Chi phí quân sự thế giới tăng lên mức cao nhất từ thời Chiến Tranh Lạnh
Đăng ngày: 27/04/2020
Trọng Nghĩa
Theo một báo cáo chính thức công bố vào hôm nay 27/04/2020, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI cho biết là chi phí quân sự trên thế giới vào năm 2019 đã tăng lên mức cao nhất từ sau khi cuộc Chiến Tranh Lạnh kết thúc, và nước chi tiêu hàng đầu là Hoa Kỳ.QUẢNG CÁO
Một cách tổng quát, báo cáo của Viện SIPRI ghi nhận chi phí quân sự trên thế giới đã tăng 3,6% vào năm 2019, đạt mức 1.917 tỷ đô la. Năm quốc gia có mức chi tiêu cao nhất, theo thứ tự là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ả Rập Xê Út, chiếm đến 62% tổng chi phí quân sự trên thế giới.
Trả lời hãng tin AFP, Nan Tian, chuyên gia nghiên cứu ở viện SIPRI, xác định mức chi tiêu của năm 2019 là mức cao nhất từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989. Ngân sách quân sự đứng đầu thế giới vẫn là ngân sách Mỹ, tăng 5,3% trong năm 2019 lên thành 732 tỷ đô la, chiếm 38% chi tiêu quân sự của toàn thế giới. Sau 7 năm suy giảm, ngân sách Mỹ đã tăng trở lại kể từ năm 2018. Đứng sau Hoa Kỳ, nhưng ở khoảng cách khá xa là Trung Quốc, với ngân sách 261 tỷ đô la, tăng 5,1%. Ấn Độ đứng hàng thứ ba với 71,1 tỷ đô la, tăng 6,8%.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu Nan Tian, trong vòng 25 năm qua, mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đi theo đà tăng trưởng kinh tế của nước này và phản ảnh việc Trung Quốc muốn có một quân đội tầm cỡ thế giới. Theo ông, Trung Quốc đã công khai cho thấy ý muốn cạnh tranh với Mỹ trong tư cách cường quốc quân sự thế giới.
Chính đà tăng của Trung Quốc đã giải thích phần nào đầu tư của Ấn Độ. Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu khác của SIPRI, nhận định: “Các mối căng thẳng và ganh đua giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc cũng là những yếu tố then chốt thúc đẩy New Delhi tăng ngân sách chi tiêu quân sự của mình”. Theo SIPRI, năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận việc hai nước châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) lọt vào bộ ba nước có chi tiêu quân sự cao nhất hành tinh, đẩy hai đại gia cố hữu là Nga và Ả Rập Xê Út xuống hàng thứ tư và năm.
Còn tại châu Âu, điểm nổi bật là đà tăng chi phí quân sự của Đức, tăng 10% trong năm 2019, một mức tăng được đánh giá là mạnh nhất trong 15 nước đứng đầu danh sách của SIPRI. Một trong những lý do thúc đẩy Berlin tăng cường võ trang là Đức cảm nhận ngày càng mạnh về mối đe dọa đến từ Nga. Dù tăng mạnh, với con số 49,3 tỷ đô la chi tiêu cho quân sự, Đức chỉ đứng hàng thứ 7 thế giới, sau Pháp một bậc.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chíĐăng ký
Trong bối cảnh toàn thế giới đang bị dịch Covid-19 đe dọa, chuyên gia Nan Tian cho rằng xu hướng giảm bớt chi tiêu quân sự hoàn toàn có thể diễn ra. Covid-19 có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào vòng suy thoái, và các chính phủ sẽ phải xét lại chi tiêu quân sự so với chi tiêu cho những lãnh vực như y tế, giáo dục, và điều đó sẽ “có hệ quả thực sự đối với ngân sách quân sự”. Tuy nhiên, theo chuyên gia của SIPRI, việc giảm ngân sách quân sự trong bối cảnh khủng hoảng cũng sẽ không kéo dài lâu: “Chúng ta có thể thấy giảm từ 1 đến 3 năm, rồi tăng lên trở lại những năm sau đó”.