Người Chăm và mùa Covid-19 ở Việt Nam
Nhà báo Đồng Chuông TửGửi đến BBC từ Bình Thuận
Tính đến thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng gần 160 ngàn người, trong tổng số hơn 2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu phải “gồng mình” chống chịu dịch bệnh nguy hiểm Covid-19, thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có số liệu chính thống về số lượng người bệnh là 268 bệnh nhân.
Cũng theo nhiều thông tin “lề phải”, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh thành dương tính Covid-19, sau thời gian 14 ngày, thậm chí 28 ngày cách ly xã hội, ăn ở trong khu chăm sóc y tế đặc biệt, trải qua nhiều lần xét nghiệm mới, đến nay đã cho kết quả âm tính.
Từ trường hợp ủ bệnh của một chức sắc
Trong hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh khắp Việt Nam thì trường hợp của bệnh nhân số 61 (BN61), tên B.T.Th, 42 tuổi, một người bạn thân thiết thời đại học của tôi, ở tỉnh Ninh Thuận là gây cảm giác hoang mang, lo lắng nhiều hơn cả. Bởi anh ấy là một chức sắc quan trọng của đạo Islam ở tỉnh đông đúc người Chăm này, đã đi tham dự thánh lễ cùng hàng ngàn người khác ở Malaysia từ ngày 27.2 rồi trở về vào ngày 4.3, mang theo mầm bệnh và ủ bệnh đến 10 ngày sau mới phát hiện dương tính với Covid-19.
Trong khoảng thời gian ủ bệnh ấy, BN61 đã liên tục di chuyển, tiếp xúc, thực hành nghi lễ tôn giáo trong phạm vi không gian rộng lớn, đông đảo người tham dự từ Sài Gòn đến Ninh Thuận. Trong khi, văn hóa bản địa của người Chăm luôn sống chan hòa, tình cảm, khi có người đau ốm mà lại là chức sắc quan trọng của tôn giáo, bất kể tôn giáo nào thì số lượng tín đồ, bạn bè và người thân đến thăm hỏi càng đậm.
Kể từ khi, tỉnh Ninh Thuận phát hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên này là một người Chăm, nhiều làng Chăm đã phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, bởi không gian cư trú, quan hệ huyết thống và mật độ sinh sống hàng ngày của họ gần gũi, mật thiết, trải dài và đông nghịt. Theo một status của một nhà báo nổi tiếng trong nước có gia đình sinh sống ở làng Chăm, “mật độ sinh hoạt ở các làng Chăm chẳng thua kém gì mật độ sinh hoạt ở thành phố cả nên đồng bào Chăm cần phải bình tĩnh, bớt ra ngoài khi không có việc cấp thiết và nhớ đeo khẩu trang, giữ cự ly đúng cách”.
Làng Chăm Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi cư trú của BN61 nhanh chóng bị phong tỏa, cách ly khu dân cư căng thẳng như không khí thời chiến. Hàng trăm người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với BN61 gấp rút được đưa vào diện F1, F2, chính quyền địa phương liên tục điều động xe cứu thương đến đem người đi xét nghiệm, lập khu chăm sóc y tế riêng biệt đối với những người nằm trong diện nghi ngờ lây nhiễm cao.
Qua một tháng cách ly xã hội
Khi được điện hỏi thăm, nhiều người Chăm cho biết cảm giác của họ, “cả tháng qua chúng tôi cảm thấy buồn bã, bức bối vì chỉ quanh quẩn trong làng, không được phép đi đâu hết”. Tôi cũng điện đến BN61 và một người bạn thân tiếp xúc trực tiếp với BN61, là hai người bạn thân thiết của mình, nhưng số điện thoại của họ không liên lạc được.
Việc một làng Chăm có hơn 1.000 hộ dân với hơn 5.000 người sinh sống đã thực hiện nghiêm việc cách ly y tế trong khoảng thời gian 28 ngày, đã gây xáo trộn đời sống, đình trệ kinh tế gia đình và hạn chế nhiều hoạt động tôn giáo. Bởi phần lớn, người Chăm còn nhiều khó khăn vật chất, giờ đụng phải dịch bệnh càng rơi vào thảm cảnh bế tắc hơn .
Theo nhiều nguồn tin, được biết, cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận đã trích ngân sách 1 tỷ đồng hỗ trợ 200.000 đồng / người, chính quyền xã cũng như nhiều nhà tài trợ đã cấp phát cho dân làng hơn 33 tấn gạo (khoảng 6 kg / dân), trên 3.500 thùng mì tôm, 21.800 khẩu trang, gần 4.500 chai sát khuẩn cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như: trứng, đường, sữa, nước tương, bột ngọt, cá, rau xanh….
Tới di sản, hệ lụy
Sự vụ một làng Chăm bé nhỏ bị cách ly xã hội. Nhưng đâu chỉ có bấy nhiêu. Hệ lụy lan rộng cả tỉnh khác, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm nói chung cũng bị khống chế, điều chỉnh bởi các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Đã có những đám hỏa táng thưa thớt người đến dự. Những hoạt động cúng tế lẻ tẻ vài chức sắc đại diện. Nhiều đám cưới truyền thống, cúng kiến gia đình cũng bị đình trệ.
Mới đây, báo chí nhà nước cũng vừa đưa tin BN61 đã khỏi bệnh, xuất viện về nhà. Bên cạnh đó là việc lực lượng chức năng đã tháo gỡ lều trại, bàn ghế, các rào chắn tại 4 chốt kiểm soát chính và dỡ bỏ toàn bộ 37 hàng rào lưới B40 ở các lối đi vào thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam. Được biết, các nhân viên y tế huyện này cũng đã hoàn tất đo thân nhiệt cho hơn 5.000 người trong làng, xác định sức khỏe tất cả đều ổn định, không có trường hợp nào sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường. Trung tâm y tế huyện cũng đã phun thuốc khử khuẩn lần cuối trong toàn bộ khu vực cách ly.
Tâm trạng người dân làng Văn Lâm 3, cơ bản ổn định, bình tĩnh và có chút niềm vui vì vừa mới thoát khỏi hàng rào cách ly ngột ngạt, nhưng vẫn còn cảm giác bối rối, lo lắng vì nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ ít ỏi đã cạn kiệt, trong khi nhiều lao động chính thất nghiệp tăng cao. Tình trạng này chắc chắn không phải riêng gì người Chăm, nhiều sắc dân thiểu số khác cũng đang gặp phải tình huống bi đát tương tự, bởi dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng qua.
‘’Có nhiều nguồn tin chính thống nói, Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ các gói mấy chục nghìn tỷ cho người dân trong mùa dịch, cũng như sự hỗ trợ tài chính từ quốc tế, mong rằng các gói hỗ trợ ấy sẽ nhanh chóng cứu đói kịp thời cho người dân, trong đó có người thiểu số chúng tôi’’- một lão nông người Chăm chuyên theo dõi tin tức thời sự trên ti vi nói, khi chúng tôi luận bàn thế sự lúc trà dư.
Được biết, vào thời gian cuối tháng 4 sắp tới đây, toàn thể người Chăm sẽ bước vào năm mới với chuỗi những lễ hội dày đặc như lễ hội mừng năm mới Rija Nagar, lễ hội Kate, lễ hội Ramawan,… của tôn giáo Bà La Môn, tôn giáo Bà Ni.
Theo những gì tôi quan sát, nhiều chức sắc và đông đảo tín đồ hiện vẫn sống trong tâm lý bất an, ngơ ngác vì các văn bản chỉ đạo cấm tụ tập đông người, giãn cách xã hội của Chính phủ sẽ vẫn còn hiệu lực mà chưa rõ điểm kết thúc.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Đồng Chuông Tử, một nhà thơ, nhà báo tự do, nghiên cứu văn hóa Chăm, hiện đang sống và làm việc tại Ninh Thuận – Bình Thuận, Việt Nam.