Gia đình tử tù Hồ Duy Hải không được dự phiên giám đốc thẩm

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải không được dự phiên giám đốc thẩm

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt

\"Hồ
Image captionHồ Duy Hải trong một phiên tòa

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án hai tội danh \”Giết người\” và \”Cướp tài sản\” 12 năm trước, diễn ra sáng 6/5 tại Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Hà Nội.

Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 6-8/5, do chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Hồ Duy Hải không được triệu tập như hai phiên tòa trước do đây là phiên tòa chủ yếu xử trên hồ sơ nhưng luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa chính cho Hồ Duy Hải, được mời tham dự.

Trả lời BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 6/5, Hồ Thu Thủy, em gái Hồ Huy Hải cho hay cô và mẹ đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày. Nhưng hai mẹ con không được vào phòng xử, cũng không được đứng gần cổng tòa án.

\”Hiện tôi và mẹ đang đứng cách cổng tòa vài chục mét. Có rất đông an ninh sắc phục bảo vệ quanh tòa. Các phóng viên tới tác nghiệp cũng rất khó khăn,\” Thủy nói.

\”Mẹ tôi đang rất căng thẳng, lo lắng không biết phiên tòa giải quyết theo hướng nào vì không được vào cũng không được xem qua màn hình.\”

\"Bà
Image captionBà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua

Hồ Thu Thủy cho hay lần gần đây nhất gia đình gặp Hồ Duy Hải là cách đây ba tháng, hôm 14/2/2020. Khi đó Hải \”khỏe và tinh thần phấn chấn lên đôi chút\” vì gia đình thông báo mọi người đang nỗ lực minh oan cho Hải. Gia đình cũng chưa có dịp thông báo với Hải rằng phiên giám đốc thẩm sẽ được mở vào 6/5 và cũng không biết trại giam có cho Hải biết không, Thu Thủy nói với BBC.

\”Sau mỗi phiên xử, luật sư Trần Hồng Phong sẽ thông tin cho gia đình về nội dung, nhưng không gặp mặt trực tiếp trong suốt thời gian này để đảm bảo tính khách quan.\”

\”Hiện gia đình đã tạm gác hết mọi công việc để lo cho anh Hải.\”

\”Tôi mong phiên xử này thẩm phán phải xem xét thấu đáo, công tâm, nếu Hồ Duy Hải bị oan thì phải trả lại tự do cho Hồ Duy Hải. Mong người hướng về phiên tòa này để đòi lại công bằng, công lý cho Hồ Duy Hải,\” Thu Thủy nói.

Phiên giám đốc thẩm khác gì với các phiên tòa khác?

\"Thu
Image captionThu Thủy (trái, ngoài cùng, em gái Hồ Duy Hải) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) trong quá trình đi tìm công lý cho Hồ Duy Hải

Theo phân tích của tác giả Võ Văn Quản trên Luật khoa Tạp chí, Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.

Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong nói tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác.

Luật sư Phong cho hay đã có sự \”vi phạm\” và \”sai phạm\” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án.

Ông nói rằng tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan. Dựa trên hồ sơ vụ án và các bằng chứng thu thập được, luật sư Phong đánh giá rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Ông Phong nói các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay. Bên cạnh đó, dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại nạn nhân, nhưng cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy ở hiện trường mà lại cho người ra mua dao và thớt ở chợ để \”minh họa\” cho \”hành vi phạm tội\” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Luật sư Phong cho hay ông đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có ông Đinh Vũ Thường là người mà cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Nhưng ông Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng.

Ngoài ra, toàn bộ thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng, từng bị triệu tập sau đó được thả, đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, dù từng bị xem là nghi can hàng đầu, vẫn theo luật sư Lê Hồng Phong.

Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, từng nói với BBC rằng, từ 12 năm qua, \”từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác\”, bà đã trở thành một người đàn bà \”dữ dằn\”, \”lúc nào cũng đi tới đi lui\”, \”bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà\” đề đi kêu gào công lý cho Hải.

Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải

13/1/2008Hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) của Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị giết hại trong đêm.

21/3/2008: Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km, bị bắt giữ.

1/12/2008: Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải, \”giết người\” và \”cướp tài sản\”.

28/4/2008: Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm.

24/5/2011: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định không kháng nghị án phúc thẩm.

24/10/2011: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm.

17/5/2012: Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá án tử hình của Hồ Duy Hải.

24/11/2014: Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải vào 5/12/2014.

4/12/2014: Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét lại vụ án.

22/11/2019: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

6/5/2020: Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Bài Liên Quan

Leave a Comment