Chuyên gia Nga: Trung Quốc không có quyền với Trường Sa và Hoàng Sa

Chuyên gia Nga: Trung Quốc không có quyền với Trường Sa và Hoàng Sa

VOV22/04/20 06:00 GMT

Theo chuyên gia Nga, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông dẫn đến tình hình trong khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.

Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Trung quốc ngang nhiên công bố cái gọi là“quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Hành động này của Trung Quốc đang gây ra sự quan ngại của giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế, đòi hỏi phải liên kết các nỗ lực để phản đối Trung quốc.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn ông Grigory Lokshin – cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông (Viện Hàn Lâm khoa học Nga).

\"\"/

Chuyên gia Grigory Lokshin.

PV: Ông có suy nghĩ gì trước việc Trung quốc ngang nhiên công bố quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?

Chuyên gia Grigory Lokshin: Tôi rất lo lắng về điều này. Việc thành lập hai khu hành chính “Tây Sa”(quần đảo Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) với một trung tâm ở thị trấn quân sự “Tam Sa” được xây dựng trái phép trên hòn đảo lớn nhất của Hoàng Sa, ban đầu thuộc về Việt Nam và bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974, cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tận dụng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới do dịch Covid-19 để thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và biến nó thành “hồ nội địa”.

Trung Quốc không có quyền đối với chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của nước này là vi phạm thô bạo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế năm 1982 về Luật Biển mà cả Trung Quốc đã ký và phê chuẩn.

Việt Nam có tất cả các bằng chứng không thể phủ nhận rằng, chủ quyền đối với các đảo này ở Biển Đông thuộc về Việt Nam, đã được công nhận nhiều lần trong các văn bản luật quốc tế. Và điều này một lần nữa được xác nhận trong một công hàm của Việt Nam gửi Liên Hợp Quốc ngày 30/3 và trong một tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 19/4.

Đằng sau sự khiêu khích mới của Trung Quốc là một kế hoạch lâu dài để thâu tóm 3 nhóm đảo ở Biển Đông – “Tây Sa”, “Nam Sa” và “Chung Sa”, được cho là một quần đảo “Tam Sa” (dịch từ tiếng Trung Quốc ba hòn đảo).

Tất cả những điều bịa đặt của các chính trị gia và tuyên truyền viên Trung Quốc từ lâu đã được tất cả các chuyên gia công nhận là vô lý về mặt pháp lý, giống như “các quyền lịch sử” ở Biển Đông mà họ đã nghĩ ra để biện minh cho các yêu sách bất hợp pháp của mình.

PV: Ông có cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng tình hình dịch bệnh trên thế giới để gây hấn ở Biển Đông?

Chuyên gia Grigory Lokshin: Tôi giống như hầu hết những người bình thường trên thế giới, phẫn nộ vì giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định lợi dụng ở chỗ, sự chú ý của toàn bộ cộng đồng thế giới hiện đang dồn vào một thảm họa khủng khiếp – dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc và đã lan rộng đến hầu hết các nước.

Trong thời điểm khó khăn này, đối với mọi người, Trung Quốc đang thực hiện các hành động khiêu khích rõ ràng ở Biển Đông nhằm mục đích thúc đẩy sự mở rộng của nước này trong khu vực.

Ai có thể nghĩ rằng, đất nước là tâm chấn của đại dịch toàn cầu Covid -19, sẽ sử dụng nó để gây áp lực lên Việt Nam, Malaysia và Indonesia? Việc tiến hành các tàu thăm dò của họ, được hộ tống bởi hàng chục tàu tuần tra và dịch vụ vào các khu vực kinh tế đặc quyền của các quốc gia này, nhấn mạnh đến quan điểm không thể hòa giải của chính phủ Trung Quốc và các nỗ lực đe dọa không chỉ Việt Nam, mà cả các nước ASEAN khác, mặc dù các cuộc đàm phán đang diễn ra để ký Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông. (COC)

PV: Theo ông, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến tình hình ở Biển Đông, cũng như các nước Đông Nam Á và thế giới nói chung?

Chuyên gia Grigory Lokshin: Rõ ràng là những hành động này của Trung Quốc dẫn đến tình hình trong khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.

PV: Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì để phản đối các hành động sai trái của Trung quốc, thưa ông?

Chuyên gia Grigory Lokshin: Lãnh đạo Việt Nam, theo tôi, đã xây dựng một chính sách có trách nhiệm và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Để đạt được mục đích này, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN trong năm nay, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết Cộng đồng ASEAN và đưa các quan điểm chung chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Đồng thời, Việt Nam, một lần nữa với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang làm mọi cách có thể để làm rõ vị thế của mình và giành được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia trong cộng đồng thế giới. Việt Nam theo đuổi chính sách mở và đa phương của mình, điều này đã mang lại cho Việt Nam thành công lớn và uy tín cao trên trường quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Anh Tú/VOV-Moscow

Bài Liên Quan

Leave a Comment