Tướng Vịnh: Cần lên án những nước lấn tới trên biển giữa lúc dịch bệnh
28/04/2020
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, mới đây phê phán một số nước lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để thúc đẩy tham vọng của họ trong khu vực. Ông cũng bình luận rằng đây là lúc Việt Nam biết “ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác”.
Trả lời câu hỏi của kênh Truyền hình Quốc phòng về các thách thức an ninh và tình hình Biển Đông trong bối cảnh thế giới đối phó với dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói:Điều đáng lên án là những quốc gia nhân dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ.Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
“Những thách thức về an ninh trong khu vực dù có dịch hay không nó vẫn tồn tại. Đó là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Điều đáng lên án là những quốc gia nhân dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ. Và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Những quốc gia nào làm điều đó không có lợi”.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng khẳng định rằng dịch bệnh không hề làm quân đội Việt Nam “quên” việc đối phó với các thách thức an ninh, trong đó, việc bảo vệ chủ quyền là “không thể quên, không thể lơi là”.
Ông Vịnh nói thêm rằng các tàu hải quân và cảnh sát biển của Việt Nam “không nghỉ ngày nào cả”. Bộ đội ở Trường Sa tuy phải cẩn trọng để không bị lây nhiễm dịch bệnh nhưng chưa có một quân nhân nào “cần phải dừng nhiệm vụ cả”, vị tướng cho biết.
Phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đài truyền hình của Bộ Quốc phòng Việt Nam phát sóng tối hôm 22/4. Tuy nhiên, vị thứ trưởng quốc phòng không nêu đích danh những quốc gia nào đang hoạt động phi pháp và đẩy mạnh tham vọng ở khu vực.
Từ nửa cuối tháng 3 đến nay, các hãng tin quốc tế nhiều lần đưa tin rằng Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm việc xây 2 trạm nghiên cứu, đâm chìm tàu cá Việt Nam, lập các đơn vị hành chính, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc về xác định chủ quyền, và có những thông điệp cứng rắn nhằm vào Việt Nam.
Bản danh sách dài những động thái và phát ngôn đó của Trung Quốc đã dẫn đến một số phản ứng mạnh qua phát ngôn của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong tháng 4, cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra tuyên bố phê phán Trung Quốc và kêu gọi họ “dừng hành vi bắt nạt ở Biển Đông”.
Nói trên kênh Truyền hình Quốc phòng, Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh rút ra kết luận rằng dịch bệnh hiện nay là thời điểm để cả quân đội lẫn đất nước Việt Nam “thay đổi cơ bản về nhận thức” đối với thách thức an ninh phi truyền thống và quan hệ với các nước khác. Ông nói:… những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
“Trong thách thức an ninh phi truyền thống, trong quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc tế, những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta. Cái này quan trọng lắm”.
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt tỏ ý không hài lòng với các phát biểu của Tướng Vịnh vì ông không nêu tên cụ thể của các quốc gia liên quan. Nhưng tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA rằng vị thứ trưởng quốc phòng không cần phải đi vào các chi tiết:
“Với phát biểu đó, mọi người có thể nhận ra ngay ai là bạn, ai là thù. Nhưng rõ ràng đây là vấn đề khá phức tạp, bởi vì không chỉ là mỗi đối tượng chúng ta muốn nhằm vào là Trung Quốc. Cho nên với một nhà quân sự ở tầm chiến lược đó tôi cho rằng phát biểu như vậy là vừa phải, không nhất thiết phải nói rõ. Người ta nêu ra như vậy để nhắc nhở mọi người cần phải cảnh giác”.
Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về biên giới, lãnh thổ, nói với VOA rằng Việt Nam và một số nước trong khu vực cần đoàn kết, đấu tranh bằng pháp luật, đồng thời phải tăng cường “sức mạnh, hoạt động và hiện diện trên thực địa”.
Một số cường quốc cũng cần hiện diện trong khu vực, không để cho Trung Quốc có những hoạt động gây căng thẳng hoặc thậm chí là khiêu khích gây chiến tranh, tiến sĩ Trần Công Trục nói.