Mỹ lấy ở đâu 2.000 tỷ USD cho gói cứu trợ lớn nhất lịch sử?
Ngày đăng 28-03-2020BDN
8,3 tỷ USD, rồi đến 750 tỷ USD, và giờ đây là gần 2.000 tỷ USD. Giá trị các gói cứu trợ kinh tế Mỹ do thiệt hại từ dịch Covid-19 cứ tiếp tục tăng.
Ngay cả những nghị sĩ cả phía Dân chủ lẫn Cộng hòa mà trước đây luôn chủ trương “tằn tiện” trong chi tiêu công thì nay không ngần ngại \”gật đầu\” đổ thật nhiều tiền để hạn chế thiệt hại kinh tế do đại dịch.
Gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD, lớn nhất lịch sử Mỹ, vừa được hai đảng đồng thuận vào rạng sáng 25/3 (giờ Mỹ), hơn một thập kỷ sau gói kích thích khổng lồ trị giá 831 tỷ USD dưới thời Tổng thống Obama để vực dậy nước Mỹ sau khủng hoảng tài chính.
Khi ấy đã có nhiều tranh luận liệu Mỹ có đủ tiền chi trả khoản tiền khổng lồ như vậy hay không, nhưng giờ đây, khi dịch bệnh buộc 1/3 dân số Mỹ sống dưới lệnh phong tỏa, các nhà làm chính sách dường như không còn quan tâm đến chi phí, Washington Post bình luận.
Làm thế nào để Mỹ “lo liệu” được khoản tiền 2.000 tỷ USD? Câu trả lời là đi vay.
Chỉ cần Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính Mỹ có thể phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng được, nhằm chi trả cho các khoản chi của chính phủ.
Bộ Tài chính Mỹ bán trái phiếu cho các nhà đầu tư – chính phủ nước ngoài, ngân hàng, quỹ đầu tư, hay bất cứ ai muốn một khoản đầu tư an toàn. Và trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc loại an toàn nhất trong các loại chứng khoán, vì chính phủ Mỹ luôn có thể in tiền trả lại gốc.
Tính đến nay, nợ của chính quyền liên bang Mỹ (loại trừ các khoản nợ do cơ quan an sinh xã hội nắm giữ) vào khoảng 79% GDP hàng năm – một mức nợ rất cao, nhưng chưa phải kỷ lục. Sau Thế chiến II, nợ chính phủ ở Mỹ lên tới 100% GDP.
Nhưng báo Washington Post đặt ra câu hỏi, liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ Mỹ – đồng nghĩa với việc cho chính phủ Mỹ vay tiền – đến bao giờ?
Một số nước như Nhật Bản vẫn “trụ vững” với mức nợ công cao ngất ngưởng trong nhiều năm, trong khi một số nước khác như Hy Lạp và Ireland đã gặp phải khủng hoảng tài chính vì vay quá nhiều.
Ít ai cho rằng Mỹ nên ngừng chi tiền chống dịch vì lo ngại rủi ro nợ công. Dịch bệnh vẫn là mối đe dọa ngay trước mắt. Và qua thời gian, khi kinh tế hồi phục, gánh nặng nợ nần sẽ giảm nhờ tăng trưởng kinh tế, tăng thuế và giảm chi tiêu công.
Nhưng từ trước khi dịch Covid-19 tràn đến Mỹ, chính phủ đã dự tính năm 2020 sẽ có thâm hụt ngân sách lớn, và tiền chi ra sẽ nhiều hơn thu vào tới 1.000 tỷ USD. Gói cứu trợ mới đây, kèm theo một đợt suy thoái do dịch bệnh, có thể khiến con số đó tăng gấp đôi.
“Mỹ đang đặt cược lớn vào việc tiếp tục nhận được lòng tin của giới đầu tư toàn cầu”, Washington Post bình luận.