Covid-19: 6 anh em bác sĩ Ý ở tuyến đầu
Đăng ngày: 06/04/2020
Tuấn Thảo
Báo chí Ý cuối tuần qua đã nhắc đến câu chuyện cảm động của 6 anh chị em bác sĩ Tizzani trong mùa dịch Covid-19. Tại Torino, cả gia đình này đều đang ở tuyến đầu chống lại một kẻ thù vô hình. Trên mạng xã hội, dư luận Ý đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn, vì câu chuyện của dòng họ Tizzani tiêu biểu cho toàn bộ giới nhân viên ngành y tế.
Tại bệnh viện San Giovanni Bosco ở thành phố Torino (miền Bắc nước Ý) mỗi lần Davide Tizzani khoác áo blouse màu trắng trước khi đến làm việc trong khoa cấp cứu, anh lại thấy nhen nhúm ở trong lòng cái cảm giác ‘‘sợ hãi’’ như thể anh vẫn chưa sẵn sàng, dù có cố gắng cách mấy nhưng vẫn chưa đủ và sau cùng là nỗi lo âu khi chứng kiến sự bất lực của bản thân : sức người không có bao nhiêu, trong khi số nạn nhân do virus corona thì lại quá nhiều. Hầu hết các bác sĩ, y tá, thực tập sinh đều có cùng tâm trạng như Davide Tizzani. Trong mắt dư luận Ý, trong cuộc chiến chống Covid-19 : họ thật sự là những người lính đang bảo vệ \”chiến hào\”, do bổn phận nên phải đứng mũi chịu sào.
Gia đình Tizzani sinh sống ở thị trấn Giaveno, một thành phố nhỏ với 17.000 dân, vùng ngoại ô Torino. Gia đình này có 11 người con, trong đó có 6 người đã chọn ngành y. Davide làm việc với anh trai Pietro tại bệnh viện thành phố, còn 4 anh chị em kia có người thì chuyên về tim mạch, người thì làm bác sĩ lão khoa. Theo tuần báo Ý La Valssusa, nghề y là một truyền thống gia đình, từ đời này sang đời kia. Bác sĩ Felice Tizzani, ông nội của Davide và Pietro, từng là kháng chiến quân trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Đến phiên con ông là bác sĩ Pier Luigi, từng làm trưởng khoa bệnh viện thành phố Giaveno.
Sang đời thứ ba, 6 trên số 11 người con đã chọn nghề bác sĩ để nối bước cha ông. Theo lời kể của Davide, bố anh là một người có tấm lòng, làm việc tận tâm: ông Pier Luigi không ngại đến thăm bệnh nhân tại nhà và nếu gia đình túng thiếu quá nghèo thì ông chữa bệnh mà không lấy tiền. Cha truyền con nối: nhân cách của người cha trở thành tấm gương khiến cho bầy con (3 gái, 3 trai) muốn noi theo: Alessandra, Maria, Barbara, Davide, Emanuele, Pietro hiện nay đều đang đứng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Lực bất tòng tâm, ngoài những khó khăn trong công việc thường ngày mà giới y tế phải đương đầu, còn có vấn đề dồn nén tâm lý. Theo cô Barbara Tizzani, bác sĩ lão khoa tại bệnh viện Rivoli, ngoại ô Torino, các bệnh nhân cao tuổi rất cô đơn trong khoa cấp cứu, do các biện pháp cánh ly hoàn toàn cho nên người thân không thể đến thăm các ông cụ, bà cụ. Theo cô, đây là một điều đáng buồn, nhưng càng đau lòng hơn nữa, khi cô giúp các bệnh nhân cao tuổi viết qua máy tính bảng những thông điệp cho gia đình của họ mà không biết rằng phải chăng đây là lời nhắn nhủ cuối cùng …..
Còn Maria và Alessandra, hai người chị của Barbara, đều cũng làm việc trong khoa cấp cứu và hồi sức tại bệnh viện Cirié. Cũng như các thành viên khác trong gia đình, họ cho biết là giới nhân viên ngành y tế có những nỗi khổ tâm cao ‘‘gấp bội’’ mà người ngoài không nhìn thấy. Tại bệnh viện, các bác sĩ hay y tá phải làm việc với các trang thiết y tế bị an toàn tối đa, nhưng khi về đến tận nhà, họ vẫn không tháo gỡ khẩu trang mà vẫn tiếp tục đeo trên mặt, vì mỗi ngày họ không biết bản thân mình mới bị nhiễm virus corona hay không (mà chưa có dấu hiệu phát bệnh), do vậy họ có trách nhiệm ‘‘tự cách ly’’ dù ở trong nhà, tránh tiếp xúc để không lây nhiễm cho chồng con…
Cũng như ba người chị lớn, Davide cho biết bản thân anh cũng đang rất lo lắng vì sợ gia đình bị vạ lây. Theo anh, nhiều ca bệnh mới trong thời gian gần đây thường là những đồng nghiệp. Theo thống kê chính thức, khoảng 10% bệnh nhân tại Ý là giới nhân viên trong ngành y tế và tính đến thời điểm này, 73 bác sĩ và y tá tại Ý đã bỏ mình trong ‘‘cuộc chiến’’ chống dịch Covid-19.
Câu chuyện của gia đình Tizzani đã được tuần báo địa phương La Valsusa đưa lên trang đầu trong số báo phát hành cuối tuần. Câu chuyện này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và sau đó được nhiều tờ báo có uy tín ở Ý đề cập tới. Ông David Sassoli, tân chủ tịch Quốc hội châu Âu, đã lên tiếng ca ngợi gia đình Tizzani trên mạng xã hội. Cá nhân ông cũng như đại đa số người Ý thông qua câu chuyện của 6 anh chị em nhà Tizzani mới hiểu được hơn sự hy sinh của toàn thể các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Để bày tỏ lòng biết ơn, có lẽ hành động cần thiết nhất hiện giờ vẫn là : Bởi vì giới y tế phải đi làm vì chúng ta, vậy thì chúng ta hãy nên ở trong nhà để giúp họ. Một hành động tối thiểu nhưng lại tràn đầy ý nghĩa.