Người Sài Gòn rủ nhau đóng góp cho ‘ATM gạo’ giúp dân nghèo trong dịch COVID-19
Apr 8, 2020
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân đã tới tiếp sức sau khi câu chuyện về chiếc “ATM gạo” phát gạo từ thiện 24/24 ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú, giúp người nghèo no bụng trong dịch COVID-19.
Tiếng lành đồn xa, sáng 8 Tháng Tư, nhiều người từ khắp nơi ở Sài Gòn đã đến góp gạo cho chiếc máy “ATM gạo” ở quận Tân Phú. Người vài chục ký, người hơn tạ, có người góp vài tạ. Kho gạo để giúp đỡ cho người khó khăn bỗng chốc đầy ắp hẳn lên.
Ông Minh Trung (64 tuổi) cho báo Tuổi Trẻ biết sau khi đọc báo, ông đã chia sẻ câu chuyện với mọi người trong phòng nơi mình làm việc. Mỗi người một chút “của ít lòng nhiều” gom góp lại được 4 triệu đồng ($169) đem trao tận tay ông Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, giám đốc công ty PHGLock, người sáng tạo ra mô hình “ATM gạo” ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú) để mua thêm gạo cho người khó khăn.
Tương tự, vợ chồng anh Nhạc Luân, ở quận 6, sau khi biết tin chia sẻ trên mạng xã hội cũng đi mua 100 kg gạo ngon chở đến tặng.
Và còn nhiều người nữa cũng tìm đến góp chút tấm lòng thảo thơm, cùng ông Hoàng Tuấn Anh giúp đỡ người khó khăn.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Tuấn Anh vui mừng cho biết đến trưa 8 Tháng Tư, số gạo người dân đến tiếp sức đã được khoảng 4 tấn. Dự định giúp đỡ người dân khó khăn trong hai tháng của ông sẽ nhẹ gánh hơn khi có sự sẻ chia của xã hội.
Trước đó nhiều báo, đài ở Việt Nam đã đưa tin về “ATM gạo” giúp người nghèo Sài Gòn trong dịch COVID-19.
Nói với báo Thanh Niên, ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Tôi thấy mô hình phát gạo theo kiểu cũ có nhiều bất cập, sẵn có thiết bị trong máy phát gạo tự động là một trong số sản phẩm của công ty đang phát triển, tôi cùng các cộng sự trong vòng tám tiếng hoàn thành máy phát gạo tự động này vì tình hình rất cấp bách.”
Thiết bị chính của “AMT gạo” là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên. Người đến nhận xếp hàng cách nhau 2 mét, rửa tay, lấy bịch, nhấn nút và hứng gạo. Quy trình diễn ra chưa đến 5 phút. Mỗi người được nhận 1.5 kg và lấy không quá hai lần/ngày.
Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm mỗi ngày công ty ông bỏ tiền ra mua và phát 500 kg gạo. Ông cử ba người trực 24/24 để hướng dẫn và phục vụ người dân.
“Nếu người đến lấy gạo mà trông ăn mặc sang trọng thì sẽ hỏi lại vì sao người đó khó khăn. Có nhiều người không phải họ nghèo từ trước mà vì đột nhiên thất nghiệp nên không có tiền trang trải cuộc sống. Mình nên giúp đỡ họ,” ông Hoàng Tuấn Anh nói
Bà Nguyễn Thị Tuyết (68 tuổi) quê miền Bắc vào Nam đã mấy chục năm. Ngày thường, bà đi bán vé số dạo, kiếm tiền nuôi đứa con sắp vào đại học, kể: “Tôi ở chợ Tân Thành. Hồi chưa có dịch bệnh đi bán vé số ngày được 100-200 tờ. Giờ ở nhà có tiền cũ thì ăn, không có nhịn. Nhà có hai mẹ con thôi. Năm nay nó sắp vô đại học mà ngay năm cuối lại bị thế này. Giờ nó cũng nghỉ ở nhà, hai mẹ con có gì ăn nấy. Gạo này thì về nấu cơm không thì nấu cháo. Tôi thấy việc làm này tốt quá, một miếng khi đói bằng một gói khi no.”
Bà Lâm Ngọc (67 tuổi), phụ quán nhậu, nhưng quán đã đóng cửa từ ngày 25 Tháng Ba tới giờ, ngậm ngùi chia sẻ khi đến lấy gạo: “Chủ quán cho tôi ứng 1 triệu đồng ($42.45) thôi mà từ bữa tới nay rồi. Tháng này tôi không có tiền đóng tiền điện cho nhà nước. Nếu có công việc thì tôi lo được sinh hoạt mỗi ngày. Nhà tôi sáu người, thu nhập thấp lắm. Con trai bán trái thơm ở chợ cũng ế ẩm. Người ta cho bao nhiêu, mình hưởng bấy nhiêu. Cuộc sống giờ ai cũng khó khăn.”
Mục tiêu của ông Tuấn Anh và cộng sự là xây dựng hệ thống 100 điểm phát gạo tự động trên khắp Sài Gòn. Người nghèo, người khó khăn ở bất kỳ quận, huyện nào cũng dễ dàng đến nhận. Thêm nữa, ông mong muốn việc phát gạo có thể kéo dài một đến hai tháng sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc, vì người lao động nghèo cần có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, số lượng gạo tại điểm phát đầu tiên vẫn chưa đủ. Mỗi điểm phát gạo cần duy trì số lượng từ 4-5 tấn gạo/ngày để cung cấp cho người dân. Do vậy, ông Tuấn Anh rất mong các mạnh thường quân góp sức, chung lòng để hỗ trợ người nghèo qua cơn khó khăn. (Tr.N)