Trung Quốc đang thay Nga trong vai trò hiểm họa chính đối với phương Tây

Trung Quốc đang thay Nga trong vai trò hiểm họa chính đối với phương Tây

Đăng ngày: 08/05/2020

\"Tổng
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, 29/06/2019. REUTERS – Kevin Lamarque

Mai Vân

Từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền, phương Tây hết sức cảnh giác trước mối đe dọa đến từ Nga. Từ cuộc chiến tranh ở Gruzia năm 2008, việc sáp nhập Crimée năm 2014 cho đến các cuộc tấn công mạng và nỗ lực chia rẽ cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, Mỹ và châu Âu đã đau đầu vì Nga mà không chú ý nhiều đến Trung Quốc cho dù nước này vẫn có thái độ hung hăng ở Biển Đông và Eo Biển Đài Loan, hoặc cho Hải Quân tiến vào Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, trong bài phân tích « Mối đe dọa từ Trung Quốc làm lu mờ nguy cơ đến từ Nga », nhật báo Pháp Le Figaro ngày 08/05/2020 ghi nhận là phương Tây đang chú ý nhiều hơn đến hiểm họa từ Trung Quốc vào lúc Nga có dấu hiệu hòa hoãn hơn kể từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu.

Tại Hoa Kỳ, mối quan ngại trước các hành vi của Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện với chính sách xoay trục qua châu Á thời Barack Obama, còn châu Âu thì « nhắm mắt » lâu hơn một chút. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khuếch đại các mối lo có sẵn và đẩy Trung Quốc lên vị trí đứng đầu các thế lực gây rối trên thế giới, còn Nga và khả năng gây phiền nhiễu của họ xuống hàng thứ hai.

Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc văn phòng tại Paris của trung tâm tham vấn Mỹ German Marshall Fund nhận xét: « Tại Washington, nhiều người nói rằng Trung Quốc đã trở thành một nước Nga mới của NATO và chính quyền Trump ». Tương tự như đối với Nga trước đây, ngày nay vấn đề Trung Quốc đã nhận được sự nhất trí giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chi phối đời sống chính trị Mỹ.

Từ một vài năm, giọng điệu chính thức của Trung Quốc đã chuyển từ chủ nghĩa hòa bình sang chủ nghĩa đế quốc, và với Tập Cận Bình, nước Trung Hoa « ẩn mình » của Đặng Tiểu Bình đang muốn vươn lên làm một siêu cường. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nặng tính dân tộc chủ nghĩa của đảng Cộng Sản Trung Quốc mới đây đã khẳng định: « Thời một nước Trung Hoa bị khuất phục đã qua rồi… Cán cân lực lượng giữa phương Tây và Trung Quốc đang thay đổi ».

Le Figaro liệt kê một loạt hành vi hung hăng mới của Bắc Kinh, từ việc kích động căng thẳng ở các vùng biển bao quanh Trung Quốc, cho đến việc thúc đẩy các con tốt của họ ở châu Âu. Để làm suy yếu phương Tây, Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp lũng đoạn thông tin giống như Nga, thậm chí còn dữ dội hơn.

Nga hòa hoãn hơn với phương Tây từ khi có dịch Covid-19

Từ lúc đại dịch bắt đầu, trong lúc Trung Quốc hung hăng thì Nga như đã giảm bớt thái độ thù địch với phương Tây. Nhân một hội nghị của trung tâm tham vấn Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), Alexei Levinson, nhà nghiên cứu tại trung tâm Levada ở Matxcơva ghi nhận: « Thay vì đả kích trực tiếp phương Tây như thường lệ, Nga đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của virus ». Điện Kremlin cũng đã gửi vật tư y tế đến Hoa Kỳ.

Theo nhận định của Le Figaro, phải nói rằng Covid-19 đã phá vỡ các kế hoạch của Vladimir Putin, buộc ông phải hủy bỏ hai sự kiện nhằm củng cố ảnh hưởng quốc tế và tăng cường quyền khống chế chính trị của ông ở nước Nga. Đó là cuộc trưng cầu dân ý lẽ ra được tổ chức vào ngày 22/04, về dự án cải cách Hiến Pháp, cho phép ông duy trì quyền lực cho đến năm 2036, và lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô trong Đệ Nhị Thế Chiến, dự trù tổ chức vào ngày 09/05, với sự có mặt của một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đánh dấu việc Nga hội nhập trở lại vào cộng đồng quốc tế, sau khi bị loại ra bên lề do vụ sáp nhập Crimée.

Nga cũng đang chịu tác hại từ tình trạng giá dầu quốc tế tụt giảm, đe dọa các kế hoạch đầu tư của tổng thống Putin. Theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI: « Đại dịch đã làm đảo lộn hai điểm chính trong chương trình nghị sự của ông Putin, củng cố các xu hướng đang có trong hệ thống chính trị Nga, trong đó có việc uy tín của tổng thống Putin càng lúc càng bị xói mòn. Ông Putin cũng nhận ra rằng Nga không có ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới như lầm tưởng ».

Nỗi lo của Nga: Bị Trung Quốc che khuất về mặt chiến lược

Matxcơva hiện đang sợ rằng họ sẽ bị Trung Quốc làm lu mờ ở cấp chiến lược, sau cuộc khủng hoảng. Nga đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị. Chính vì thế mà trong một cuộc họp với báo chí ngoại giao, ông Enrico Letta, chủ tịch Viện Jacques-Delors, đã cho rằng Nga đang cố xích lại gần cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, thông qua một loạt cử chỉ hòa dịu, hợp tác.

Theo Le Figaro, Matxcơva gián tiếp hưởng lợi từ việc phương Tây ngày càng có lời lẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, mà các hành động đã buộc NATO điều chỉnh chương trình nghị sự và buộc Liên Hiệp Châu Âu thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn.

Chỉ có đui mù mới không thấy mối đe dọa của một Trung Quốc thô bạo

Chuyên gia Pháp về châu Á Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) phân tích: « Trung Quốc đã thô lỗ đến mức mà chỉ có đui mù mới không nhận thức được mối đe dọa. Và trong cùng một thời điểm, Nga đã rút về phía sau ».

Có điều là để đánh đổi với thái độ hòa dịu của mình, Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, điều đã bị cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu từ chối. Dù hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có vẻ hợp nhau, nhưng chính quyền Mỹ vẫn ngăn chặn cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong thời điểm hiện tại. Thái độ hòa dịu của điện Kremlin kể từ khi đại dịch bắt đầu không làm cho vấn đề Ukraina thay đổi gì nhiều.

Sau cùng, nếu một số nước Tây Âu, như Pháp, đang kêu gọi một mối quan hệ mới với Matxcơva, thì các quốc gia Trung và Đông Âu lại không muốn như vậy. Đối với các nước này, Nga vẫn là mối đe dọa chính, vượt xa Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Alexei Levinson, nhà xã hội học tại trung tâm Levada cảnh báo: « Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế lớn nổ ra, những chỉ trích nhắm vào phương Tây sẽ lại rộ lên ».

Le Figaro kết luận: « Trong lĩnh vực chiến lược, các mối đe dọa không loại trừ nhau mà lại chồng chất lên nhau ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment