Đinh Yên Thảo24 Tháng Tư, 2020
CIA và những ngày cuối tại Sài Gòn
Conrad Edward LaGueux – Phó Trưởng Văn Phòng CIA tại Việt Nam, là một trong những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn trong ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Đối với LaGueux, người đã thực hiện các điệp vụ tình báo Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến cho đến chiến tranh Việt Nam, sự sụp đổ của Sài Gòn là một chương sử khó khăn, phức tạp và gây tranh cãi trong lịch sử Hoa Kỳ và chính ông. Mặc dù những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam được nhiều người biết đến, nhưng vai trò của các sĩ quan tình báo CIA như LaGueux trong những ngày cuối cùng này không được biết đến nhiều. Hãy đọc lại câu chuyện về ông, người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc di tản 1975, như thế nào.
Đại uý Conrad Lagueux, 1945
LaGueux gia nhập Cục Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ (CIA) vào năm 1949, hai năm sau khi cơ quan này được thành lập. Trước kia, ở tuổi 22, ông từng là trưởng toán của một nhóm đặc nhiệm OSS (Office of Strategic Services – tiền thân của CIA) gồm 15 người trong Đệ Nhị Thế Chiến, chuyên nhảy toán vào sâu lòng địch tại Pháp. Làm việc cùng với các kháng chiến quân Pháp, toán đặc nhiệm của LaGueux từng đặt mìn lật đường ray một đoàn xe lửa của Đức, dẫn đến sự đầu hàng sau đó của hơn 5,800 lính Đức Quốc xã – một sự kiện chính trong việc giải phóng miền Nam nước Pháp.
Sau đó, ông và một số nhân viên trong nhóm OG của ông đã được đưa đến vùng tam giác Trung Quốc-Miến Điện-Ấn Độ để giúp huấn luyện binh chủng Dù quốc gia của quân đội Tưởng Giới Thạch trong việc chiến đấu chống lại quân Nhật. Hoạt động của LaGueux trong Đệ Nhị Thế chiến đã mang lại cho ông một số anh dũng bội tinh.
Khi LaGueux gia nhập CIA, với tiếng Pháp mẹ đẻ của ông đã đưa ông vào một chức vụ trong Ban Đặc Vụ Châu Âu. Tuy nhiên, một đồng nghiệp cũ của ông tại OSS đã thuyết phục được ông thay đổi hướng hoạt động và chấp nhận một công việc lâu dài với Ban Tình Báo Viễn Đông, sau này chuyển thành Đông Á sự vụ.
Một đội OSS tại miền Bắc, từ trái, đứng: Phần Đinh Hủy, René Defourneaux, Hồ Chí Minh, Allison K. Thomas, Võ Nguyên Giáp, Henry Prunier, Đàm Quang Trung, Nguyễn Quý, and Paul Hoagland. Ngồi: Lawrence Vogt, Aaron Squires, Thái Bạch.
Trong những năm theo sau, ông đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong cục tình báo, cả tại các tổng hành dinh CIA và ở nước ngoài. Ông nhanh chóng nổi tiếng nhờ có đầu óc phân tích tin tức và thời cuộc sắc sảo, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề đặc vụ và hành chính phức tạp. Một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp tình báo lâu đời của LaGueux là khi ông giữ chức vụ Phó Chánh Văn Phòng CIA tại Sài Gòn, là một hành dinh tình báo CIA lớn nhất thế giới tại nước ngoài.
Theo sau hòa đàm Paris vào tháng Một năm 1973, Hoa Kỳ đồng ý rút các lực lượng quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam, trong khi Bắc Việt đồng ý sẽ giới hạn sự tiếp viện cho Mặt Trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam đang cố gắng tấn công lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Lệnh ngừng bắn cùng các thỏa thuận không được tôn trọng, Bắc Việt đã phá bỏ hòa đàm và phát động một cuộc tổng tấn công vào miền Nam Việt Nam vào tháng Hai năm 1975, với trận tấn công mở màn vào Ban Mê Thuột do quân đội Bắc Việt thực hiện. Đây là trận chiến quyết định trong chiến tranh Việt Nam, dẫn đến sự sụp ngã hoàn toàn quân khu chiến thuật của Quân Đoàn Hai miền Nam Việt Nam. Trận chiến là một phần của một chiến dịch quân sự rộng lớn hơn của Bắc Việt, được gọi là Chiến Dịch 275 nhằm đánh chiếm vùng cao nguyên Việt Nam.
Dân chúng chạy giặc ở Ban Mê Thuột
Nhận được tin tình báo về cuộc tấn công của cộng quân và dẫn đến kết quả triệt thoái của quân đội Nam Việt Nam, LaGueux tự mình lên máy bay trực thăng Air America- một nhánh hàng không bí mật của CIA trong chiến tranh Việt Nam, để thị sát chiến trường. Xe buýt, xe jeep, xe hơi và xe tải quân sự chở hàng ngàn người di tản bị ùn tắc dài trên con đường số 7 dẫn về khu vực duyên hải miền Trung miền Nam Việt Nam. Kinh nghiệm của ông với OSS trong Đệ Nhị Thế Chiến đã dạy ông bài học rằng, không có gì khó khăn hơn là việc tổ chức và thực hiện một cuộc triệt thoái quy củ để tái thiết lực lượng cho các mặt trận khác. Cũng như với việc mất cao nguyên này, LaGueux biết rằng cuộc chiến đã kết thúc.
LaGueux trở về Sài Gòn sau chuyến thị sát với bằng chứng quan trọng là tình hình đang xấu đi trầm trọng. Quân Bắc Việt đã tiến quân với thế chẻ tre xuống hướng Nam, về phía Sài Gòn. Tại Sài Gòn, Đại Sứ Mỹ Graham Martin lưỡng lự việc di tản nhân viên Hoa Kỳ, mặc dù ông đã giảm đáng kể các hoạt động trước đó. Martin mang hy vọng còn giữ được một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thu nhỏ, bao gồm Sài Gòn và các khu vực lân cận. Ngay cả khi không thể thực hiện điều này thì Martin cũng không muốn tạo ra sự hỗn loạn cho người dân Sài Gòn bằng cách đột ngột di tản Đại Sứ Quán Hoa Kỳ.
LaGueux và thượng cấp của ông, Thomas Polgar – Trưởng Văn Phòng CIA tại Sài Gòn , cũng là cựu sĩ quan OSS, cũng đã giảm bớt nhân viên CIA trước đó. Họ thúc giục Đại Sứ Graham Martin và cấp lãnh đạo CIA buộc Nam Việt Nam tìm kiếm giải pháp cho việc đình chiến. Tuy nhiên, đến giữa tháng Tư thì các phân tích tình báo đã cho thấy rõ là Bắc Việt không còn muốn đàm phán nữa.
Nơi đáp trực thăng bốc người tại Toà Đại Sứ trong kế hoạch của Lagueux
Ngày 27 tháng Tư, quân Bắc Việt đã bao vây Sài Gòn và pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhứt, khiến phi cơ không thể cất cánh. Điều này đã khởi đầu cho Chiến dịch Gió Xoáy (Operation Frequent Wind), sử dụng trực thăng của Thủy quân lục chiến và Air America để di tản các nhân viên Hoa Kỳ cùng các viên chức cao cấp chính quyền Sài Gòn ra các tàu hải quân của Hạm Đội 7 ngoài khơi.
LaGueux lên kế hoạch và chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc di tản cho tất cả người Mỹ còn bị kẹt lại. Khối lượng công việc khổng lồ và khẩn cấp này bao gồm việc lên kế hoạch và thực hiện cuộc di tản an toàn cho tất cả nhân viên ngoại giao, quân nhân Hoa Kỳ và gia đình họ, các nhân viên ngoại giao, thương gia và phóng viên Châu Âu. Và trên hết, LaGueux được giao nhiệm vụ di tản càng nhiều các viên chức chính phủ, sĩ quan cấp cao của miền Nam Việt Nam cùng gia đình họ càng tốt.
11 giờ sáng ngày 29 tháng 4, lệnh di tản toàn bộ được phát ra. Người Mỹ còn kẹt lại Sài Gòn đã nhận được ám hiệu và được yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin này. Khi đài phát thanh Hoa Kỳ thông báo rằng nhiệt độ ở Sài Gòn là “105 độ và còn tăng cao” và sau đó là bài hát “White Christmas”, họ phải lập tức đến ngay điểm tập họp gần nhất, nơi trực thăng sẽ bốc dỡ họ. Điểm khởi hành trung tâm là chính Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, nơi máy bay trực thăng có thể hạ cánh trên nóc nhà và xuống khuôn viên.
Bức ảnh bất hủ của Van Es
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong chiến dịch di tản và sự sụp đổ của Sài Gòn từ ký giả người Hà Lan Hubert van Es là tấm ảnh chụp chiếc trực thăng bấp bênh trên nóc một tòa nhà, với người phi công bước ra và vói kéo một hàng dài người tị nạn đang trèo lên một chiếc thang dốc. Tấm ảnh chụp ngay tại khu chung cư Pittman mà LaGueux cùng một vài nhân viên CIA cư ngụ tại Sài Gòn, là một trong những địa điểm bốc người và chỉ cách đại sứ quán vài block.
Thomas Polgar, giám đốc CIA Sài Gòn
Rạng sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, LaGueux, Giám đốc CIA Polgar và Đại sứ Martin là một trong vài người Mỹ còn sót lại trong đại sứ quán khi quân Bắc Việt đã tiến sát vùng ngoại ô Sài Gòn. Trước đó, Polgar đã đánh bức điện tín về tổng hành dinh CIA với dòng chữ rằng, “Đây là bức điện tín cuối cùng phát đi từ Sài Gòn. Một cuộc chiến dài và khó khăn, chúng ta đã thua cuộc”. LaGueux chờ Polgar đánh xong điện tín để cùng phá hủy các thiết bị liên lạc này trước khi ra với đại sứ Martin.
Đại sứ Graham Martin trả lời phóng viên trên USS Blue Ridge sau khi được bốc từ Toà Đại Sứ sáng ngày 30/4/1975 (AP Photo)
Khoảng 4:00 sáng, một chiếc trực thăng hạ cánh xuống Đại sứ quán trong nhiệm vụ đưa Đại Sứ Martin cùng các viên chức cao cấp của CIA còn lại ra chiến hạm USS Blue Ridge. Một lính thủy quân lục chiến bước ra và tiến đến Đại sứ nói rằng, “Thưa ngài Đại Sứ, Tổng Thống Ford đã ra lịnh cho tôi đưa ngài lên chiếc trực thăng này nếu ngài không tự nguyện ra đi. Đã đến lúc rời khỏi Sài Gòn”. Trực thăng cất cánh, LaGueux và đại sứ Martin nhìn xuống thành phố Sài Gòn lần cuối. Màn đêm sẽ còn che phủ thành phố này rất lâu.
ĐYT(từ CIA archives)
Ps. Connie LaGueux từ giã CIA và về hưu năm 1977. Ông mất ngày 31 tháng 7 năm 2001 và được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington với đầy đủ quân cách danh dự.
Ông Lagueux tại Sài Gòn, với căn nhà Pittman phía sau lưng