Khi Chủ tịch Hà Nội phải xin phép công bố bệnh COVID-19
Diễm Thi, RFA
2020-03-30
Một người đàn ông mang khẩu trang đi ngang qua một tấm áp phích mô tả trái đất mang khẩu trang, ở lối vào của một chung cư ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 3 năm 2020.
Chỉ có Bộ Y tế mới được khẳng định dương tính
Sáng 29 tháng 3, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xin phép cho Hà Nội được công bố ca bệnh COVID-19 khi có kết quả xét nghiệm để xử trí kịp thời.
Ông Nguyễn Đức Chung nêu một sự việc xảy ra trước đó, hôm 19 tháng 3, khi nắm được thông tin 2 y tá tại Bệnh viện Bạch Mai dương tính, ông đã kiến nghị xem xét phong tỏa một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và \”đóng băng\” bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện này. Tuy nhiên, kiến nghị của ông đã không được chấp thuận. Bộ Y Tế và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thống nhất quan điểm chỉ đóng băng một số tầng và khoa có bệnh nhân dương tính.
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung, vị đứng đầu thành phố lại không thể công bố kết quả những ca xét nghiệm dương tính với COVID-19 mà phải đề xuất cho phép công bố?
Truyền thông trong nước trích lời Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng rằng, chỉ có Bộ y tế mới được khẳng định dương tính hay không. Tất cả các cơ sở y tế không được phép khẳng định là dương tính. Đó là quy định.
Ông Trần Bang, một nhà đấu tranh ở Hà Nội lập tức đưa ra một loạt câu hỏi trên mạng xã hội như Bộ y tế độc quyền công bố thông tin để phục vụ mục đích gì? Để che giấu sự thật về bệnh dịch, điều đó làm tăng lây nhiễm bệnh và chết dân, nhưng có lợi cho phe Đảng nào? Để lây lan dịch bệnh càng rộng thì Bộ y tế càng được chi nhiều tiền chống dịch sao? Hay Bộ y tế muốn nhân dịch bệnh để giảm dân số VN xuống để tăng thành tích, tăng số gường bệnh trên 1000 dân vào năm sau?
Ông Trần Bang kết luận rằng, “Che đậy tin, làm chậm tin, làm sai tin về dịch bệnh lây lan là tội ác! Giải tán Bộ y tế ngay cho dân nhờ!”
Ông Trần Bang nói thêm với RFA:
“Theo tôi thì ông Chung phải đấu tranh chứ không phải đề xuất vì công bố một sự thật thì việc gì các ông ấy phải sợ?
Khi cần thì một ông bác sĩ có thẩm quyền ký xác nhận vào kết quả xét nghiệm là âm tính hay dương tính đã có quyền công bố chứ không cần đến bộ hay tỉnh. Công bố ra báo chí và báo cáo theo ngành dọc để tổng kết nhưng đồng thời cũng phải thông tin ngay cho địa phương”
Theo quy định hiện nay, dù Bộ y tế đã cho phép 22 phòng xét nghiệm được xét nghiệm khẳng định COVID-19, nhưng địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính mới mà phải đợi quyết định của Bộ Y tế cho phép mới được công bố.
Ông Nguyễn Đức Chung vì dân?
Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung AFP
Nhiều người dân cho rằng, với bản tính dấu giếm xưa nay của người cộng sản thì việc ông Nguyễn Đức Chung đề xuất được công khai dịch bệnh là tín hiệu tích cực.
Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long nhận định rằng, đề xuất của ông Chung có lợi cho dân và cho uy tín của chính ông Chung. Nếu để xảy ra thảm họa thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu thành phố, nên ông Chung buộc phải đề xuất như vậy.
Ông Đinh Đức Long nói thêm:
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì ấy đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung thứ nhất là rất trách nhiệm, thứ hai là kịp thời, đúng lúc, có tầm nhìn xa.
Ông Chung tiên lượng rằng tình hình sẽ rất phức tạp, chưa thể dự đoán khi nào kết thúc. Ông Chung từng chủ động đề ra nhiều cái rất hay mà sau đó xảy ra đúng như thế. Ví dụ ông Chung đề nghị phải kiểm soát ổ dịch bệnh viện Bạch Mai. Rồi trước đó vụ bệnh nhân số 21, bệnh nhân Nguyễn Quang Thuấn. Những điều ông Chung nói ra rất nhạy cảm và chính xác mà chưa thấy quan chức nào nói, nếu nói thì nói theo hướng nhẹ đi. Thực tế là xảy ra theo hướng ông Chung đã dự đoán.”
Nhiều người Việt Nam mà RFA trò chuyện đều khẳng định chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống dịch. Tuy vậy họ vẫn không tin những con số từ chính quyền đưa ra. Khi thế giới có đến hơn 36 ngàn người chết mà Việt Nam không có một ca nào. Ngay cả cái chết của một cụ bà 81 tuổi trong khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang cũng được báo chí loan rằng âm tính với COVID-19.
Theo thừa nhận của nhà báo tự do Sương Quỳnh, cả ông Vũ Đức Đam và ông Nguyễn Đức Chung đều nỗ lực ngăn chặn dịch. Họ làm tất cả những gì có thể nhưng chuyện công bố hay không đều do bộ chính trị, do bên tuyên giáo quyết định. Ông Chung sợ sau này bị ‘thí chốt’ nên phải đưa đề xuất để sau này không bị đổ trách nhiệm. Nhà báo Sương Quỳnh nói thêm:
“Có người khen ông Chung phá rào, nhưng nếu can đảm thì ông ta phá rào lâu rồi.
Bây giờ các nhân vật lãnh đạo tuyên bố gì mình cũng phải nghi ngờ. Ông Chung nói thì có vẻ đứng về phía nhân dân, nhưng cũng có thể đó là cái chiêu trò của họ. Tất cả những chiêu trò đấy đều có sự tính toán của bộ chính trị, của ban tuyên giáo hết. Không bao giờ có người nào được phép làm điều đấy cả. Tôi chắc chắn luôn!”
Ông Trần Bang nêu một nguyên tắc của đảng cộng sản mà ông cho là nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó với vai trò là ủy viên trung ương trong khi Hội đồng chống dịch lại là của cấp nhà nước nên ông Chung không dám vượt mặt. Ông phân tích:
“Nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng cộng sản đầy mâu thuẫn, nó dẫn đến độc tài mang danh dân chủ. Mất quyền tự do ngôn luận, mất nhân quyền. Quy định đó là quy định ngăn chặn tự do ngôn luận – một quy định sai. Ngay đảng viên cao cấp như ủy viên trung ương cũng không được tự do ngôn luận. Đấy là cái bậy, cái ngu ngốc của đảng cộng sản.”
Tại cuộc họp về phòng chống dịch diễn ra ngày 30 tháng 3, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhận định thành phố này đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của dịch COVID-19. Cùng ngày, Bộ Y Tế thông báo có thêm 9 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 cả nước lên 203 ca, trong đó Hà Nội có 71 ca.
Cũng theo Bộ Y Tế thì số ca nhiễm được chữa khỏi ở Việt Nam là 55 trường hợp, trong khi thế giới cho rằng hiện vẫn chưa có thuốc chữa nên họ chỉ dùng từ “hồi phục” thay cho “được chữa khỏi”.
Phát biểu kết luận tại phiên họp Thường trực chính phủ chiều 30 tháng 3 về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch trên toàn quốc.