Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona

Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona

Đăng ngày: 31/03/2020

\"Quyền
Quyền uy Tập Cận Bình bao trùm Trung Quốc, nhưng nay người dân phẫn nộ vì đại dịch ở Vũ Hán đã dám lên tiếng phản đối. Ảnh mang tính minh họa. EUTERS/Aly Song

Thụy My

Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

Theo tác giả Jayadeva Ranade, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc trên tờ The Tribune*, ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán.

Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Sự phẫn nộ lan rộng trong công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu diếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.

Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.

Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình Nhà nước, cũng gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.

Vào ngày 02/03/ và trước đó vào ngày 23/2, ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin), giáo sư về hưu của trường đại học Dân tộc Trung ương (Minzu), ủy viên trung ương đảng, đã gởi hai lá thư cho ông Tập Cận Bình, cả hai đều mang giọng điệu đả kích kịch liệt. 

Trong thư đề ngày 23/2, Triệu Sĩ Lâm khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ « thời gian vàng » vào dịp Tết, khiến cho « nạn dịch lan tràn vô cùng dữ dội ». Ông nhận định cái giá phải trả là « khủng khiếp »  « đau thương không kể xiết ». Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc  chiến chống virus corona là « thử nghiệm lớn lao về khả năng của hệ thống điều hành đất nước », vị giáo sư thẳng thừng tuyên bố : « Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí đến nay bằng 0 ! ».

Giáo sư Triệu chỉ ra năm yếu tố, trong đó có việc siết chặt an ninh, bảo đảm hình ảnh ưu việt của đảng, tập trung mọi quyền hành vào tay một người. Tình trạng này ngăn trở các cán bộ đảng và viên chức thực hiện phần việc của mình, phát huy sáng kiến. Tuyên bố « những người trong và ngoài hệ thống đều kêu gọi cải cách chính trị », ông Triệu Sĩ Lâm nhấn mạnh cần bao gồm việc áp dụng « những giá trị xã hội cốt lõi: tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền », bảo đảm các quyền chính trị của công dân như tự do ngôn luận.

Trong lá thư thứ hai ngày 2/3, ông tái khẳng định : « Trong một xã hội lành mạnh, cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói để đòi hỏi tự do ngôn luận ».

Nhiều người khác cũng đã đăng những bài viết chỉ trích, khiến một số có nguy cơ bị đàn áp.

Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), cựu giáo sư trường đại học Bưu điện và Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì « không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn ». Giáo sư gọi tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là « rối rắm », mô hình cai trị « lỗi thời », tuyên bố ông Tập đã làm Trung Quốc suy sụp với « những biện pháp quá lố nhằm duy trì ổn định xã hội » của ông ta. Hứa Chí Vĩnh kết luận: « Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông: hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình! ».

Tiểu luận của giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) mang tên « Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa » được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cáo buộc các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của « một nhóm nhỏ lãnh đạo » và lao vào « chủ nghĩa khủng bố dữ liệu ». Giáo sư tố cáo việc « bóp nghẹt các tranh luận công khai và truyền thông xã hội, cơ chế cảnh báo sớm đã tồn tại ban đầu », đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc. Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là « bạo chúa chính trị », và khẳng định « cuối cùng vầng thái dương cũng sẽ đến trên mảnh đất tự do này ».

Cơn phẫn nộ của cư dân Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch đương nhiên nổ ra khi dịch bệnh hoành hành. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán hôm 14/2, họ đã phản đối việc « chính quyền cộng sản hủy bỏ tự do ngôn luận và giấu diếm thông tin ». Cư dân hô lớn « Đừng tin họ », « Họ toàn nói láo »

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra những chỉ trích liên tục này. Để xoa dịu cơn giận của người dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (do Tập Cận Bình làm chủ tịch) điều tra về vụ trấn áp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) – người đã đưa ra lời cảnh báo và bị công an bắt giữ, sau đó chết vì virus corona – hôm 19/3 báo cáo rằng công an và an ninh Vũ Hán đã rút lại biện pháp trừng phạt, xin lỗi gia đình vị bác sĩ trẻ và kỷ luật hai công an viên.

Dấu hiệu cho thấy quy mô bất bình trong dân chúng hiện rõ vào tuần trước, với thông tin các « thái tử đỏ » kêu gọi họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên tập trung vào giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) hoặc Uông Dương (Wang Yang), ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

* The Tribune là tờ báo tiếng Anh độc lập được đọc nhiều nhất ở bắc Ấn Độ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment