Giá trị của giả thuyết virus corona lan truyền trong không khí

Giá trị của giả thuyết virus corona lan truyền trong không khí

April 7, 2020

\"\"/

Bác sĩ Anthony Fauci.

Tâm lý lo ngại đã bùng lên hôm 01/04/2020 vừa qua, khi bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và là gương mặt tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Mỹ, nêu lên khả năng virus corona có thể lây nhiễm qua đường không khí “khi người ta chỉ nói chuyện, chứ không chỉ vì ho và hắt hơi”. Giả thuyết này, theo ông, có thể giải thích được lý do vì sao virus corona có sức lây nhiễm dữ dội khác thường.

Phát biểu với đài truyền hình Mỹ CNN, ông Fauci xác định: “Người ta bắt đầu hiểu ra rằng một người nhiễm bệnh Covid-19 nhưng chưa bộc lộ triệu chứng, dù không ho và hắt hơi, vẫn có thể lây bệnh cho người khác”. Theo chuyên gia này, “đó rất có thể là một phương thức truyền nhiễm bằng hạt aerosol (tức là các hạt chất lỏng siêu nhỏ), có lẽ không đến mức ở được trong không khí hàng tiếng đồng hồ, nhưng đủ để lây nhiễm khi bạn nói chuyện với một người khác”.

Bác sĩ Fauci không phải tự nhiên đưa ra giả thuyết này. Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã bắt đầu xem xét khả năng virus corona lây truyền trong không khí, và đã có những kết luận ban đầu.

Theo các nhóm nghiên cứu thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC, cùng với Đại Học California ở Los Angeles và Đại Học Princeton, thì khả năng  virus Sars-Cov-2 lây lan thông qua các hạt aerosol cực nhỏ là một điều “hoàn toàn có thể xảy ra”.

Công trình nghiên cứu được công bố vào giữa tháng 3 trên tạp chí y khoa Mỹ có uy tín là The New England Journal of Medicine xác nhận rằng virus corona có thể tồn tại trong ba tiếng đồng hồ trong các hạt chất lỏng lơ lửng trong không khí với kích thước nhỏ hơn 5 micron.

Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã phóng virus vào không khí bằng cách phun sương, nghĩa là với một loại máy hóa hơi, để khuếch tán một màn sương trong phòng thí nghiệm.

Trong một lá thư gửi Nhà Trắng ngày 01/04, ông Harvey Fineberg, chủ tịch ủy ban về các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên, thuộc các Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ, đã cho rằng: “Các nghiên cứu hiện hữu đều ủng hộ giả thuyết theo đó virus Sars-CoV-2 có thể được truyền đi trong những hạt aerosol do bệnh nhân thở ra”.

Bức thư kể trên đặc biệt trích dẫn kết quả nghiên cứu ban đầu tại Đại học Nebraska (Hoa Kỳ), theo đó các nhà khoa học đã tìm thấy một phần mã di truyền (RNA) của con virus trong không khí của các phòng nơi bệnh nhân bị cô lập.

Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán, nơi xuất phát dịch bệnh, cũng đã thu thập mẫu không khí từ các phòng bệnh viện khác nhau. Kết quả sơ bộ của họ cũng cho thấy nồng độ cao của virus corona, đặc biệt là trong nhà vệ sinh và các phòng thay quần áo bảo hộ của nhân viên y tế.

Vấn đề muôn thuở của các nghiên cứu khoa học là những gì ghi nhận trong phòng thí nghiệm có được thực tế bên ngoài kiểm nghiệm hay không.

Công trình nghiên cứu của Mỹ được công bố trên Tạp Chí Y Học New England đã vấp phải nhiều chỉ trích. Theo một số chuyên gia, việc sử dụng máy phun sương không mô phỏng chính xác động thái ho hoặc hắt hơi của bệnh nhân và có nguy cơ làm tăng một cách nhân tạo hiện tượng truyền nhiễm trong không khí.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Paul Hunter thuộc trường đại học Anh East Anglia, cho rằng, khi một bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, “những giọt chất lỏng rơi xuống đất khá nhanh so với (sương phát ra từ) một bình xịt”, vì lẽ những giọt này lớn hơn và do đó nặng hơn những đám sương được phun ra.

Ngoài ra, sương mù phun ra trong phòng thí nghiệm chứa đựng một lượng virus rất cao. Trên đài phát thanh France-Culture, bà Samira Fafi-Kremer, trưởng phòng thí nghiệm virus học thuộc Đại Học-Bệnh Viện thành phố Strasbourg (miền Đông nước Pháp), thì những thí nghiệm tại Mỹ không phản ánh đúng thực tế.

Theo chuyên gia này, trong môi trường bên ngoài, các hạt siêu nhỏ này sẽ bị gió làm tan ra, khiến cho lượng virus ít hơn. Ngay cả khi chứng minh được là con virus corona có thể lơ lửng trong không khí, điều đó không có nghĩa một người có thể bị nhiễm khi đi dạo ngoài trời.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, không thể bác bỏ khả năng virus corona lan truyền qua đường không khí. Nhân viên y tế, những người phải tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân trong một thời gian dài sẽ đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh.

Trả lời báo Le Figaro, ông Etienne Simon-Lorière, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur Paris cho rằng các kết luận của giới nghiên cứu Mỹ rất đáng chú ý đối với những nhân viên y tế thường phải “thực hiện một số cử chỉ nhất định trong bệnh viện đối với bệnh nhân nhiễm virus”. Theo ông Simon-Lorière, nghiên cứu đó khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tốt giới chăm sóc y tế.

Dẫu sao thì giả thuyết về phương thức lây nhiễm qua không khí sẽ cho phép giải thích phần nào hiện tượng lan nhanh của virus corona, đặc biệt là từ các bệnh nhân chưa có triệu chứng.

Hiện nay, điều chắc chắn duy nhất mà giới khoa học đã xác định được là việc virus corona chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp và qua việc chạm vào nhau. Đó là lý do tại sao các cơ quan y tế khuyến cáo là phải giữ khoảng cách ít nhất một mét giữa mọi người, là phải rửa tay thường xuyên và tránh đưa tay lên mặt.

Tuy nhiên, nếu virus có thể lơ lửng trong không khí trong vài giờ, thì việc bảo vệ bản thân sẽ phức tạp hơn. Nếu giả thuyết này được các nghiên cứu khoa học khác xác nhận, điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta biết về căn bệnh và phương tiện phòng ngừa.

Chính vì còn bán tín bán nghi mà nhiều chính phủ, từ Mỹ cho đến Pháp, đã thay đổi quan điểm về việc đeo khẩu trang trong những tuần lễ gần đây.

RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment