Virus corona: Các nước đang làm gì để chống dịch
Reality CheckBBC News
- 2 tháng 4 2020
Các nước trên khắp thế giới đang thực hiện các biện pháp quyết liệt khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Nhiều nước đã cho đóng cửa biên giới với các nước khác, trừ công dân của họ, áp đặt lệnh kiểm soát ngặt nghèo việc di chuyển trong nước, và yêu cầu mọi người ở trong nhà.
Nước nào đang hạn chế người nước ngoài nhập cảnh?
Một số biện pháp hạn chế nhập cảnh đầu tiên được áp dụng cho du khách đến từ Trung Quốc, nhưng sau đó các quốc gia khác đã được thêm vào danh sách khi virus bắt lây lan sang các nơi khác.
Nhật Bản, trước đây cấm nhập cảnh đối với du khách từ một số khu vực của Trung Quốc và Hàn Quốc, hiện đã mở rộng đến 21 quốc gia châu Âu và Iran, đồng thời yêu cầu những người đến từ Mỹ phải cách ly trong 14 ngày.
Úc và New Zealand đã cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh. Úc yêu cầu các công dân trở về từ nước ngoài phải cách ly trong hai tuần.
Singapore cũng không cho khách nước ngoài nhập cảnh và yêu cầu mọi công dân phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Hàn Quốc thông báo bất cứ ai nhập cảnh vào nước này từ nước ngoài, bao gồm cả công dân của họ, sẽ phải tự cách ly trong hai tuần.
Ấn Độ đã tạm ngưng cấp thị thực cho người nước ngoài cho đến giữa tháng Tư.
Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế.
Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới vào ngày 18/3 với bất kỳ ai ngoài EU trong ít nhất 30 ngày.
Hoa Kỳ đã đóng cửa biên giới phía bắc với Canada và đang đàn áp những người cố gắng vượt biên trái phép từ Mexico.
Trung Quốc, nơi bắt đầu bùng phát Covid-19, hiện đã cấm tất cả khách nước ngoài, lo ngại rằng các trường hợp nhiễm virus mới đang bắt đầu đến từ nước ngoài.
Lệnh hạn chế đi lại ở các nước?
Image captionMỹ ngưng cho công dân các nước châu Âu nhập cảnh
Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều quốc gia đặt ra các lệnh hạn chế di chuyển đối với công dân của mình, dẫn đến sự nhầm lẫn ở một số nơi về những gì được phép và những gì không.
Ý – nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh – bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc vào 12/3, lệnh này đã được kéo dài hơn ngày kết thúc dự kiến ban đầu là 25/3, và dần dần được thắt chặt hơn.
Pháp và Tây Ban Nha cũng thông báo với người dân rằng khi cần đi đâu họ phải xin phép, và lệnh hạn chế này ngày càng được thắt chặt khi các ca nhiễm virus tiếp tục gia tăng.Image captionHệ thống tàu điện ngầm trở nên vắng vẻ ở London, Anh Quốc
Vương quốc Anh cũng tham gia cùng các nước khác trong việc áp đặt các hạn chế di chuyển trong nước, mặc dù người dân được phép ra ngoài một lần một ngày để mua sắm các nhu yếu phẩm cơ bản, vì lý do y tế hoặc đi làm nếu thực sự cần thiết.
Đã có những câu hỏi ở Anh và những nơi khác về cách diễn giải các quy định hạn chế di chuyển này. Một số người đã chỉ trích cách thức giới chức đang thực thi chúng.
Chính quyền ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Anh đã công bố mức phạt cho những người không tuân thủ lệnh cấm. Tại Lombardy, Ý, mức phạt này lên tới 5.000 Euro.
Các lệnh phong tỏa ở Đức thay đổi đôi chút theo từng tiểu bang, nhưng vẫn cho phép mọi người rời khỏi nhà để hít thở chút không khí trong lành.Image captionThủ đo Delhi của Ấn Độ sau khi thực hiện lệnh phong tỏa
Hiện Mỹ đang áp các lệnh hạn chế di chuyển trên khắp các tiểu bang. California không cho phép người dân rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết và buộc các doanh nghiệp được coi là không thiết yếu phải đóng cửa.
New York, nơi có số ca mắc virus corona cao nhất ở Mỹ, cũng áp đặt lệnh phong tỏa.
Khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, chính quyền tại đây đã hạn chế đi lại trên toàn quốc yêu cầu người dân ở nhà, chỉ gần đây mới nới lỏng lệnh này.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi virus khởi phát, các hạn chế đi lại hiện đang được nới lỏng, cho phép một số người ở những nơi khác vào và ra.
Thành phố Vũ Hán sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào 8/4.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỷ dân khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Nga kêu gọi người dân ở trong nhà.
Nhiều quốc gia khác cũng đã hạn chế di chuyển ở các mức độ khác nhau. Thụy Điển là một ngoại lệ với ít lệnh hạn chế hơn các nước châu Âu khác.
Những biện pháp khác?
Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các nước xét nghiệm càng nhiều càng tốt để tìm ra người bị nhiễm bệnh, từ đó có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Nhưng đã có sự khác nhau lớn trong việc tiến hành xét nghiệm.
Hàn Quốc đã xét nghiệm nhiều nhất trong tổng dân số trong khi những nước khác xét nghiệm ít hơn nhiều, mặc dù hiện tại họ đang tăng lên.
Hoa Kỳ, nơi tương đối chậm chạp trong việc thực hiện chương trình xét nghiệm, đã mở rộng xét nghiệm trên toàn quốc.
Các bước khác đóng cửa các địa điểm tập trung đông người, ví dụ như trường học và viện.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 87% những người đi học trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học.
Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc Unesco cho hay tính đến 30/3, hơn 180 quốc gia đã đóng cửa trường học.
Đại dịch Covid-19 cũng có tác động lớn đến các sự kiện thể thao, vì các quốc gia đã tìm cách hạn chế các cuộc tụ họp đông người.
Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã bị hoãn lại cho đến năm sau.
Nhưng cũng có một tác động lớn đến một loạt các sự kiện thể thao lớn khác, bao gồm bóng đá, liên đoàn bóng bầu dục, đua xe Công thức 1, quần vợt, bóng chày, golf và những giải thể thao khác.
Nhiều sự kiện văn hóa và tôn giáo lớn trên khắp thế giới bị hủy bỏ, bao gồm các liên hoan phim, các sự kiện âm nhạc lớn và các cuộc hành hương tôn giáo.