Virus corona: Trung Quốc hết khả năng gánh vác kinh tế toàn cầu

Virus corona: Trung Quốc hết khả năng gánh vác kinh tế toàn cầu

Đăng ngày: 02/04/2020

\"Sau
Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc khó có thể còn là đầu tầu của kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ REUTERS/China Daily

Thanh Hà

Bắc Kinh có còn khả năng bơm hàng tỷ đô la khắc phục hậu quả kinh tế virus corona gây nên nữa hay không ? Các dự báo cho thấy nền kinh tế nước này điêu đứng vì dịch bệnh, GDP mất 16 % trong quý 1 năm nay theo dự báo của cơ quan tư vấn Anh, Capital Economics.

Trái với Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ hay Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản và cả BCE của Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho đến thời điểm này không hạ lãi suất chỉ đạo. Cũng chưa thấy Bắc Kinh « sử dụng vũ khí hạng nặng » để cứu nguy kinh tế, ồ ạt bơm thêm hàng tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế như đã từng làm hồi năm 2008-2009 để khắc phục hậu quả khủng hoảng toàn cầu.

Cần nhắc lại, khi đó Trung Quốc đã giải ngân 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 13 % GDP để duy trì ổn định về kinh tế và qua đó là xã hội, trong lúc thế giới bị chao đảo từ vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Cũng nhờ gói kích thích kinh tế quy mô đó mà chẳng những Trung Quốc vẫn được bình yên mà còn tung tiền ra « mua cả một phần thế giới » cắm rễ sâu hơn vào châu Âu qua hàng loạt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các nhà máy của châu Âu, từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha và cả tại Anh, Pháp hay Đức.

Lần này, virus corona đánh thẳng vào từ khu vực sản xuất đến xuất khẩu và cả tiêu thụ của Trung Quốc, thái độ thận trọng nói trên của Bắc Kinh đặt ra nhiều nghi vấn.

Thứ nhất phải chăng Trung Quốc từ chối hưởng ứng kêu gọi của thế giới cùng nhau mở van tín dụng, để vực dậy kinh tế toàn cầu vì tin tưởng kinh tế nước này chóng phục hồi sau hai tháng lao đao vì Covid-19 khiến gần như toàn bộ cỗ máy sản xuất bị tê liệt trong ít nhất 6 tuần lễ ? Giả thuyết thứ hai có thể là lực bất tòng tâm : Bắc Kinh không còn tiền để rót thêm hàng ngàn tỷ nhân dân tệ vào cỗ máy kinh tế khổng lồ này nữa ?

Ngân hàng Nhật Nomura và Goldman Sachs của Mỹ cùng thiên về kịch bản thứ nhì. Bắc Kinh giờ đây không còn khả năng dồi dào như hơn 10 năm về trước. Cũng chính vì đã huy động 13 % GDP trong kế hoạch kích cầu hồi 2008-2009, nợ công của Trung Quốc đã nhảy vọt đang tương đương với 150 % GDP hồi năm 2007 nay đã lên tới 266 % vào năm ngoái theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Ý thức được rằng đang ngồi trên một quả bom nổ chậm, từ hai năm qua, Bắc Kinh cố gắng củng cố hệ thống tài chính, giới hạn bớt rủi ro các ngân hàng bị phá sản vì nợ xấu.

Một giới hạn khác đó là khả năng tiêu thụ của Trung Quốc dù rất lớn, nhưng cũng đã đến lúc bão hòa. Trong hơn một chục năm qua, các công trình xây dựng, từ các trung tâm thương mại đế xa lộ, sân bay quốc tế, … ngày càng đồ sộ, các tòa cao ốc đã mọc lên như nấm ở Hoa Lục. Thị trường địa ốc của Trung Quốc cận kề hiện tượng vỡ bong bóng …

Cũng với chính sách kích cầu vừa qua, Trung Quốc đã dễ dàng tạo điều kiện cho các công ty nhà nước « chinh phục thế giới ». Có điều sau Hoa Kỳ đến lượt châu Âu không còn tin tưởng vào lòng tốt của Trung Quốc như ở đầu những năm 2010. Không có gì bảo đảm là sau đại dịch lần này, Trung Quốc vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư của Âu Mỹ. 

Đó có thể là một lý do giải thích vì sao Bắc Kinh thận trọng trước khi thông báo « một gói kích cầu quy mô » để tiếp tục rót thêm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước.

Không phải tình cờ mà Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể rất gần với số không. Riêng cơ quan tư vấn Capital Economics có trụ sử tại Luân Đôn dự phóng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ « ở số âm ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment