TQ chọn thời điểm cộng đồng quốc tế khó khăn nhất để làm càn trên Biển Đông

TQ chọn thời điểm cộng đồng quốc tế khó khăn nhất để làm càn trên Biển Đông

Ngày đăng 05-05-2020

Đúng thời điểm các nước đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó đại dịch COVID-19 mà nơi khởi điểm đầu tiên tại Trung Quốc, giới cầm quyền Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình này để gia tăng các hoạt động phi pháp, quấy phá trên Biển Đông.

\"\"/

Trung Quốc chọn thời điểm làm càn

Những ngày này, dư luận quốc tế đã nhiều lần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) để đẩy nhanh mục tiêu “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành xử theo cách “thừa nước đục thả câu”. Lịch sử tranh chấp ở Biển Đông cho thấy rõ điều đó. Năm 1956, lợi dụng việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và buộc phải ký hiệp định Geneve rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã bí mật đưa quân ra chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm hiện được Trung Quốc coi là thủ phủ của cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”. Năm 1974, lợi dụng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris và quân đội chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Trước năm 1988, Trung Quốc không hề có một miếng đất nào ở Trường Sa. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến 1988, Trung Quốc thường xuyên cho tàu cá có vũ trang và tàu trinh sát khảo sát quần đảo Trường Sa. Lợi dụng khó khăn của Việt Nam phải đối mặt với các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, tháng 3/1988, Trung Quốc đưa quân chiếm một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Trước sự lo ngại của dư luận các nước, năm 2015, Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch quân sự hóa các đảo này. Thế nhưng trên thực tế, lợi dụng các nước lớn tập trung vào vấn đề nội bộ, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, biến nơi đây thành các cơ sở quân sự với sự có mặt của máy bay ném bom, tên lửa đất đối không, các trạm radar…

Từ đầu năm đến nay, khi cộng đồng quốc tế đang tập trung đối phó đại dịch COVID-19 mà phía Mỹ cho rằng đây là “virus Trung Quốc”, giới cầm quyền Bắc Kinh lại gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh của Trung Quốc rồi chìm. Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo “Việt Nam chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân lực khỏi các đảo này”.

Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam nói trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý. Cũng trong tháng Tư, bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa bị phát hiện xuất hiện trong lãnh thổ Trung Quốc, khi bị chỉ trích, Facebook nói đây là lỗi “cập nhật bản đồ”. Gần đây, người ta phát hiện trên kênh Youtube của tỷ phú Bill Gates có bản đồ đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.  Vị tỷ phú người Mỹ này cũng nức tiếng khen ngợi Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời ra mặt phản đối chính quyền Trump khi nói không nên đổ lỗi cho Trung Quốc.

Các nước cần chung tay đối phó

Ý đồ chiếm trọn Biển Đông của Bắc Kinh vốn đã rõ như ban ngày, nhưng nay được Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ trong một sự tính toán rằng khi Mỹ đang bị quấn tay bởi đại dịch, Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á sẽ không dám đối mặt trực diện với sức mạnh của người khổng lồ phương Bắc, nhưng có lẽ Trung Quốc đã nhầm.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ kịch liệt lên án và phản đối việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang gồng mình chống dịch để thúc dẩy các hành vi phi pháp, khiêu khích tại Biển Đông. Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập”. Theo ông Kritenbrink, những hành vi này của Trung Quốc không thể hiện thiện chí, không giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực, và Mỹ kịch liệt phản đối những yêu sách phi lý và hành vi hiếu chiến vừa qua của chính quyền Bắc Kinh. Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi Trung Quốc.

Ngoài ra, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh Mỹ, Việt Nam và rất nhiều đối tác khác trong khu vực chia sẻ tầm nhìn chung về việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời sẽ làm tất cả để thúc đẩy hòa bình thịnh vượng trong khu vực. Mỹ khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc và rất nhiều đối tác và bạn bè của Mỹ đã làm điều đó. Theo Đại sứ Mỹ, những hành vi vừa qua của Trung Quốc chỉ là một phần trong chuỗi dài những hành vi khiêu khích của nước này trong thời gian qua. Điều này đã và đang đe dọa đến hòa bình, cũng như tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng và ổn định của khu vực. Mỹ tin tưởng vào một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế, chúng tôi tin tưởng vào môt khu vực trong đó các nước yếu không bị nước mạnh chèn ép và cùng tuân thủ một nguyên tắc chung. Các quốc gia tin tưởng vào việc tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không. Đại sứ Kritenbrink kết luận “các bạn sẽ được chứng kiến Mỹ tiếp tục duy trì chính sách lâu dài và bền vững trong khu vực trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải và giúp các quốc gia trong khu vực hiểu được những gì đang diễn ra cũng như tăng cường năng lực phòng vệ. Điều này cũng giúp đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Trong khi đó, trước những hành động khiêu khích từ chính quyền Bắc Kinh thời gian qua trên Biển Đông, bất chấp hàng loạt thủ đoạn để thâu tóm toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế và chuyên gia về Biển Đông đều có chung quan điểm, Việt Nam khó mà đơn độc một mình chống lại Trung Quốc, Hà Nội cần tận dụng sự đoàn kết quốc tế, luật pháp, phối hợp với nhiều nước gây sức ép ngoại giao, chính trị để kiềm chế Bắc Kinh. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế Philippines) cho biết, không riêng gì với Việt Nam, thời gian qua, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn phải chống lại hành vi phi pháp của Bắc Kinh. Ví dụ như quan chức quân sự cấp cao của Philippines nhiễm bệnh Covid-19, hay bệnh dịch cũng là nguyên nhân khiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt phải neo lại ở đảo Guam. Rồi các nước láng giềng trong khu vực cũng phải ứng phó bệnh dịch. Nhân cơ hội này, Trung Quốc đã khai thác khoảng trống an ninh một cách bất chấp.

Chuyên gia Heydarian nhấn mạnh, Bắc Kinh đã điều động tàu chiến tập trận ở nhiều vùng biển trong khu vực, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hay tàu nghiên cứu và chấp pháp của Trung Quốc quấy rối hoạt động của Malaysia trên biển. Đặc biệt, hoạt động quân sự đáng chú ý vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông chính là việc điều động cả tàu sân bay Liêu Ninh tập trận, triển khai lực lượng lớn tàu hải cảnh và hải quân. Các động thái gần đây cho thấy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay lớn đến mức nào. Dường như Bắc Kinh đang muốn thống trị cả khu vực. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Richard Heydarian cho rằng, Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nội cần tận dụng thứ vũ khí đặc biệt khác – đoàn kết ASEAN lại để đấu tranh và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Philippines cũng đã có thông điệp ngoại giao thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, Malaysia phản ứng lên án Trung Quốc hành động phi pháp ở Biển Đông.

Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling cũng có chung quan điểm trên cho rằng, trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực cùng phối hợp lên án hành động của Trung Quốc. Các bên phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung Quốc, từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên. Trong khi đó, cựu Thẩm phán Antonio Carpio, từng làm việc tại Tòa án Tối cao Philippines kêu gọi Manila cùng “đồng tâm hiệp lực” với Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment