Điện Biên Phủ 1954: Gần 100 pháo đài bay B-29 của Mỹ đã sẵn sàng giải vây
Tiến sỹ Nguyễn Tiến HưngGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Virginia, Hoa Kỳ
- 3 tháng 5 2020
Ngày 5/04/1954, Đại sứ Mỹ Douglas Dillon đánh điện từ Paris về Washington:
\”Tướng Navarre báo cáo rằng tình hình tại chiến trường này đang ở trong tình trạng bất quân bình trầm trọng… Với lực lượng đang được tăng cường, Việt Minh sẽ có thể mở cuộc tấn công mới vào giữa hay cuối tuần này. Nếu không được tiếp viện – từ đây tới lúc đó – thì số phận của Điện Biên Phủ coi như đã xong rồi.\”
Gần một trăm máy bay B-29 của Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng không bay vào giải vây. Pháp bại trận sau 56 ngày cầm cự.
Sau Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower lo ngại
Tổng thống Eisenhower vừa lên cầm quyền, rất lo ngại Cộng sản đang đồng thời nhắm vào Đông Dương và Mã Lai Á.
Ông muốn đối phó với những đe dọa tại Đông Dương nhưng ông bị kẹt bởi hai chữ \’thuộc địa.\’ Muốn cho có danh chính, ngôn thuận, điều cần thiết là Pháp phải giải quyết vấn đề độc lập cho Việt Nam.
Trong thư gửi cho Thủ tướng Pháp René Mayer, TT Eisenhower yêu cầu hai điều: thứ nhất, \”Tuyên bố cho thật rõ ràng và dứt khoát rằng Pháp đang trả quyền tự trị cho Đông Dương, và \’tự do chính trị thực sự\’ sẽ là một điều hiển nhiên sau khi chiến thắng với Cộng sản,\” và thứ hai, gửi sang Việt Nam một tướng tài giỏi và nhiều kinh nghiệm giống như Tướng de Lattre (qua đời 1/1952) để làm tư lệnh thay cho Tướng Raoul Salan không hữu hiệu.
Eisenhower đề nghị hai người, Tướng Jean E. Valluy hoặc Tướng Augustin Guillaume.
Valluy là tướng đã đánh chiếm Hải Phòng hồi cuối năm 1946, Guillaume là Tổng Thanh tra quân đội Pháp ở Bắc Phi.
Nhưng đề nghị đến tay Mayer quá chậm vì ông đã chọn Tướng Henri Navarre rồi (1898-1983). Navarre chưa bao giờ chiến đấu ở Đông Dương.
Kế Hoạch Navarre
Navarre sang Việt Nam nhận chức ngày 20/05/1953.
Ông tung ra Kế Hoạch Navarre bắt đầu vào tháng 7/1953 với nhiều cuộc hành quân tương đối là thành công như Hirondelle (Con Nhạn) nhảy dù xuống Lạng sơn, Carmargue đánh vào vùng duyên hải giữa Quảng Trị và Huế, rồi mở đầu cuộc hành quân Mouette (Hải Âu) đánh vào phía Tây Bắc Ninh Bình. Cuộc hành quân này tương đối cũng thành công.
Con đường tới Điện Biên Phủ
Ngay từ khi tới Việt Nam, Tướng Navarre đã nghĩ đến việc tái chiếm Điện Biên Phủ, nơi mà Pháp đã rút đi từ ngày 30/11/1952.
Điện Biên Phủ là một làng hẻo lánh gần biên giới Lào còn gọi là Mường Thanh, một nơi Pháp cho là chiến lược. Navarre muốn tái chiếm nơi này để ngăn chận lực lượng Việt Minh từ miền Tây Bắc sắp sửa tiến sang Lào.
Để bảo vệ vùng thượng Lào, ông lập một căn cứ không-lục quân ở miền Thượng du Bắc Việt.
Đầu tháng 11/1953, khi ông ra lệnh cho Tướng René Cogny (1904-1968) soạn thảo một kế hoạch không vận lấy mật hiệu là Opération Castor, Cogny đồng ý một cách rất miễn cưỡng, vì chính bộ chỉ huy của ông cũng phản đối.
Người ta đồn thổi nhiều về sự bất bình giữa cặp Navarre – Cogny đã từ lâu. Cogny coi thường, lại còn chế nhạo là Navarre chỉ ngồi trong phòng gắn máy lạnh ở Sài Gòn để điều khiển.
Cogny (to lớn, hoạt bát) có nhiều kinh nghiệm, được Navarre chỉ định làm Tư lệnh Quân đội Viễn Chinh tại Bắc Việt. Cogny cũng đã làm việc dưới quyền Tướng de Lattre nên rất quen thuộc với vùng này. Navarre (mảnh dẻ, trầm lặng) thì chưa có kinh nghiệm ở Việt Nam nhưng lại là sếp của Cogny.
Theo tác giả nổi tiếng (gốc Pháp) Bernard Fall (đồng nghiệp với chúng tôi ở Howard Unversity): có lần Cogny còn dám nói \”Nếu ông không phải là đại tướng thì tôi đã cho ông một cái bợp tai rồi.\” Nói xong ông đứng vào thế nghiêm chào sếp rồi ra về.
Ngày 17/11/1953, Navarre họp toàn bộ tư lệnh chiến trường để hỏi ý kiến.
Mọi người, trong đó có Cogny đều phát biểu dè dặt về Opération Castor. \”Tôi chỉ muốn hỏi mấy ông là liệu ta có thể thực hiện được cuộc hành quân này hay không, thế thôi,\” Navarre nói lại. Tất cả đều lưỡng lự nhưng lẩm bẩm trả lời là có thể. \”Được rồi, cuộc hành quân sẽ bắt đầu sau ba ngày nếu như thời tiết cho phép.\”
Navarre tính lầm
Về phía Hoa kỳ, Tướng Mỹ O\’Daniel cũng không tin tưởng vào việc tái chiếm Điện Biên Phủ.
Ông cho rằng Tướng Navarre đã rập theo kinh nghiệm \”nhử địch\” của Mỹ tại Triều Tiên để thí nghiệm một chiến lược gọi là \’những trận tiêu diệt địch\’ (Killer Operations).
Theo mưu kế này, một đơn vị quân đội Mỹ được dàn trải ra ở một địa điểm để làm mồi nhử địch. Khi địch tới đúng tầm của đại pháo thì sẽ bị oanh kích ào ạt.
Bây giờ vừa nhận được khí giới mới của Mỹ, Navarre cho là cơ hội đã tới để có thể bắt chước như vậy.
Ông tin vào mưu lược của mình vì nó đã giúp ông thành công khi rút lui khỏi căn cứ Nà Sản (8/08/1953): Navarre dùng kế nghi binh, triệt thoái an toàn 5.000 quân đang bị bao vây tại Nà Sản.
Nhưng về Điện Biên Phủ thì ông đã tính lầm.
\”Lạy Trời mưa xuống\” chẳng phải để lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, nhưng là \”để tôi khỏi phải nhảy vào cái thung lũng bùn lầy này,\” viên chỉ huy trưởng nhảy dù đã cầu mong. Vì lệnh trên là cuộc hành quân này sẽ bắt đầu \’nếu thời tiết cho phép,\’ cho nên ông cầu cho trời mưa để hủy bỏ cuôc hành quân.
Theo Mỹ thẩm định thì Navarre đã dựa vào hai giả thiết sai lầm:
- Việt Minh khó có thể vận dụng được quá hai sư đoàn tới điện Biên Phủ; và
- Việt Minh không có nhiều đại bác, và nếu có thì cũng khó có thể kéo lên địa điểm trên cao.
Ngoài ra, còn khuyết điểm khác là đã không để ý nhiều tới vấn đề thời tiết. Tới mùa mưa (kéo dài 5 tháng), những đám mây dày đặc bao trùm thung lũng, gây trở ngại cho các phi vụ thả dù và tiếp tế. Với lượng nước mưa đổ xuống lên tới 62 inches, Điện Biên Phủ trở thành một vũng lầy.
Ngày 20/11/1953 – đúng ba ngày sau buổi họp với bộ tư lệnh – 60 chiếc máy bay Dakota, phía trước có sơn màu xanh, vàng, và đỏ, theo nhau cất cánh từ Hà Nội, yểm trợ bằng những máy bay khu trục, vẽ lên bầu trời một giải dài tới 7 dặm.
Gần 3.000 lính dù, đơn vị tinh nhuệ nhất của đoàn quân Viễn chinh Pháp nhảy xuống Điện Biên Phủ.
Tướng Cogny chỉ định Đại tá Christian de Castries (1902-1991) chỉ huy mặt trận. Cogny nổi tiếng về kỵ binh, mà chiến trường Điện Biên Phủ lại đặt nặng vai trò của kỵ binh.
Tới chiến trường, de Castries cho xây ngay những căn cứ pháo binh làm tuyến bảo vệ doanh trại.
De Castries là sĩ quan có tài, lại đẹp trai. Ông đặt tên cho ba pháo đài là Gabrielle (phía Bắc), Beatrice (phía Đông) và Isabelle (phía Nam). Lúc đó ít ai biết rằng đó là tên ba cô bồ của Đại tá de Castries.
Navarre tiên đoán sẽ thắng trận vào ngày Quốc khánh của Pháp 4/07/1954.
Tướng Mỹ O\’Daniel không tin. Ngày 3/02, ông đích thân bay tới quan sát chiến trường và thấy ngay là Navarre đã tính lầm: \”Quân đội Pháp đã không chiếm đóng miền đồi núi cao, và như vậy địch chỉ cần vài ba tiểu đoàn pháo là có thể uy hiếp, đặt căn cứ này vào tình trạng không thể giữ nổi.\”
Hai giờ trước khi O\’Daniel đáp, Việt Minh dùng đại bác 75 ly nã ngay 103 quả vào doanh trại Pháp.
Đêm ngày 13/03, ngày đầu trong 56 ngày tấn công, quân đội Việt Minh từ đồi núi tràn xuống, trong khi gần một trăm khẩu 105 ly và 75 ly từ trên cao, không cần phải câu vòng, cứ thế mà pháo thẳng xuống doanh trại Pháp. Chỉ một ngày đã chiếm được pháo đài Beatrice, và bốn ngày sau, Gabrielle.
Sau khi Pháp yêu cầu Mỹ gấp rút gửi thêm quân viện, Tổng thống Eisenhower họp khẩn để vận động một nghị quyết của Quốc hội cho phép ông ra lệnh oanh tạc.
Quốc hội đồng ý, nhưng việc Mỹ can thiệp phải kèm theo ba điều kiện:
- Phải có sự tham gia của Anh;
- Pháp trả ngay độc lập cho các quốc gia Đông Dương; và
- Phải đồng ý tiếp tục chiến đấu sau Điện Biên Phủ.
Tháng Tư Đen của Pháp
Trong khi Washington còn đang bàn định xem làm sao để có được sự đồng ý của Anh thì Đại sứ Mỹ Douglas Dillon đã đánh điện về cho Ngoại Trưởng Dulles (độc giả lưu ý tới nhiều sự kiện dồn dập trong ngày 5/04/1954):
Ngày 5/04/1954 – Mật Điện 3710:
KHẨN. Lúc 11:00 đêm Chủ Nhật, tôi được mời tới Điện Matignon gấp để tham dự một cuộc họp nội các thu hẹp.
\”Khi tôi tới nơi, Ngoại trưởng Bidault tiếp tôi tại văn phòng Tổng thống và sau mấy phút thì Tổng thống Auriol tới. Họ cho tôi hay rằng sự can thiệp bằng không lực Hoa Kỳ từ các mẫu hạm ngoài khơi vào Điện Biên Phủ là điều hết sức cần thiết trong lúc này để cứu vãn tình hình.
\”Tướng Navarre báo cáo rằng tình hình tại chiến trường này đang ở trong tình trạng bất quân bình trầm trọng… Với lực lượng đang được tăng cường, Việt Minh sẽ có thể mở cuộc tấn công mới vào giữa hay cuối tuần này. Nếu không được tiếp viện – từ đây tới lúc đó – thì số phận của Điện Biên Phủ coi như đã xong rồi.\”
\”Ông Bidault đã kết luận rằng dù tốt hay xấu, giờ đây số phận của Đông Nam Á tùy thuộc vào Điện Biên Phủ. Thêm nữa, thành công hay thất bại tại Hội Nghị Geneva cũng đều tùy theo trận Điện Biên Phủ kết thúc ra sao. Vì vậy, đây là một yêu cầu khẩn thiết của Pháp để Hoa kỳ có một hành động hết sức quan trọng…\”
Ngày 5/04/1954 – Ngoại trưởng Dulles trả lời:
\”Hoa Kỳ đang làm mọi việc có thể như đã được thông báo trong công điện tôi gửi số 5175 – để chuẩn bị dư luận cũng như Quốc hội và căn bản hiến pháp nhằm đi tới một hành động thống nhất với Đồng minh. Hành động của Hoa Kỳ không thể có được trừ khi có sự tham gia chặt chẽ của Anh Quốc.
Ngày 5/04/1954 – TT Eisenhower thuyết phục Thủ tướng Churchill:
\”Nếu tôi có thể nhắc lại lịch sử, chúng ta đã không ngăn chận Hirohito, Mussolini, Hitler vì đã không cùng hành động chung với nhau, và cho kịp thời,\” ông than phiền rồi đi tới kết luận, \”chính vì thế nên đã dẫn tới một thảm kịch bi đát và một sự nguy hiểm tuyệt vọng trong mấy năm sau. Và như vậy, chúng ta đã học được điều gì chưa trong kinh nghiệm ấy?\”
Ngày 5/04/1954 – Ngoại trưởng Bidault tuyệt vọng:
\”Thật là bất hạnh vì thời gian để sắp xếp một hành động thống nhất như vậy đã qua đi rồi, và số phận Điện Biên Phủ sẽ đi đến chỗ quyết định nội trong mười ngày tới.\”
Gần 100 pháo đài bay B-29 của Mỹ chuẩn bị giải vây Điện Biên Phủ
Ngày 6/04/1954:
Ủy ban Đặc nhiệm của TT Eisenhower đề nghị một kế hoạch để can thiệp quân sự với mật hiệu là \”Kế hoạch Kên Kên\” (Vautour). Theo đó, Mỹ dùng B-29 từ Okinawa vào oanh tạc. Có ba bước:
- Một: bốn sư đoàn lục quân Mỹ cùng với một sư đoàn dù được yểm trợ bằng không lực chiếm vùng Yên Bái, Thái Nguyên và Tuyên Quang để chận tuyến liên lạc và có thể tiêu diệt ba sư đoàn Việt Minh;
- Hai: một sư đoàn đánh chiếm căn cứ Hòa Bình, đang khi một sư đoàn khác đổ bộ tại Thanh Hóa và tiến chiếm Hội Xuân;
- Ba: thiết lập biên phòng ở ranh giới với Trung Quốc.
Hai hàng không mẫu hạm Boxer và Essex lừ lừ tiến về phía Vịnh Bắc Việt, và gần một trăm chiếc pháo đài bay B-29 ở Okinawa và Phi Luật Tân đuợc lệnh báo động, chuẩn bị bay tới Điện Biên Phủ để giải vây.
Chuẩn tướng Joseph Caldara đã bay vào Sài Gòn trước để thẩm định tình hình. Ông còn tự lái chiếc máy bay thám thính B-17 tới Điện Biên Phủ để quan sát chiến trường.
Ngày 21/04/1954 – Pháp khẩn thiết
Thủ tướng Daniel yêu cầu, \”Nếu có được một cuộc oanh tạc của Mỹ tại Điện Biên Phủ thì làm cho tinh thần quân đội ở đó lên ngay và sẽ thay đổi hẳn tình hình.\”
Đồng thời, Ngoại Trưởng Bidault thúc giục Mỹ \”khẩn trương xem xét việc can thiệp bằng quân sự để cứu vãn tình hình,\” vì \”nếu chúng tôi thất bại nơi đây, nhân dân Pháp sẽ đi tới kết luận rằng dù có cố gắng thêm nữa cũng sẽ không thành công, cho nên phải triệt thoái khỏi chiến trường.\”
Thủ tướng Anh Churchill cực lực phản đối Mỹ can thiệp
Mặc dù Bidault khẩn khoản yêu cầu, Churchill vẫn tiếp tục phản đối.
Khi phải miễn cưỡng đi họp Hội Nghị Geneva, Dulles đã nhân cơ hội để vận động thêm.
Ngày 25/04/1954 – Dulles báo cáo:
\”Tôi gặp ông ta (Ngoại trưởng Anh Anthony) Eden chiều nay lúc 10:15 khi ông ta từ London. Ông ta đã lĩnh ý của Thủ tướng Churchill, nội các và các tướng lãnh. Eden nói rằng: Anh Quốc cực lực phản đối bất cứ sự can thiệp nào tại Điện Biên Phủ vì họ không nghĩ rằng nó sẽ có được một ảnh hưởng quyết định, và hành động này sẽ không được nhân dân Anh Quốc hay công luận thế giới thông cảm…
\”Eden đã gặp Bidault tại phi trường Orly đêm nay trên đường ghé qua Paris và đã cho ông ta hay về lập trường của nước Anh…
\”Với tình hình hiện tại của quân đội Pháp mà Eden đã quá rõ, tôi (Dulles) nói với ông ta rằng tôi không còn tin Pháp sẽ có đủ ý chí mà đương đầu với đối phương của họ tại Hội nghị Geneva đâu. Nhưng Eden lại nói rất rõ về việc Anh Quốc phản đối việc Hoa Kỳ can thiệp bằng không lực tại Điện Biên Phủ cũng như về việc họ không đồng ý trực tiếp tham gia vào chiến trường Đông Dương…
\”Tôi nói với ông Eden rằng… \’thật là một thảm trạng nếu ta không có những biện pháp để ngăn chận việc mất Đông Dương.\”
Ngày 26/04 – Dulles cảnh báo: Anh đang xúi Pháp bỏ cuộc
Ngay ngày hôm sau (26/04), Dulles lại gửi công điện từ Geneva trình bày là \’nước Anh đang xúi giục Pháp đi về chiều hướng đầu hàng\’:
\”Sau trưa, tôi có gặp Eden và Bidault khoảng một giờ tại biệt thự của Bidault… Tôi lưu ý họ rằng ngưng chiến lúc này tại Điện Biên Phủ tức là đầu hàng và còn có thể đưa tới nguy hiểm là người bản xứ nổi dậy sát hại người Pháp…
\”Theo sự suy nghĩ của tôi, Eden đã nhận được chỉ thị là phải khuyến khích Pháp chấp nhận hầu như bất cứ giải pháp nào để đi tới chỗ chấm dứt chiến tranh. Sở dĩ như vậy là vì Chính phủ Anh sợ rằng nếu giao tranh cứ tiếp tục thì Mỹ sẽ bằng cách này hay cách khác nhảy vào can thiệp, đưa tới hậu quả là Trung Quốc sẽ tham chiến và dẫn tới một cuộc chiến rộng lớn hơn nữa…
\”Sáng mai tôi sẽ gặp ông Eden một mình và sẽ cho ông ta biết thẳng thừng rằng tôi hết sức mất tinh thần về việc nước Anh đang xúi giục Pháp đi về hướng đầu hàng, một việc đi ngược lại quyền lợi không những (tôi xin lặp lại không những) của chúng ta mà của cả nước Anh nữa.\”
Sau cùng, Tham Mưu Trưởng Ridgeway cố vấn TT Eisenhower không nên can thiệp
TT Eisenhower họp khẩn với Ngoại trưởng Dulles để bàn việc cứu vãn tình hình, và đi tới quyết định là sẽ yêu cầu Quốc hội đồng ý cho mang quân đội vào Việt Nam để can thiệp nếu Pháp đồng ý thỏa mãn đòi hỏi của Mỹ là để cho Việt Nam được độc lập thực sự và để cho Mỹ đào tạo quân đội bản xứ.
Nhưng tới đây thì TT Eisenhower lại gặp thêm một khó khăn nữa: Tướng Matthew Ridgeway, Tham mưu trưởng Lục quân lại không ủng hộ và khuyên ông không nên can thiệp.
Ridgeway là người đã thay thế Tướng MacArthur ở Triều Tiên. Ông có uy tín lớn đối với TT Eisenhower.
Ông ước tính rằng muốn chiến thắng, sẽ cần từ một nửa triệu tới một triệu quân, và phải động viên khoảng 100.000 người một tháng. Ngoài ra, còn phải xây cất cầu cống, phi trường, đường xá, hải cảng. Bết bát nhất là điều kiện về địa hình: rừng núi, lũ lụt ở Đông Dương lại còn khó khăn hơn cả ở Triều Tiên.
Vì Chính phủ Anh không chịu cộng tác và Tướng Ridgeway không ủng hộ, sau cùng TT Eisenhower đã bỏ ý định can thiệp bằng quân sự.
Ngày 7/05/1954, Điện Biên Phủ thất thủ – đúng một tuần sau ngày 30 tháng Tư.
Sau Điện Biên Phủ, Mỹ thôi thúc Pháp \”cứ tiếp tục chiến đấu, hãy coi đây chỉ là một thất bại trong một trận chiến, chứ không phải là đã bại trận. Và Pháp cũng chỉ mất đi khoảng nửa sư đoàn. Khu vực chiến lược quan trọng là toàn bộ lãnh thổ nằm sau \’Tuyến De Lattre\’ (nối từ Vịnh Hạ Long tới Vĩnh Yên về phía Tây, và theo Sông Đáy bọc xuống Phát Diệm rồi ra biển về phía Nam) thì vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng dù Mỹ can ngăn, Pháp đã đi tới quyết định bỏ cuộc.
Bài học từ Điện Biên Phủ
Như vậy, xét cho cùng thì lý do thất bại không phải là quân sự mà là chính trị. Đó là vì nhân dân và lãnh đạo Pháp đã nản lòng, thối chí.
Biến cố này xác định một lần nữa bài học cho những nhà lãnh đạo, những người chỉ huy các cuộc chiến, rằng: \”quân sự là chính trị theo một phương tiện khác – \”war is politics by other means.\”
Trong nhiều tình huống chỉ cần một chiến thắng – hay được dư luận coi như là một chiến thắng: đánh một trận vào đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu là có thể kết thúc được cuộc chiến.
Lúc ấy, dư luận cho rằng Pháp đã thất trận ở Paris chứ không phải ở Điện Biên Phủ, cũng như sau này, biến cố Mậu Thân được coi là Điện Biên Phủ của Tổng thống Lyndon Johnson, và Mỹ đã thất bại ở Washington chứ không phải ở Sài Gòn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng nguyên giáo sư kinh tế tại N.C. Wesleyan College, Trinity College, và Howard University, và là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (1966-1070). Ông là cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, và là phụ tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản – ngoài những sách về kinh tế – các cuốn \”The Palace File\” (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) (1986), \”Khi Đồng Minh Tháo Chạy\” (2005), \”Tâm Tư Tổng Thống Thiệu\” (2010) và \”Khi Đồng Minh Nhảy Vào\” (2016).