loại tàu chiến hiện đại bậc. Hạm đội Nam Hải hiện duy trì khoảng 22 tàu ngầm, trong số đó là toàn bộ lực lượng tàu ngầm nguyên tử chiến lược của Trung Quốc với bốn chiếc hạng 094 lớp Tấn. Giới chuyên gia, học giả quốc tế từng nhận định hạm đội Nam Hải là một lực lượng đáng sợ trên Biển Đông và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho các nước trong khu vực. Các tàu chiến của hạm đội này có thể đưa quân đánh chiếm bất cứ đảo nào tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó, giới học giả cho rằng việc Trung Quốc tập trung phát triển và điều tàu ngầm hạt nhân ra Biển Đông là nhằm: (i)Trung Quốc muốn rèn luyện khả năng tuần tra tầm xa, phát huy vai trò răn đe của tàu ngầm hạt nhân. Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc chỉ mới được chú trọng phát triển trong vài thập kỷ gần đây, vì vậy khả năng tác chiến và phối hợp còn nhiều hạn chế. (ii) Tìm cách theo dõi, ngăn chặn và từng bước không chế Mỹ can thiệp vào khu vực. (iii) Trung Quốc đang dần hình thành trận địa tàu ngầm ở Biển Đông, bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông là bước đi nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng an ninh trong khu vực. Truyền thông, báo chí phương Tây và giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc triển khai các tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông và cũng như các vùng biển khác sẽ khiến quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn và bất ổn trong khu vực tiếp tục leo thang. Không những vậy, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm để theo dõi, giám sát (phi pháp) ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế, cũng như những điều khoản nước này đã ký kết, cam đoan với nhiều nước trong khu vực. Hành động đi ngược lại cam kết, gia tăng các hoạt động đe dọa an ninh hàng hải của Bắc Kinh sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, bất ổn. Tuy nhiên, tàu ngầm của Trung Quốc còn nhiều điểm yếu, dễ bị phát hiện và khả năng tác chiến chưa cao.Theo đó, Trung Quốc chủ yếu sở hữu tàu ngầm thông thường, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tương đối cũ và số lượng tên lửa mang theo hạn chế, năng lực tấn công hạt nhân kém. Bên cạnh đó, tàu ngầm của Trung Quốc bị đánh giá tương đối ồn và dễ bị phát hiện. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc có độ ồn cao, rất dễ bị phát hiện bởi thiết bị sonar. Ngoài ra, hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc còn lạc hậu, đặc biệt là việc liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến lược và các tàu ngầm hạt nhân triển khai ngoài vùng biển xa.

Nhìn chung, Trung Quốc đang gia tăng năng lực kiểm soát khu vực Biển Đông, từng bước đột phá vòng vây chiến lược của Mỹ trong khu vực. Trong đó, sử dụng lực lượng tàu ngầm sẽ là một trong những con bài chiến lược của Trung Quốc để thực hiện ý đồ trên. Tuy nhiên, hành vi trên của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực và Trung Quốc hiện chưa đủ năng lực để đối phó trực diện với lực lượng tàu ngầm của Mỹ khi hoạt động trên Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment