Ông Tedros thắng cử chức Tổng giám đốc WHO năm 2017 là nhờ sự hậu thuẫn của chế độ Trung Quốc.
Thứ Năm, 02 Tháng Tư 20207:00 SA
Ông Tedros thắng cử chức Tổng giám đốc WHO năm 2017 là nhờ sự hậu thuẫn của chế độ Trung Quốc.
Ông Tedros hiện nay đang bảo vệ cho chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhằm phủ định trách nhiệm của nước này với đại dịch virus corona.
Ông Tedros ca ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc và nói rằng cách Trung Quốc ứng phó với virus corona là hình mẫu cho các nước khác học tập, bất chấp việc Trung Quốc đã cố che giấu dịch bệnh và bịt miệng “những người thổi còi”.
Ông Tedros là giám đốc WHO đầu tiên không phải là bác sĩ y khoa và ông cũng bị cáo buộc đã che giấu ba đợt dịch tả khi còn làm bộ trưởng y tế Ethiopia.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thắng cử vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc bầu cử năm 2017 nhờ sự chống lưng của chính quyền Trung Quốc. Bây giờ, ông Tedros đang lãnh đạo WHO – cơ quan của Liên Hiệp Quốc – bao che cho nỗ lực của chế độ Trung Quốc trong việc trốn tránh trách nhiệm của họ về đại dịch virus corona toàn cầu.
Bất chấp tất cả các bằng chứng trái ngược, các nhà chức trách Trung Quốc đang thêu dệt câu chuyện sai lệch rằng Trung Quốc rốt cuộc là nạn nhân của một loại virus nước ngoài mà họ đã nhanh chóng khống chế được. Và WHO đang giúp chế độ Trung Quốc thúc đẩy câu chuyện sai lệch này.
Ông Tedros đã ca ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc và đã lấy Trung Quốc làm hình mẫu chống đại dịch ngay cả khi chế độ cộng sản này đã che giấu và giữ kín mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Giới chức Trung Quốc đã ép các nhà khoa học phát hiện virus corona từ tháng 12/2019 phải phá hủy bằng chứng về virus này, theo nhật báo Sunday Times đưa tin. Chế độ Trung Quốc cũng trừng phạt các bác sĩ đã cố gắng cảnh báo cho công chúng từ những giai đoạn sớm của dịch bệnh. Chế độ Trung Quốc cũng phong tỏa tin tức, trấn áp người đưa tin về virus corona trên mạng trực tuyến. Gần đây, một ông trùm bất động sản Trung Quốc đã đột ngột mất tích sau khi công khai chỉ trích cách chính quyền Trung Quốc xử lý dịch bệnh.
Khoảng 7 triệu người đã rời thành phố Vũ Hán vào tháng Một trước khi chính quyền Trung Quốc hạn chế di trú tới Vũ Hán vào ngày 22/1. Hàng triệu người này đã lây lan virus corona ra toàn Trung Quốc và khắp thế giới, theo New York Times đưa tin hôm Chủ Nhật (22/3).
Một nghiên cứu phát hiện rằng “nếu sự can thiệp [dịch bệnh] tại Trung Quốc có thể được thực hiện một tuần, hai tuần hoặc ba tuần sớm hơn, thì các ca nhiễm bệnh sẽ giảm được tương ứng 66%, 86% và 95% và từ đó cũng giới hạn sự lây lan địa lý của bệnh dịch”.
WHO đã lặp lại những phát ngôn sai của Trung Quốc về khả năng virus corona truyền nhiễm từ người sang người trong những giai đoạn đầu dịch bệnh. WHO viết trên Twitter hôm 14/1: “Những điều tra cơ bản do các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện đã cho thấy rằng không có bằng chứng rõ ràng về việc virus corona chủng mới (2019-nCoV) được xác nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc có thể truyền từ người sang người”.
Chỉ một ngày sau phát ngôn của WHO, ngày 15/1 tại Mỹ đã xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên. Bệnh nhân là một người trở về Mỹ sau khi di trú tới Vũ Hán, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Ông Tedros đã ca ngợi cách xử lý đại dịch một cách tàn khốc của Trung Quốc là hình mẫu cho phần còn lại của thế giới học theo. “Trung Quốc thực sự đang đặt ra một tiêu chuẩn mới về cách ứng phó với dịch bệnh”, ông Tedros nói vào ngày 30/1, thời gian ngắn sau khi ông có chuyên công du Bắc Kinh.
“Ông Tedros rõ ràng đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc, và sau cuộc gặp với ông Tập vào tháng Một, ông Tedros đã giúp Trung Quốc tuyên truyền giảm mức độ nghiêm trọng, tỷ lệ mắc và phạm vi của dịch COVID-19”, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas-San Antonio Bradley A. Thayer và Phó chủ tịch của Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc Lianchao Han viết bài bình luận đăng trên the Hill hôm 17/3.
Hai ông đã kêu gọi Tổng giám đốc Tedros nên từ chức và cho biết thêm rằng: “Ngay từ đầu, ông Tedros đã bảo vệ Trung Quốc mặc dù chính quyền nước này đã xử lý sai căn bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao. Khi số ca mắc bệnh và số người chết tăng vọt, WHO đã mất nhiều tháng để tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch, mặc dù dịch bệnh này đã sớm đáp ứng các tiêu chí lây truyền giữa người, tỷ lệ tử vong cao và lây lan trên toàn thế giới do WHO đặt ra”.
WHO bây giờ cũng đang tán dương các tuyên bố của Trung Quốc rằng họ đã giảm số ca nhiễm mới tại Vũ Hán xuống 0. Tuy nhiên, hãng truyền thông Kyodo News của Nhật Bản dẫn lời một bác sĩ Vũ Hán cho biết các quan chức Trung Quốc một lần nữa lại đang thao túng số liệu nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền.
Mối quan hệ của ông Tedros với chính quyền Trung Quốc không phải là mới.
Ông Tedros đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong thời gian ông làm bộ trưởng y tế của Ethiopia. Chính quyền Trung Quốc cũng đã hậu thuẫn cho ông Tedros tranh cử chức Tổng giám đốc WHO năm 2017.
Ông Tedros đã thắng cử tổng giám đốc WHO bất chấp khi đó có nhiều thông tin cáo buộc ông đã che giấu ba đợt dịch tả khi ông làm bộ trưởng y tế Ethiopia. Mặc dù thường được gọi là “Bác sĩ Tedros”, nhưng tổng giám đốc WHO không phải là bác sĩ y khoa mà ông mang học vị tiến sĩ y tế cộng đồng.
Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức lãnh đạo WHO, ông Tedros đã chỉ định nhà độc tài Zimbabwe – một kẻ vi phạm nhân quyền khét tiếng, làm đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc và sau đó do bị quốc tế phản đối mạnh mẽ, ông Tedros mới tước danh hiệu này của ông Mugabe.
Nhà bình luận Rebecca Myers của Sunday Times hồi tháng 10/2017 đăng bài viết có đoạn: “Các nhà ngoại giao nói rằng việc chỉ định ông Mugabe là sự trả nợ chính trị mà ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – tổng giám đốc người Châu Phi đầu tiên của WHO – dành cho Trung Quốc, một đồng minh lâu năm của ông Mugabe, và cũng là trả nợ chính trị cho 50 quốc gia Châu Phi đã đảm bảo cho ông Tedros thắng cử hồi đầu năm”.
“Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ cho [ông Tedros]. Họ đã sử dụng ngân sách viện trợ mờ ám của chế độ Bắc Kinh để tạo ra sự ủng hộ cho ông Tedros tại các nước đang phát triển”, nhà bình luận Rebecca Myers cho biết thêm.
Cây bút Frida Ghitis của tờ Washington Post vào thời điểm đó đã đưa ra lưu ý tương tự rằng Trung Quốc “đã làm việc không biết mệt mỏi phía sau hậu trường để giúp ông Tedros đánh bại ứng cử viên tổng giám đốc WHO người Anh, ông David Nabarro. Chiến thắng của ông Tedros cũng là chiến thắng của Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần công khai mục tiêu của ông về việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới”.
Trong khi đó, ông Michael Collins, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Hội đồng Đối Ngoại hôm 27/2 viết trên blog cá nhân rằng: “Mặc dù ông Tedros đã luôn bảo vệ chế độ Trung Quốc trong đại dịch, thì ông lại không ngần ngại chỉ trích Mỹ và các đối thủ khác của Trung Quốc về các phản ứng của họ với dịch bệnh”.
Ông Tedros hôm 3/2 đã chỉ trích Mỹ và các nước khác đã quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc khi họ nhận thấy rõ ràng quốc gia cộng sản đang không kiểm soát được sự lây lan của virus corona.
“Không có lý do cần thiết nào để áp đặt các biện pháp can thiệp vào di trú và thương mại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy thực thi quyết định dựa trên bằng chứng và sự phù hợp”, ông Tedros tuyên bố.
WHO cũng đã ngầm chỉ trích Tổng thống Donald Trump, chỉ một ngày sau khi ông Trump gọi virus corona là “virus nước ngoài”.
“Cần nhắc nhở nhanh: virus không có quốc tịch”, WHO viết trên Twitter hôm 17/3 và sau đó Tân Hoa Xã đã nhanh chóng lan tỏa thông điệp này.
Sau đó một quan chức khác của WHO cũng đã chỉ trích ông Trump. Ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp của WHO nói: “Virus không biết biên giới nào hết và chúng không quan tâm đến sắc tộc, màu da của bạn hay bạn có bao nhiêu tiền trong ngân hàng”.
Ông Mike Ryan nói thêm: “Đây là thời gian đoàn kết, đây là thời gian cho những sự thật, đây là thời gian để cùng nhau tiến lên chiến đấu với loại virus này. Đây không phải là lúc đổ lỗi”.
Những bình luận của ông Mike Ryan rất đồng điệu với chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của chính quyền Trung Quốc.
Sau khi bài viết này được đăng tải trên Daily Caller hôm 22/3 đã nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả, trong đó có Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley.
Ông Josh Hawley chia sẻ lại bài viết này trên Twitter, kèm lời bình: “Cần phải có hậu quả ở đây. WHO đã đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc để chống lại thế giới trong đại dịch này”.
Daily Caller cho biết họ đã liên lạc với WHO và Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ để yêu cầu họ phản ứng về bình luận của ông Josh Hawley, nhưng không nhận được phản hồi.
Biên dịch: Xuân Thành
(Trí thức VN)