Covid-19: Những phi cơ nghỉ bay được cất giữ thế nào?
John WaltonBBC Worklife
- 3 tháng 5 2020
Khoảng từ một phần ba cho đến một nửa dân số toàn cầu đang ở trong tình trạng phong tỏa dưới các hình thức khác nhau.
Các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại, đường phố và các điểm thu hút khách du lịch đều trở nên vắng lặng – và hoạt động hàng không trên bầu trời cũng vậy.
Các máy bay kết nối mọi miền thế giới, giúp đoàn tụ gia đình và đưa chúng ta đến những chân trời mới, giờ đã gần như hoàn toàn nằm yên dưới mặt đất.
\”Tháng Ba là thời gian mà lẽ ra dự kiến sẽ có từ 175.000 đến 180.000 chuyến bay mỗi ngày,\” Ian Petchenik từ FlightRadar24 – trang web theo dõi chuyến bay trên toàn cầu, cho biết.
\”Thông thường thì tại bất kỳ thời điểm nào cũng đều có từ 10.000 đến 15.000 phi cơ đang bay trên trời. Những con số này nay đã giảm đáng kể, chỉ còn có tổng số 64.522 chuyến bay được ghi nhận là đã diễn ra vào ngày 29/3.\”
Hầu hết các phi cơ lẽ ra là đang bay thì nay đều đậu trong bãi đáp.
Ngoài hàng loạt các vấn đề kinh tế và hậu cần đặt ra cho các hãng hàng không, nhân viên và hành khách, thì có một vấn đề nữa cần phải tính đến: chỗ đâu cho các hãng hàng không có thể tạm cất giữ những chiếc phi cơ này?
Câu trả lời, theo các chuyên gia, đây là một vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào vị trí nơi hãng đặt làm căn cứ chính, loại phi cơ mà hãng sử dụng, và khả năng về mặt kỹ thuật trong việc đáp ứng nhu cầu xếp bãi bảo dưỡng (cho phi cơ chuyển sang chế độ tạm nghỉ hoạt động và đưa vào tình trạng cất giữ) để rồi sẽ đưa chúng trở lại đường bay khi cơn khủng hoảng qua đi.
Kho bãi và nghĩa địa tàu bay
Về nguyên tắc thì để đảm bảo tính kinh tế cho ngành hàng không, các phi cơ cần phải được đưa vào sử dụng càng nhiều càng tốt.
Đối với các phi cơ lớn chuyên bay các chặng đường dài, thì điều đó có nghĩa tốt nhất là phải sắp xếp để chúng bay hầu như suốt ngày đêm, 24/7.
Ví dụ, nếu một hãng hàng không dùng một chiếc Boeing 777 có sức chứa 400 khách, thì lý tưởng nhất là nó chỉ đậu tại sân bay nhà trong khoảng thời gian vừa đủ để trả khách và bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhiên liệu, làm vệ sinh, chuyển các suất ăn lên, rồi khởi hành.
Thế nên giờ đây xảy ra một điều thật dễ hiểu là tại hầu hết các sân bay trung tâm toàn cầu không thể có đủ chỗ – những nơi mà các hãng hàng không quốc tế lớn kết nối hành khách trong khu vực và liên lục địa, như Dubai, New York JFK, London Heathrow, v.v… – cho tất cả các máy bay về đậu.
Theo lịch bay, những chiếc phi cơ này thường không đáp xuống sân bay cùng một lúc. Do đó, chúng đang phải đỗ tại nhiều địa điểm khác nhau.
\”Một số hãng hàng không đang sử dụng các nơi cất giữ máy bay chuyên dụng,\” Petchenik giải thích.
Ông nói rằng Southwest và Delta Air Lines mỗi hãng đang cất hơn 50 máy bay tại Victorville, một căn cứ không quân cũ của Mỹ ở California, nay là trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay thương mại, quân sự và vận tải, đồng thời cũng là \’nghĩa địa máy bay nơi sa mạc\’ nổi tiếng.
Delta cũng đang cất giữ mỗi nơi trên 80 phi cơ ở các địa điểm Marana, bang Arizona, và Birmingham, bang Alabama, cả hai đều trên lãnh thổ Hoa Kỳ, Petchenik nói.
\”Các hãng hàng không United Airlines và American Airlines đều đang cất máy bay tại các cụm cảng hàng không của họ, với hơn 40 chiếc được United cất tại thành phố Houston (IAH, sân bay chính của thành phố). American Airlines thì ngoài kho chứa ở cụm cảng trung tâm chính còn để máy bay đậu ở Tulsa, bang Oklahoma và Pittsburgh, bang Pennylvania.\”
Các hãng hàng không lớn đang gom nhóm các phi cơ tương tự lại với nhau; một số loại cần bảo trì đặc biệt, và việc có các kỹ sư chuyên về các loại máy bay này tại chỗ sẽ là điều hợp lý.
Chẳng hạn, American Airlines đang sử dụng bốn sân bay: các máy bay của hãng, gồm Airbus A320, A321, A330, và phi cơ dân dụng cỡ vừa Embraer E-190 bay trong khu vực, đều đậu tại Pittsburgh. Sân bay này trước là cụm cảng hàng không trung tâm của US Airways, hãng đã sáp nhập vào American Airlines năm 2015.
Tulsa là bãi đỗ tạm thời cho nhiều máy bay Boeing của Mỹ: 737 MAX đã được đưa đến đây, rồi thêm 757, 777 và 787 nữa.
Nhưng Tulsa đang ở giữa \’Tornado Alley\’ (thung lũng gió xoay nguy hiểm); và một cơn bão kinh hoàng đã quét qua khu vực này vào tháng Ba.
Các máy bay được thiết kế gia cố cường lực chống lại mưa đá xối vào phần đầu khi chúng đang bay, nhưng lại kém hiệu quả hơn nếu mưa đá trút xuống từ trên cao khi chúng đậu trên mặt đất, vì vậy thiệt hại sẽ vô cùng tốn kém.
Thành phố Mobile ở Alabama – nơi Airbus có một nhà máy – là nơi có các phi cơ A321 và 777 của hãng American đang đỗ.
Thị trấn Roswell, ở bang New Mexico của Hoa Kỳ (nổi tiếng là nơi du lịch tham quan bảo tàng các vật thể ngoài hành tinh), hiện đang là bãi đỗ tạm thời của máy bay Boeing 737, 757, 767 và 777.
Đây là nghĩa địa máy bay nổi tiếng, nơi các phi cơ được bảo quản lâu dài trước khi hoạt động trở lại, được tháo dỡ thành từng bộ phận, được đem đi tái chế, hoặc kết hợp cả ba thứ. Nơi đây từng là một căn cứ không quân lớn của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh và đã có sẵn bãi đỗ dự phòng kể từ khi căn cứ bị đóng cửa.
Giống như tại bất kỳ chỗ đậu phi cơ nào tại sân bay, mức phí mà một hãng hàng không phải trả phụ thuộc vào vị trí bãi thuận tiện tới mức nào.
Chỗ đậu tại các sân bay lớn và quan trọng thường sẽ đắt hơn mà cũng còn ít chỗ đậu hơn, đó là lý do vì sao mà các hãng hàng không đang phải đưa máy bay của họ đến những nơi xa xôi.
Các hãng hàng không phải ra những quyết định khó khăn về việc nên để máy bay xếp bãi bảo dưỡng ở nơi gần hơn, giúp khởi động lại dễ dàng hơn nhưng chi phí cao hơn, hay là nên chọn chỗ rẻ hơn nhưng mà xa hơn rất nhiều.
Đỗ trên đường băng
Ở châu Âu, một số hãng hàng không đã cho nghỉ bay toàn bộ đội tàu của họ, trong khi những hãng khác đang giữ một vài máy bay chủ lực sẵn sàng thực hiện các chuyến bay hồi hương, bay phục vụ chở dụng cụ y tế và hàng hóa thiết yếu khắp thế giới, hoặc bay phục vụ thỏa thuận với chính phủ.
Đối với việc cất giữ máy bay ở châu Âu thì một giải pháp tương tự cũng đang được áp dụng.
Chẳng hạn như hãng hàng không giá rẻ easyJet có cấu trúc hoạt động phân tán, cho nên họ đã đỗ 344 phi cơ trên 30 sân bay trong mạng lưới tuyến đường bay của mình.
Do chủ yếu khai thác các chuyến bay ngắn giữa các sân bay không phải trung tâm, mạng lưới nối các điểm bay easyJet có nghĩa hãng luôn phải tìm nhiều địa điểm khác nhau trên khắp châu Âu để máy bay của mình đậu qua đêm.
Vì châu Âu không có đất đai rộng rãi hoặc khí hậu sa mạc khô cằn dành cho những bãi chứa máy bay, các hãng hàng không châu Âu đang phải đỗ máy bay của họ tại nhiều sân bay khác nhau.
\”British Airways có gần 40 chiếc tại Bournemouth, Anh\” Petchenik nói. \”Những hãng khác, như Lufthansa, đang đỗ máy bay trên các đường băng hiện chưa được sử dụng và trong các khu vực còn trống của phi trường.\”
\”Tổng cộng, 700 trong số 763 máy bay của Tập đoàn hàng Không Lufthansa đang nằm bãi,\” Neda Jaafari, phát ngôn viên của Lufthansa, nói. Con số đó không chỉ gồm các phi cơ Lufthansa với biểu tượng con chim hạc đặc trưng gắn ở đuôi máy bay mà còn cả của các thành viên khác trong tập đoàn, bao gồm các hãng hàng không Austrian, Brussels Airlines, Eurowings và Swiss.
Tại sân bay Frankfurt, sân bay trung tâm bận rộn và quan trọng nhất của Châu Âu, một trong bốn đường băng (và cả đường dẫn khi máy bay lăn bánh chuẩn bị cất cánh cũng như sau khi hạ cánh) hiện là bãi đỗ của hàng chục máy bay.
Jaafari cho biết hầu hết các phi cơ của Lufthansa đều đậu ở đó, tại Munich (trung tâm chính thứ hai của Lufthansa) và Berlin.
\”Chúng tôi đã lên kế hoạch đậu hầu hết phi cơ của mình tại các sân bay trung tâm để đảm bảo rằng chúng có thể được khởi động bay ngay từ đây và quay trở lại hoạt động bất cứ lúc nào: ví dụ, tại sân bay Schönefeld của thủ đô Berlin, nơi Lufthansa Technik đặt đại bản doanh.\”
Lufthansa Technik là công ty kỹ thuật hàng không chuyên bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay.
Không phải tất cả các hãng hàng không đều có công ty con chuyên về kỹ thuật hàng không như Lufthansa. Lufthansa Technik còn làm dịch vụ ngoài cho các hãng hàng không hoặc công ty thứ ba khác, vì vậy sẽ rất hữu ích và mang lại lợi thế cho hãng hàng không mẹ trong việc phục hồi, sửa chữa máy bay của hãng.
Chăm sóc bảo dưỡng
Những gì bạn phải làm với một chiếc máy bay đang trong tình trạng không hoạt động phụ thuộc vào thời gian dự kiến nó nằm trên mặt đất, Jaafari nói.
\”Ví dụ, có những thông số kỹ thuật rõ ràng từ các nhà sản xuất máy bay về những gì cần phải làm cho việc tạm dừng hoạt động ngắn hạn từ một vài ngày cho đến thậm chí vài tháng. Đối với một chiếc máy bay A320 [một chiếc máy bay hoạt động từ tầm ngắn đến trung bình với các tuyến đường trong khoảng từ một đến năm giờ bay, chở được tối đa 186 khách] chẳng hạn, thì việc cần làm sẽ bao gồm che kín động cơ và các bộ cảm biến, hút sạch các loại chất lỏng (dầu, nước và xăng) khỏi máy bay, ngắt kết nối nguồn điện và pin.\”
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, có thể thêm nhiều công việc khác, như bảo vệ máy bay chống lại sương giá hoặc gió lớn.
\”Nếu phi cơ không hoạt động trong một thời gian dài thì có thể phải có các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như phải che kín cửa sổ và cửa ra vào. Và nếu chúng ta không có đủ vỏ che động cơ thì dùng giấy bạc để bọc bảo vệ cũng được.\”
Máy bay dù đang trong tình trạng đỗ, Jaafari lưu ý, thì cũng cần phải được kiểm tra thường xuyên, thường là một tuần một lần, bởi các thợ máy có trình độ để đảm bảo rằng không có hư hại gì xảy ra.
Theo quy định, bà nói, phải mất khoảng 60 giờ công để đưa một chiếc Airbus A320 vào trạng thái nghỉ, và sẽ mất khoảng thời gian tương tự để đưa nó trở lại trạng thái sẵn sàng bay.
Mặc dù thời gian sẽ hơi khác nhau đối với mỗi máy bay, nhưng điều đó có nghĩa là việc khởi động lại đội máy bay thương mại toàn cầu sẽ phải là một quá trình tuần tự thay vì hoạt động trở lại ngay lập tức – và một số máy bay có thể hỏng, vĩnh viễn không bay được nữa.
Cho phi cơ cũ nghỉ hưu
Nhu cầu đi lại dự kiến sẽ khôi phục chậm một khi cuộc khủng hoảng virus corona bắt đầu giảm. Điều đó có nghĩa là các hãng hàng không đang đứng trước những lựa chọn khó khăn về đội tàu bay của họ.
Boeing 747, có lẽ là chiếc phi cơ dân dụng mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại, đã được nhiều hãng hàng không cho nghỉ, nhưng cả hãng hàng không KLM của Hà Lan và Quantas của Úc đều đã thúc đẩy nhanh việc cho nghỉ những chiếc phi cơ khổng lồ của mình.
Những chiếc máy bay cũ này sẽ fần biến mất trong vài năm tới, và việc duy trì một số chiếc trong tình trạng hoạt động được khi có lẽ không còn nhu cầu sử dụng nữa sẽ thành ra kém hiệu quả kinh tế.
Hãng hàng không Virgin Atlantic cũng đã cho nghỉ dòng máy bay Airbus A340-600; chiếc phi cơ dân dụng cỡ lớn với bốn động cơ này không thể cạnh tranh hiệu quả với dòng máy bay mới với hai động cơ phản lực hoạt động hiệu quả hơn, và với việc nhu cầu đi lại giảm thì dòng máy bay cồng kềnh này sẽ không được hãng tiếp tục khai thác.
Một số hãng hàng không khác cũng có thể cho Boeing 757 \’nghỉ hưu non\’ trong thời gian tới.
Đây là dòng máy bay cỡ trung được sử dụng cho nhiều việc khác nhau, nhưng phương án thích hợp hơn cả là chở khoảng 150 hành khách trong tuyến đường khoảng bảy giờ bay.
Phương án này phục vụ các chuyến bay có nhu cầu thấp từ miền đông Hoa Kỳ đến Tây Âu và Trung Âu, và nếu như các phi cơ 757 không hoạt động trở lại (hoặc chỉ bay lại với số lượng hạn chế), thì các tuyến bay này có thể phải đợi cho đến các đợt giao đầu tiên của Airbus A321XLR, dòng máy bay thế hệ mới được hầu hết các hãng hàng không lên kế hoạch thay thế Boeing 757.
Tuy nhiên, với sự không chắc chắn về việc khi nào sẽ là thời điểm an toàn để gỡ bỏ phong tỏa trên thế giới, thì cũng chả có gì chắc chắn về việc sẽ cần bao nhiêu máy bay trong giai đoạn phục hồi và cần nhanh đến mức nào.
Nhu cầu đi lại ở một số nơi trên thế giới vẫn còn trong mức chạm đáy; hồi đầu tháng trước, hôm 2/4, tổng cộng chỉ có 349 người rời sân bay Hong Kong. Số hành khách đó có thể dễ dàng được phục vụ hết chỉ bằng một chiếc phi cơ của Cathay Pacific, mà vẫn còn trống chỗ trên khoang.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.