Pháp lập chiến lược “chủ quyền” dịch tễ, tránh phụ thuộc Trung Quốc
Đăng ngày: 08/05/2020
Thu Hằng
Khan hiếm khẩu trang, thiếu máy trợ thở, nguy cơ thiếu dược chất trong đại dịch Covid-19 toàn cầu cho thấy rõ cấp độ phụ thuộc nguy hiểm của nhiều nước phương Tây vào Trung Quốc. Chính phủ Pháp lên kế hoạch khôi phục sản xuất trên lãnh thổ nhiều lĩnh vực dịch tễ mang tính chiến lược, trong đó có khẩu trang và thuốc, để bảo đảm khả năng tự chủ.
Khoảng 80% dược chất sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất phần lớn ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dịch Covid-19 chỉ khẳng định thêm sự phụ thuộc khủng khiếp của phương Tây vào các nhà cung cấp châu Á kể từ quá trình toàn cầu hóa. Riêng tại Pháp năm 2018 đã ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, trong khi cách đây 10-15 năm, Pháp là nhà sản xuất thuốc hàng đầu châu Âu, nhưng hiện chỉ đứng vị trí thứ 4.
Tình trạng khan hiếm trầm trọng khẩu trang, trang phục bảo hộ y tế tại Pháp có thể thấy qua việc các bệnh viện và bác sĩ tư (cũng tham gia theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19) được phân phối “như thời bao cấp” ở Việt Nam. Ở một số vùng dịch căng thẳng, nhiều bệnh viện kêu gọi quyên góp túi đựng rác cỡ lớn để thay trang phục bảo hộ, còn nhân viên không làm việc trong khu vực Covid-19 phải đeo khẩu trang vải do thiếu khẩu trang y tế.
Vào cuối tháng 03/2020, tổng thống Pháp thông báo dành 4 tỉ euro cho ngân sách mua trang thiết bị y tế, trước mắt là từ Trung Quốc, đồng thời ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, hoặc ở châu Âu. Trả lời lời đài RFI và France 24 ngày 03/04, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire cho biết :
“Chúng ta (Pháp) mua khẩu trang từ Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng nhanh chóng thúc đẩy sản xuất ở trong nước. Tôi xin hoan nghênh tất cả các nhà công nghiệp đã tái cơ cấu dây chuyền sản xuất để may khẩu trang. Tôi cho rằng đây là bước đi đúng đắn, một cách tiến hành có trách nhiệm và mang tinh thần yêu nước.
Trong những ngày và những tuần sắp tới, chúng ta phải sản xuất được nhiều khẩu trang nhất có thể trên lãnh thổ quốc gia. Sau đó cũng cần rút ra một bài học về lâu dài, đó là tuyệt đối phải tái lập một số dây chuyền sản xuất tại Pháp, dù đó là dược chất của một số loại thuốc hiện đang được sản xuất tại Trung Quốc, hay là khẩu trang và máy trợ thở. Chúng ta phải tự chủ ! Đây là bài học mà chúng ta rút ra được từ cuộc khủng hoảng xã hội và dịch tễ này. Cần phải tăng cường sự độc lập của nền kinh tế đất nước chúng ta”.
Tăng cường “sản xuất trên lãnh thổ quốc gia để giảm mức độ phụ thuộc và tự trang bị được lâu dài” là chiến lược được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 31/03/2020 khi thăm nhà máy Kolmi-Hopen, chuyên cung cấp trang thiết bị y tế (gần thành phố Angers), chiếm đến 3/4 sản lượng khẩu trang sản xuất trong nước. Nguyên thủ Pháp nêu lên một số mục tiêu : tự cung tự cấp nhu cầu khẩu trang trong nước từ giờ đến cuối năm ; đến giữa tháng Năm sẽ sản xuất được 10.000 máy trợ thở các loại (thông qua tổ hợp bốn nhà công nghiệp lớn của Pháp, đứng đầu là tập đoàn Air Liquide)…
Nhà nước kêu gọi… nhưng phải giữ lời hứa
Hiện Pháp chỉ còn bốn nhà máy lớn sản xuất khẩu trang, hoạt động hết công suất, liên tục tuyển thêm nhân viên từ tháng Ba, nhưng mới bảo đảm được công suất 15 triệu chiếc các loại (y tế và FFP2) mỗi tuần, có nghĩa là chỉ cung ứng được một nửa nhu cầu hàng tuần của các bệnh viện tại Pháp.
Hiện tại, do nhu cầu khẩn cấp và với số lượng lớn để phòng chống dịch, Nhà nước hứa mua khẩu trang nhưng liệu sẽ vẫn giữ lời hứa nếu như hết dịch ? Đây là băn khoăn của chính quyền tỉnh Côte d’Armor (phía đông bắc nước Pháp), nơi từng có nhà máy Plaintel sản xuất khẩu trang và phải đóng cửa vào năm 2018. Một cựu giám đốc nhà máy lập dự án khôi phục hoạt động của Plaintel và được chính quyền tỉnh Côte d’Armor và vùng Bretagne ủng hộ, sẵn sàng đầu tư, nhưng với yêu cầu Nhà nước cùng tham gia.
Trả lời đài France 3 Bretagne (05/04), ông Martin Meyrier, phó chủ tịch phụ trách Kinh tế, Hội đồng vùng Bretagne, giải thích : “Khẩu trang sản xuất tại Pháp sẽ luôn đắt hơn so với khẩu trang làm tại châu Á. Ngoại trừ việc cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay dạy cho chúng ta rằng tiêu chí quyết định không phải là giá cả ! Chúng tôi cần một đối tác về lâu dài, không lập lại những gì đã xảy ra ở Plaintel. Cần phải có một đối tác cam kết lâu dài đối với dây chuyền sản xuất khẩu trang”.
Cam kết thu mua lâu dài của Nhà nước là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện dự án cần ít nhất vài tháng để khôi phục cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ mới vì, dù kinh nghiệm còn đó, nhưng nhân viên cũ của nhà máy đã được thuyên chuyển công tác. Ngoài ra, còn phải tính đến nguồn cung cấp nguyên liệu, vẫn thường phụ thuộc vào châu Á.
Sản xuất tại Pháp… chấp nhận chi phí cao
Đối với lĩnh vực sản xuất hoạt chất, việc di chuyển sản xuất về Pháp hoặc châu Âu không phải là việc khó khăn và hoàn toàn có thể thực hiện được, theo giải thích của giáo sư kinh tế El Mouhoub Mouhoud, đại học Paris Dauphine, khi trả lời chương trình “Giải mã” (Décryptage) của đài RFI ngày 05/05 :
“Có thể di dời sản xuất hoạt chất về Pháp và châu Âu. Trái với việc sản xuất khẩu trang với chất liệu mềm hoặc vải khó tự động hóa được nên chú trọng đến giá nhân công, ngành công nghiệp dược phẩm, giống như nhiều ngành công nghiệp vật liệu cứng khác, tự động hóa được áp dụng phổ biến, nên có thể chuyển dây chuyền sản xuất về nước. Nhưng vấn đề này sẽ gây phát sinh chi phí đột biến và dĩ nhiên là phải trả những chi phí đó.
Vì thế, theo tôi, trở ngại không phải ở mặt kỹ thuật, mà liên quan đến chiến lược, như nêu ở lên. Cần phải bù cho những chênh lệch về chi phí và giá thành. Có nghĩa là nếu chỉ thông báo là muốn mang hoạt động sản xuất từ nước ngoài về nước, nhưng lại không nói phải làm như thế nào, không đưa ra lộ trình để đạt được mục đích, thì rất dễ, nhưng cũng lại rất nguy hiểm. Cuối cùng phải xác định sự chênh lệch về giá là do người dân phải chịu hay do các nhà phân phối chịu”.
Sản xuất tại Pháp sẽ nâng giá thành của thuốc là điều không tránh khỏi, theo nhận định của ông Olivier Bogillot, chủ tịch tập đoàn dược phẩm Sanofi Pháp, khi trả lời đài BFM TV ngày 20/04. Ông cho rằng người dân Pháp cần được biết thuốc được sản xuất ở đâu và chính phủ nên khuyến khích bằng cách thưởng thêm (bonus) cho những công ty sản xuất trên lãnh thổ Pháp.
Nhà nghiên cứu Pháp Nathalie Coutinet cho rằng “các tập đoàn dược phẩm lớn, trong số đó có rất nhiều tập đoàn kinh doanh có lãi nhất thế giới, đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tăng lợi nhuận, chứ không phải để giảm chi phí. Hệ thống bảo hiểm hoàn trả phần lớn thuốc men”. Nhưng theo ông Olivier Bogillot, một trong những nguyên nhân là do Bảo hiểm Y tế Pháp áp đặt quy định về giá :
“Để tiết kiệm được trong một quãng thời gian, ví dụ một năm, Bảo hiểm xã hội Pháp mỗi năm phải xem xét lại ngân sách và mỗi năm lại phải tiết kiệm, có nghĩa là phải tìm ra được tiền cho hệ thống y tế. Họ cho rằng biện pháp tiết kiệm tốt nhất, đó là hạ giá thuốc và dĩ nhiên quyết định này gây tác động đến công nghiệp. Việc này diễn ra từ 15 năm nay.
Có những lúc, chúng ta nghĩ rằng trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, không nhất thiết phải sản xuất tại châu Âu hoặc ở Pháp, vì có thể đi mua một số loại thuốc ở nơi khác. Chúng ta đã chọn như vậy, nhưng 15 sau, trước một cuộc khủng hoảng như hiện tại, chúng ta hiểu ra rằng duy trì ngành công nghiệp và các nhà máy trên lãnh thổ Pháp và châu Âu là điều hữu ích”.
Theo nhật báo Le Figaro ngày 23/03, chưa chắc Pháp đã thu hút được các nhà máy sản xuất hoạt chất do có hàng loạt loại thuế về sản xuất, kém hấp dẫn so với các nước Đông và Bắc Âu hoặc nước láng giềng Ý, nơi có truyền thống về ngành hóa, nổi tiếng về giá thành sản xuất thấp và có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mũi nhọn.
Trong bài diễn văn ngày 12/03, tổng thống Pháp đã thể hiện rõ quyết tâm đưa ra những “quyết định đoạn tuyệt” vì “giao phó nguồn thực phẩm, sự bảo vệ, khả năng chăm sóc và đời sống của chúng ta cho các bên khác là hành động điên rồ”. Từ vài chục năm qua, Pháp vẫn giao số phận cho nước ngoài.