Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất kế hoạch ngăn chặn TQ trên Biển Đông
Ngày đăng 09-04-2020BDn
Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM), vừa trình các đề xuất chi tiết trong kế hoạch chi 20 tỉ USD theo yêu cầu của Quốc hội, với mục đích chính nhằm răn đe hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Theo trang Defense News, Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM), vừa trình các đề xuất chi tiết trong kế hoạch chi 20 tỉ USD theo yêu cầu của Quốc hội, với mục đích chính nhằm răn đe hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trước đó, vào tháng 11/2019, Quốc hội đưa ra Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng cho tài khóa 2020 và được thông qua vào ngày 20/12/2019, trong đó yêu cầu INDOPACOM báo cáo chi tiết về nhu cầu của lực lượng này nhằm đảm bảo chiến lược quốc phòng và đối phó Trung Quốc.
Trong báo cáo vừa trình, ông Davidson đưa ra chiến lược mới mang tên “Chiếm lại ưu thế”, nhấn mạnh “Chiến lược này nhằm khiến các kẻ thù tiềm ẩn thấy rằng bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ vô cùng tốn kém và bị sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy làm cho thất bại”. Bên cạnh đó, Đô đốc Phil Davidson cũng đưa ra nhiều kế hoạch răn đe linh hoạt để Lầu Năm Góc lựa chọn, bao gồm cả việc triển khai toàn bộ các chiến dịch nếu cần.
Các khoản chi trong đề xuất được chia làm nhiều nhóm chính, gồm khả năng sát thương của lực lượng liên quân, thiết kế và bố trí lực lượng, tăng cường đồng minh và đối tác, tập trận, thử nghiệm và sáng tạo, đảm bảo hậu cần và an ninh. Theo Đô đốc Davidson, ưu tiên hàng đầu là khả năng sát thương của lực lượng liên quân, gồm 1,67 tỉ USD đầu tư trong 6 năm tới để nâng cao năng lực phòng không trên đảo Guam. Bên cạnh đó, kế hoạch đề xuất tăng cường hỏa lực chính xác tầm xa như Tomahawk tấn công biển và tên lửa không đối đất JASSM-ER của không quân, hệ thống radar cao tần tại Palau giúp phát hiện các mục tiêu trên không và trên biển, radar phòng thủ ở Hawaii và hệ thống radar dựa trên vệ tinh để theo dõi các mối đe dọa toàn cầu. Về hạ tầng, kế hoạch đề xuất hàng loạt khoản đầu tư để dàn trải quân đội Mỹ khắp khu vực, thay vì tập trung tại các căn cứ lớn và dễ trở thành mục tiêu tấn công. Bên cạnh đó, INDOPACOM đề xuất chi 384 triệu USD nhằm tăng cường các mối quan hệ đồng minh và đối tác, vốn là thế mạnh của Mỹ trong khu vực.
Trong lĩnh vực này, Đô đốc Davidson đề xuất thành lập một “môi trường đối tác” gồm công nghệ điện toán đám mây, hệ thống phối hợp và kiểm soát an toàn nhằm đảm bảo phối hợp suôn sẻ đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Về tập trận, kế hoạch đề xuất chi 2,87 tỉ USD để tiến hành các cuộc tập trận lớn trên toàn khu vực, bao gồm các cuộc tập trận kỹ thuật cao và đa lĩnh vực nhằm tăng cường khả năng phối hợp, nhất là giữa các hệ thống vũ khí của lực lượng Mỹ và đồng minh. Theo ông Davidson, Mỹ cần lực lượng phối hợp với mạng lưới tấn công chính xác ở Thái Bình Dương, tăng cường bố trí lực lượng nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực và “duy trì các chiến dịch chiến đấu” nếu cần thiết.
Giới quan sát cho rằng kế hoạch của INDOPACOM, gồm khoản chi lên đến 20 tỉ USD trong 6 năm tới, là nền tảng cơ bản để phát triển “phiên bản Thái Bình Dương” của Sáng kiến Răn đe ở châu Âu do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra nhằm đối phó Nga. Sáng kiến này tập trung đối phó Trung Quốc.
Được biết, Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng có nhiều điểm nổi bật về chủ trương, chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới.
Đầu tiên, Mỹ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Theo đó, NDAA quy định chi tiêu quốc phòng của Mỹ dự kiến được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng này, trị giá 738 tỉ USD – bao gồm 658,4 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng và các chương trình an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng; 71,5 tỉ USD dành cho các cuộc chiến tranh đang diễn ra và 5,3 tỉ USD dành cho quỹ khẩn cấp đối phó thảm họa thiên tai và thời tiết cực đoan. Dự luật cho phép chi 1 tỷ USD để mua thêm 12 máy bay chiến đấu F-35A, đồng thời ủy quyền chi 440 triệu USD để mua lại số máy bay chiến đấu F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng ban đầu, hỗ trợ tiền vốn cho việc phát triển máy bay chiến đấu tầm xa B-21, hỗ trợ yêu cầu ngân sách mua 8 máy bay F-15EX; cho phép chi thêm 75,6 triệu USD cho chương trình máy bay tấn công tầm xa trong tương lai; hỗ trợ gần 1 tỷ USD cho dự án chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân… Ngoài ra, NDAA còn quy định tăng 3,1% tiền lương cho quân đội – mức tăng lớn nhất trong 10 năm.
Thứ hai, lần đầu thành lập lực lượng không gian. Nhánh mới trong quân đội Mỹ ở đây là Lực lượng không gian (Space Force – USSF). Lần đầu tiên trong lịch sử một nhánh riêng dành cho lĩnh vực không gian/vũ trụ của Mỹ ra đời, dưới sự bảo trợ của Bộ tư lệnh Không gian không quân (Space Command Air Force). Lực lượng không gian sẽ là nhánh quân đội mới nhất của Mỹ và là lực lượng quân đội mới đầu tiên kể từ khi không quân Mỹ hoạt động vào năm 1947. Lực lượng không gian là quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Mỹ trong không gian trước các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Được biết, lực lượng không gian sẽ là một phần của không quân, hoạt động theo cấu trúc tương tự mối quan hệ giữa thủy quân lục chiến Mỹ với hải quân và sẽ do một vị tướng bốn sao chỉ huy tác chiến.
Thứ ba, đánh giá đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. NDAA yêu cầu chính phủ Mỹ đánh giá các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm các dự án thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc hoặc các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc vật lý do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và sự liên quan của các dự án này đến các mục tiêu quân sự và an ninh của Trung Quốc. Đánh giá tác động liên quan của các dự án này đối với lợi ích của quân đội hoặc chính phủ Mỹ. Dự luật giải thích thêm rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mà Mỹ cần đánh giá là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng hoặc công nghệ thông tin mà chính phủ Trung Quốc sở hữu, kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp hoặc trợ cấp. Ngoài ra, NDAA cũng xem xét các vấn đề liên quan Hoa Vĩ và ZTE. NDAA đề nghị chính phủ Mỹ cần chuẩn bị báo cáo để xem xét liệu công ty công nghệ ZTE có tuân thủ thỏa thuận hòa giải đạt được giữa ZTE và Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 8 tháng 6 năm 2018 hay không. NDAA yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ khi ban hành dự luật và hàng năm sau đó, tổng thống phải đệ trình lên Quốc hội một báo cáo về sự tuân thủ của ZTE Corporation và công ty con ZTE Kangxun. NDAA còn hạn chế Bộ Thương mại Mỹ loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen.
Thứ tư, hỗ trợ cho Đài Loan. NDAA quy định, Mỹ cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Đài Loan để giúp đỡ Đài Loan phát triển lực lượng phòng thủ hiện đại hùng mạnh, cần thiết và duy trì khả năng tự vệ đầy đủ của Đài Loan. Mỹ cần tiếp tục thông qua bán vũ khí cho nước ngoài, thương mại trực tiếp và hợp tác công nghiệp để hỗ trợ Đài Loan mua các vũ khí phòng thủ thích hợp. Mỹ cần cải thiện khả năng dự báo bán vũ khí cho Đài Loan thông qua việc xem xét và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Đài Loan đối với sản phẩm và dịch vụ quốc phòng, kịp thời thông báo cho Quốc hội và tuân thủ các quy trình giám sát và thẩm định của Quốc hội. Trong vòng 180 ngày kể từ khi NDAA có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần đệ trình báo cáo lên Quốc hội. Nội dung của báo cáo cần đề cập đến tính khả thi của việc thành lập một nhóm làm việc cấp cao, liên ngành của Mỹ để phối hợp ứng phó với các vấn đề an ninh mạng mới nổi; Bộ Quốc phòng thảo luận về kế hoạch hợp tác an ninh hiện tại và tương lai cho mạng liên lạc Mỹ – Đài Loan; thảo luận về những trở ngại gặp phải trong việc thiết lập, thực hiện hoặc thực hiện các thỏa thuận liên quan cho các hoạt động an ninh mạng Mỹ – Đài Loan, bất kỳ vấn đề nào khác mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho là cần thiết phải được đưa vào.
Thứ năm, ủng hộ người dân Hồng Công. NDAA yêu cầu Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình trong Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 cho phép người Hồng Kông cai quản Hồng Kông với quyền tự trị cao; Trung Quốc cần tuân thủ Luật cơ bản Hồng Kông năm 1997 và ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề chính trị và pháp lý của Hồng Kông. NDAA kêu gọi chính phủ Hồng Kông đáp ứng yêu cầu của người biểu tình; yêu cầu Mỹ cần cùng các nước có chung chí hướng hỗ trợ người dân Hồng Kông, cũng cần khuyến khích Trung Quốc áp dụng các hành động có trách nhiệm hơn, nếu Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông tiếp tục vi phạm hiệp định cơ bản về tự trị Hồng Kông, họ cần phải chịu hậu quả. NDAA cũng chỉ ra rằng, nếu chính phủ Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại những người phản kháng ở Hồng Kông, Quốc hội khuyến nghị Mỹ nên nhanh chóng hành động, bao gồm đánh giá lại sự đối xử đặc biệt với Hồng Kông theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 và các luật khác của Mỹ; cùng các quốc gia đồng minh khác hành động để buộc Trung Quốc trả giá, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và các sĩ quan quân đội Trung Quốc, hạn chế đi lại và áp dụng các biện pháp khác. Dự luật yêu cầu trong vòng 45 ngày kể từ khi ban hành luật này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần tìm và ký hợp đồng với một trung tâm nghiên cứu và phát triển do liên bang tài trợ để tiến hành nghiên cứu độc lập về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Bắc Cực.