Nghiên cứu khẳng định Trung Quốc giữ nước lại trên thượng nguồn Mê Kông!
RFA
2020-04-14
Đập thủy điện Nọa Trát Độ (Nuozhadu) là một trong những con đập lớn nhất Trung Quốc. RFANghiên cứu khẳng định Trung Quốc giữ nước lại trên thượng nguồn Mê Kông!00:00/08:13
Vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi Trung Quốc bắt đầu xây đập thủy điện đầu tiên tại thượng nguồn sông Mê Kông, đã có các suy đoán rằng đó là bước đi đầu tiên của chính phủ Bắc Kinh cho kế hoạch kiểm soát và hạn chế nguồn nước tại hạ nguồn sông Mê Kông. Đây là khu vực nơi mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc vào nguồn nước này cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Công trình nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth, tổ chức chuyên nghiên cứu về nước do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ được bắt đầu từ năm 1992. Một trong những kết luận vừa được công bố là việc trữ và không xả nước từ các đập thủy điện trên thượng nguồn dòng chính Sông Mê Kong thuộc Trung Quốc trong nhiều năm gần đây dẫn đến tình trạng hạn hán ở các quốc gia hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.
Dữ liệu nghiên cứu biểu thị mực nước dự kiến và mực nước thực tế của sông Mê Kông từ năm 1992 – năm 2020. Stimson Center
Theo Eyes on Earth, trong gần 3 thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng và cho hoạt động tổng cộng 11 con đập lớn dọc sông Mê Kông và trữ một lượng nước khổng lồ. Trong khi đó, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia phải chịu đựng những đợt hạn hán được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Sau khi báo cáo được công bố, Eyes On Earth tiến hành cuộc họp báo trực tuyến chủ trì bởi nhà khoa học Alan Basist, Giám đốc điều hành tổ chức Eyes on Earth; Claude Williams, chuyên gia tư vấn và đồng tác giả của dự án nghiên cứu; Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center; Courtney Weatherby, Nhà phân tích Nghiên cứu tại Stimson Center.
Nhà khoa học Alan Basist cho biết, ông bắt tay vào công trình nghiên cứu về hệ thống sông Mê Kông vào năm 1992 khi bắt đầu có ghi nhận thông tin từ vệ tinh để kiểm tra và đo đạt độ ẩm ở thượng nguồn. Trong những năm qua, ông Alan Basist chỉ ra những điểm khác biệt từ khi Trung Quốc bắt đầu xây con đập đầu tiên tại khu vực này:
“Chúng ta có thể thấy những sự thay đổi khác biệt. Vào khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2000 khi chỉ có một con đập được xây tại Trung Quốc, thì dòng nước vẫn chảy một cách tự nhiên trên thương nguồn cũng như ở hạ nguồn. Tuy nhiên, sau năm 2012 khi con đập lớn nhất là Nọa Trát Độ (Nuozhadu) được hoàn thành, có một sự biến đổi lớn xảy ra; các dòng chảy không còn tự nhiên như trước đó.
Vào năm 2019, lượng nước đo được hoàn toàn không tương ứng với chu kỳ tự nhiên của nguồn nước. Khi nhìn vào phần phía dưới từ vệ tinh, ta thấy một lượng nước đáng lẽ theo luật tự nhiên sẽ chảy xuống hạ nguồn đã bị mất đi.”
Biểu đồ nghiên cứu mực nước sông thực tế ở tầng số thấp hơn so với dự kiến trong nhiều năm liền sau khi con đập Nọa Trát Độ (Nuozhadu) được đưa vào vận hành. Stimson Center
Ông Brian Eyler nhận định, hành động kiểm soát và trữ nguồn nước của Trung Quốc không những làm trầm trọng thêm nạn hạn hán mà thật ra chính điều đó đã gây ra tình trạng hạn hán xảy ra ở những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar:
“Tính đến hôm nay, đã có 17 tỉnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp hạn hán trên toàn khu vực sông Mê Kông; hầu hết những tỉnh này thuộc Thái Lan và Việt Nam. Vào tháng Bảy và tháng Tám năm ngoái, chúng ta đã thấy những bức ảnh của những lòng sông tràn đầy số lượng cá chết vì không thể bơi lên khu vực thượng lưu sông; những tảng đá và những bãi cát ngầm chưa từng được thấy trước đó đã lộ ra—đáng lẽ những điều này sẽ không xảy ra. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng đây là những gì các nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth cho thấy, nếu các đập nước của Trung Quốc không có ở đó, thì mực nước của dòng sông vào tháng 6 và tháng 7 sẽ cao hơn mức trung bình cho một thác nước.”
Ông Brian Eyler cho biết Stimson Center đã gửi báo cáo tới các trường đại học và các chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn cũng như khí hậu môi trường để họ có thể xem xét, bình luận và phát triển những phương pháp cải thiện cho các vấn đề được nêu trong nghiên cứu. Ông Brian Eyler cho rằng, những phát hiện xung quanh sông Mê Kông trong ba thập niên qua là bằng chứng rất rõ ràng về sự tác động đối với khu vực trong cách thức hoạt động của các đập nước tại Trung Quốc:
“Thông qua nhiều hình thức, dù đó là các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng ở khu vực hạ nguồn hay các tổ chức nghiên cứu như Eyes on Earth có thể xem xét những gì đang xảy ra ở thượng nguồn của sông Mê Kông; tất cả đều có thể thấy các hồ chứa bên trong Trung Quốc được vận hành như thế nào. Chúng ta có thể xác định có bao nhiêu nước và số lượng tuyết tan đang xảy ra để dẫn đến kết luận về lượng nước có thể chảy qua hệ thống sông Mê Kông.”
Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center trong buổi họp báo trực tuyến hôm 13 tháng 4. Stimson Center
Ông Brian Eyler cho rằng, với lượng nước có trên thượng nguồn, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng xả xuống một lượng nước cần thiết cho các quốc gia đang chịu ảnh hưởng từ hạn hán ở khu vực hạ nguồn. Theo ông Brian Eyler, phía chính phủ Việt Nam và các nước bị ảnh hưởng có thể yêu cầu Trung Quốc giải phóng lượng nước cần thiết bằng cách sử dụng những thông tin và dữ liệu được tìm thấy trong công trình nghiên cứu của Eyes on Earth:
“Nếu các quốc gia thuộc khu vực hạ nguồn có thể nhanh chóng thu thập những thông tin liên quan đến việc Trung Quốc đang kiểm soát nguồn nước, họ có thể đề cập vấn đề đó ngay với Trung Quốc. Không những vậy, những quốc gia này có thể mang thông tin tìm được báo cáo đến cho toàn thế giới và giới truyền thông. Quan trọng nhất, thông tin này cần được truyền tải đến Ủy ban sông Mê Kông (Mekong River Commission), đây là tổ chức có thể đàm phán để thay đổi những vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mê Kông.”
Đồng tình, bà Courtney Weatherby, nhà phân tích tại Stimson Center, cho rằng thay vì bác bỏ những phát hiện trong công trình nghiên cứu này, Trung Quốc nên xem đây là cơ hội cho những chuyên gia trong nước cung cấp dữ liệu bổ sung để xem xét, so sánh và đưa ra phân tích riêng của mình:
“Bởi vì một trong những thách thức cho việc giám sát lưu vực là có rất nhiều dữ liệu không được minh bạch và bị giấu đi. Không có cách nào trước đây để theo dõi dữ liệu này trên mặt đất, bởi vì Trung Quốc coi đó là bí mật quốc gia. Việc so sánh những dữ liệu của các bên có thể đóng góp cho các cuộc đàm phán giữa các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp tại khu vực sông Mê Kông, đặc biệt là cho việc thảo luận giữa Ủy ban Sông Mê Kông (Mekong River Commission) với Trung Quốc về nạn hạn hán.”
Nhà khoa học Alan Basist nhận định tính quan trọng trong việc minh bạch về thông tin, dữ liệu:
“Tính minh bạch mang lại cho các quốc gia cơ hội—nếu có một phát hiện hay dữ liệu nào đó mà các bên đều đồng tình, hãy chia sẻ thông tin đó và cùng nhau hợp tác một cách hiệu quả. Nếu không có dữ liệu rõ ràng thì khó có thể xác định việc phân phối nguồn nước một cách công bằng. Chúng tôi luôn nổ lực thúc đẩy phân phối tài nguyên nước công bằng hơn, vì nguồn tài nguyên này càng ngày sẽ trở nên khan hiếm trong tương lai.”
Ông Brian Eyler cho rằng, song song với việc minh bạch thông tin và dữ liệu, Trung Quốc cần phải thay đổi cách vận hành các đập nước để có thể cung cấp một lượng nước ổn định và mang tính công bằng với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn sông Mê Kông.