Virus corona: Nhiều người VN hưởng ứng kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ
Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Lời kêu gọi mới đây của một nhóm cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội trên mạng xã hội đã thu hút sự ủng hộ của cộng đồng: \”Đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ ở tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 để lấy khẩu trang thường.\”
Nói với BBC News Tiếng Việt về lý do ra đời dự án này, bác sỹ Vũ Công Nguyên, trưởng nhóm \’Đồng hành cùng chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu\’ ở Hà Nội, cho hay:
\”Với các nhân viên y tế trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân Covid-19, họ phải hít thở trong môi trường đầy virus corona, thì khẩu trang N95 là một tấm khiên chắn virus khá hữu hiệu, giảm thiểu rủi ro mức độ lây nhiễm. Do đó nhóm chúng tôi muốn đóng góp khẩu trang N95, bên cạnh các trang thiết bị bảo hộ khác, cho các đồng nghiệp đang chiến đấu với Covid-19.\”
\”Tuy nhiên khẩu trang N95 đã biến mất khỏi thị trường. Chúng tôi đã tìm rất vất vả, phải sử dụng tất cả các mối quan hệ để tìm mua. Nhưng rốt cuộc vừa qua cũng chỉ mua được tổng cộng 640 cái khẩu trang N95.\”
\”Với số lượng này, một bệnh viện dùng dè xẻn thì chỉ được một tuần. Do đó chúng tôi phát đi lời kêu gọi trên Facebook để mọi người dân cùng biết và tham gia ủng hộ, đổi khẩu trang N95, hoặc P2 mà họ có cho bác sỹ, đổi lại họ sẽ nhận khẩu trang loại thường, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kháng khuẩn trong điều kiện thường.\”
\”Môi trường bình thường gần như không có hoặc có rất ít virus corona, do đó người dân có thể chỉ cần sử dụng khẩu trang vải, vừa bảo vệ môi trường, vừa có thể giặt đi tái sử dụng lại. Trong khi đó khẩu trang N95 hay P2 có tác dụng ngăn virus, cũng có thể dùng một lần trong môi trường bệnh viện, do đó rất thiếu,\” bác sỹ Vũ Công Nguyên nói thêm.
\”Lời kêu gọi của chúng tôi là nếu ban chưa mua thì đừng mua khẩu trang N95 hoặc P2. Nếu mua rồi và vẫn còn chưa sử dụng, còn nguyên trong hộp, trong bọc nilon của nhà sản xuất, thì hãy liên hệ với chúng tôi,\” bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Nhiều người hưởng ứng
Sau khi lời kêu gọi được Nhóm Đồng hành cùng bác sỹ áo trắng phát đi trên Facebook, chỉ sau vài ngày đã có nhiều người gửi khẩu trang N95 cho nhóm.
Ông Phạm Vũ Thiên, một thành viên của nhóm, cho hay ban đầu người đóng góp khẩu trang N95 chủ yếu là bạn bè trong giới bác sỹ, người thân, nhưng sau đó nhiều người dân bắt đầu hưởng ứng.
Tính đến giờ, sau một tuần kêu gọi, nhóm đã gom được hơn 1.000 khẩu trang N95 đạt chuẩn. 400 trong số đó đã được nhóm chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội – nơi đang gồng mình chống dịch lây lan ngay trong bệnh viện. Số còn lại sẽ được chuyển tới cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở II – nơi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
\”Một khẩu trang N95 đủ chuẩn sẽ được đổi hai khẩu trang vải công nghệ Nhật đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng,\” bác sỹ Nguyên cho biết.
\”Bác sỹ tuyến đầu không đơn độc\”
Theo các bác sỹ trong nhóm, ngày càng có nhiều người liên lạc để gửi tặng khẩu trang N95, cho thấy họ rất ủng hộ ngành y trong phòng chống dịch.
Dù vậy, vẫn có nhiều khẩu trang không đủ chất lượng được mang đến nên nhóm bác sỹ đã phải từ chối.
\”Nhiều người không biết rõ về chất lượng loại khẩu trang họ có. Vì đa số các thông tin được ghi bằng tiếng Anh và các số hoặc mã, phải là người có chuyên môn mới biết được.\”
\”Về qui chuẩn, tiêu chuẩn US, EU, Au và Quốc tế thông số là khác nhau nhưng chất lượng thì giống nhau. Ví dụ khẩu trang N95 là tiêu chuẩn Mỹ; EU là FFP2; Úc là P2. Khẩu trang N95 có thêm than hoạt tính là RN95,\” bác sỹ Vũ Công Nguyên giải thích.
Lan tỏa tới TP Hồ Chí Minh
Dự án kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ cũng bắt đầu lan tỏa tới TP Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bác sỹ Lê Xuân Hiệp ở TP Hồ Chí Minh cho biết:
\”Hiện tại chúng tôi đang bắt tay vào vận động bạn bè, người thân, và kêu gọi trên Facebook để người dân tại đây biết về dự án.\”
\”Do mới khởi động được ít ngày nên thu gom chưa được là bao. Ngày đầu ra quân chỉ thu được 11 cái khẩu trang N95 đủ tiêu chuẩn thôi. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi.\”
\”Cần chung tay bảo vệ nhân viên y tế. Hàng ngàn nhân viên y tế trên thế giới đã tử vong dù nhiều nước hệ thống y tế của họ có thể hiện đại hơn mình. Trong khi nhân viên y tế Việt Nam mới thực sự bước vào trận chiến, một nhân viên y tế bị bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ họi cứu sống người bệnh. Rảnh thì góp sức, cần công thì bỏ công, là thông điệp tôi muốn gửi tới cộng đồng,\” bác sỹ Lê Xuân Hiệp nói với BBC.
\”Là bác sỹ phẫu thuật, tôi đứng tám tiếng một ngày không ăn uống là chuyện bình thường. Nhưng các y bác sỹ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể còn phải làm tới 12 tiếng, trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngột ngạt trong môi trường nguy hiểm. Những việc làm hiện nay của nhóm cũng như cộng đồng chỉ để nói lên một điều rằng các bác sỹ tuyến đầu không lẻ loi mà cộng đồng sẽ luôn đồng hành cùng họ,\” bác sỹ Hiệp nói.
\”Đồng hành cùng bác sỹ tuyến đầu chống Covid-19\”
Dự án đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động của nhóm \”Đồng hành cùng chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.\”
Hiện nhóm đã kêu gọi được đóng góp từ rất nhiều nguồn để mua các trang thiết bị khám chữa bệnh và bảo hộ tặng các bệnh viện.
Hoạt động của nhóm hiện đang rất sôi nổi trên Facebook, thu hút nhiều người dân tham gia.
Mới đây, một người tên Tuan Anh Nham nhắn: \”Hiện bệnh viện St Paul đang thiếu khẩu trang KN95, mong nhóm giúp đỡ.\” Một người khác tên Nguyễn Thu Trang nhắn: \”Em nhờ mua từ Trung Quốc nhưng mỗi lần cũng chỉ được 10 cái thôi.\”
Nickname Thơm Lê nhắn: \”Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, Hà Nội, nhân viên đang thiếu khẩu trang y tế, mọi người hiện đều phải dùng khẩu trang vải. Chiều nay đã có thêm 13 ca Covid F1 chuyển về…\”
Nguyễn Quang Hòa: \”Hiện tại hầu hết bệnh viện đều thiếu khẩu trang y tế ở các mức độ khác nhau.\”
Nick Hồng Vân hỏi: \”Mình có ba chiếc thôi, được không bạn?\” Bác sỹ Hoàng Tú Anh, một thành viên của nhóm, trả lời: \”Nếu đúng chủng loại và còn nguyên trong bao bì, mấy chiếc cũng quý các bạn nhé!\”
Nhiều người chụp ảnh hộp khẩu trang mình có để nhờ bác sỹ tư vấn xem có đúng chủng loại hay không.
Ngoài thông tin về khẩu trang, mọi người cũng quyên góp tiền giúp các nhân viên y tế Bạch Mai chống dịch và đóng góp các sáng kiến chống dịch khác.
Chẳng hạn Nickname Hien Xuan Hoang chia sẻ sáng kiến dùng bộ chia để một máy thở có thể dùng cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Ông Phạm Vũ Thiên nói với BBC cho rằng, dù số lượng khẩu trang và các đóng góp hiện nay là bao nhiêu có lẽ cũng không thấm là bao với nhu cầu hiện nay của ngành y tế, nhưng điều này thể hiện người dân cả nước quyết tâm đồng hành cùng các bác sỹ chống dịch.