Massachusetts: Công ty của một người gốc Việt được chọn làm nguồn định bệnh COVID-19 sơ khởi

Massachusetts: Công ty của một người gốc Việt được chọn làm nguồn định bệnh COVID-19 sơ khởi

Mar 30, 2020 

\"\"/
Bác Sĩ Andrew Lê trong cuộc họp báo sau khi được Massachusetts chọn làm nguồn định bệnh COVID-19 chính thức. (Hình: Youtube.com)

Đằng-Giao/Người Việt

BOSTON, Massachusetts (NV) – Buoy Health, một công ty của người gốc Việt ở Boston vừa được ông Charlie Baker, thống đốc tiểu bang Massachusetts, chọn làm một nguồn định bệnh COVID-19 sơ khởi chính thức của tiểu bang này.

Công ty Buoy Health giúp người gọi tới để tư vấn và chẩn đoán “online” xem họ có đủ triệu chứng của bệnh COVID-19 hay không.

Bác Sĩ Andrew Lê, tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập viên công ty Buoy, cho biết: “Thống Đốc Charlie Baker khuyên mọi cư dân của Massachusetts nên sử dụng sự chuẩn đoán sơ khởi của Buoy trong trận dịch COVID-19 này, nhưng bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào cũng có thể vào website của Buoy để được chuẩn bệnh hoàn toàn miễn phí.”

Theo Bác Sĩ Andrew, công ty Buoy có một công cụ có chức năng phân loại bệnh nhân, với mục đích chính là để trấn an mọi người dừng quá lo âu là bị nhiễm COVID-19.

Triệu chứng dịch COVID-19 rất giống với cảm cúm thường, chỉ trừ rất khó thở.

\"\"
Anndrew Lê, tổng giám đốc kiêm sáng lập viên Buoy. (Hình: Andrew Lê cung cấp)

Khi đến website “buoy.com,” người ta sẽ được hỏi một số câu hỏi cơ bản như có bị ớn lạnh (chills), ho, sốt, khó thở không. Nếu ai bị mắc tất cả những triệu chứng trên thì sẽ được hỏi về giới tính, tuổi tác và thêm vài câu hỏi kế tiếp trước khi được hướng dẫn bước tiếp theo.

“Vì tình trạng thiếu thốn bác sĩ như hiện giờ cũng như thiếu thốn phương tiện y tế ở mọi nơi, việc chuẩn đoán và phân loại này giúp những người không có bệnh bình tĩnh hơn, nhường chỗ cho những ai thực sự cần được điều trị.” Bác Sĩ Andrew giải thích.

\"\"
Giao diện Buoy trước khi trả lời câu hỏi. (Hình: Andrew Lê cung cấp)

Buoy có sự lựa chọn cho những người nghĩ rằng mình cần được săn sóc của chuyên viên y tế theo từng cấp bậc như cấp cứu (emergency care,) chăm sóc khẩn cấp (urgent care,) chuyên viên (specialist care,) bác sĩ gia đình (primary care,) cố vấn ở xa (telemedicine)…

“Chúng tôi tin rằng sau khi trả lời từng câu hỏi một cách bình tĩnh, người ta sẽ cảm thấy họ không có gì để phải lo lắng. Riêng những ai có triệu chứng đáng ngại, chúng tôi sẽ hướng dẫn họ những bước cần thiết trước khi phải gọi 911 hay đến thẳng phòng cấp cứu.” Bác Sĩ Andrew cho biết.

\"\"
Tổng hành dinh Buoy tại Boston. (Hình: Andrew Lê cung cấp)

Ông Lê Quốc Hưng, Giáo Sư Đại Học University of Houston, nói: “Sự đóng góp của Buoy trong vấn đề phân loại sơ khởi (triage) rất là quan trọng trong lúc tình trạng số người bị bệnh dịch càng ngày càng ra tăng và có một lúc nào đó sẽ làm hệ thống bệnh viện ở Mỹ bị sụp đổ vì số bệnh nhân quá nhiều.”

Ông tiếp: “Vì vậy các nhà lãnh đạo y tế hay dùng câu ‘flatten the curve’ bởi vì nếu số người bệnh hiện thời đang tăng khoảng 14% một ngày thì chỉ cần một tháng nữa là tổng số người bệnh sẽ lên tới hơn 9 triệu người. Chắc chắn là ngành y tế của Mỹ không thể có thể đáp ứng được tình huống như vậy. Hơn nữa có nhiều trường hợp vì không có ‘test kits,’ người bệnh vào trong emergency không phải vì bệnh COVID-19 mà chỉ mắc những bệnh khác như cảm cúm theo mùa mà thôi.”

Hiện nay, Buoy chỉ có tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, nhưng trong thời gian tới sẽ có thêm tiếng Việt và tiếng Quan Thoại.

Công ty Buoy đã thành lập năm 2013 từ Harvard Innovation Lab và Bác Sĩ Andrew Lê tốt nghiệp bằng MD tại Harvard Medical School.

Buoy có hơn 60 nhân viên tại hai cơ sở là tổng hành dinh tại Boston và New York City.

Nếu cần thêm tin tức, vào https://www.facebook.com/buoyhealth/?tn-str=k*F.


Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

Bài Liên Quan

Leave a Comment