Hệ thống tư pháp CSVN ‘đầy khuyết tật’ qua vụ ‘tử tù’ Hồ Duy Hải
May 10, 2020 cập nhật lần cuối May 10, 2020
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Dù đầy những gian dối và ngụy tạo trong hồ sơ vụ án của cơ quan tố tụng, Hồ Duy Hải vẫn bị quy chụp tội giết người là trái nguyên tắc cơ bản của luật hình sự.”
Ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư ở Sài Gòn, và cũng là đại biểu quốc hội CSVN, nhận định như vậy trong một buổi tọa đàm hồi giữa tuần qua về “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.”
Buổi hội thảo được tổ chức ngay sau khi Hội Đồng Giám Đốc Thẩm “Tòa Án Nhân Dân Tối Cao” của nhà cầm quyền CSVN “bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.”
Quyết định giám đốc thẩm của Hội Đồng Thẩm Phán này có hiệu lực ngay, tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi) bị kết án tử hình vụ giết hai cô gái tại bưu điện Cầu Voi năm 2008, Long An, sẽ được đem thi hành.
Hội Đồng Thẩm Phán của phiên tòa Giám Đốc Thẩm kết luận là bản án “đúng người, đúng tội.” Cả 17 thẩm phán đều cho rằng “quá trình điều tra, cơ quan điều tra có một số sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án,” lại còn chối tội dùm cho các điều tra viên là “không có bức cung, nhục hình đối với Hồ Duy Hải, không có căn cứ chứng minh Hải ngoại phạm.”
Sau phán quyết, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ, tràn ngập những lời thóa mạ một thứ “công lý mù lòa” của cái thứ tòa án xưa nay quen ăn hối lộ, xử án “bỏ túi” mà cách đây không bao lâu, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị kết án 11 năm tù đã nói thẳng vào mặt quan tòa ở Nghệ An là “chế độ bất công đẻ ra phiên tòa bất công.”
Theo nhận định của ông Trương Trọng Nghĩa tại buổi hội thảo nêu trên qua tường thuật của báo điện tử VietNamNet, trong vụ án Hồ Duy Hải, một nguyên tắc rất cơ bản ở mọi quốc gia là phải đủ chứng cứ để buộc tội.
“Luật pháp chúng ta, văn minh không kém nước nào, tại sao anh không làm vậy? Có thể anh nghi ngờ người đó, nhưng Luật Hình Sự bắt buộc, muốn buộc tội người ta thì phải có bằng chứng, chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ, thì anh không được buộc tội người ta”.
Chứng cứ được nêu ra để cột tội cho Hồ Duy Hải là cái thớt (dùng để đập đầu nạn nhân) và con dao, đều được các điều tra viên mua ở chợ. Dấu vân tay thu thập viết trong hồ sơ vụ án lại không phải dấu vân tay Hồ Duy Hải. Hải đã từng phản cung ở phiên tòa sơ thẩm là phải nhận tội để ra tòa nói lại vì đã bị tra tấn nhục hình thừa sống thiếu chết. Nếu không chịu nhận tội theo ý của điều tra viên thì không còn mạng.
Xưa nay, điều tra viên của công an CSVN luôn luôn dùng nhục hình để ép cung rồi vẽ ra các loại tình tiết sao cho ăn khớp với điều mình muốn vẽ vời. Tử tù Nguyễn Thanh Chấn, mấy năm trước, sau khi được minh oan, đã từng thuật lại là ông đã bị điều tra viên tập luyện cho tới khi thành thục “diễn” diễn tiến giết người thế nào. Nếu không được chính thủ phạm thú nhận thì ông không có cơ hội minh oan.
Theo ông Lê Thanh Vân, một đại biểu quốc hội khác nói với VNExpress trong một cuộc phỏng vấn, quyết định giám đốc thẩm nhận định có sai sót trong quá trình tố tụng nhưng không hủy án để điều tra lại là “Tạo tiền lệ không tốt cho trình tự tố tụng với những vụ án sau này. Không tốt về mặt tiền lệ vì người ta cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng.”
Theo ông Vân, đã có quá nhiều sai phạm từ cơ quan điều tra của công an đến các cấp tòa án của chế độ.
Bên cạnh đó, ông còn nêu ra rằng không có khách quan của phiên toà giám đốc thẩm vì “Chánh án TAND Tối Cao Nguyễn Hoà Bình năm 2011 là viện trưởng VKSND Tối Cao đã ký bản không kháng nghị, tức là khẳng định vụ án đã đúng người đúng tội.”
“Quá trình tố tụng phải minh bạch, có sự tham gia của các thành phần theo luật định, phải bình đẳng, công khai, có mặt luật sư, người bào chữa ngay từ đầu để tránh bức cung nhục hình, thay đổi hiện trường, thay đổi vật chứng. Cán bộ điều tra phải có đầy đủ năng lực để thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường. Vụ Hồ Duy Hải không đơn giản chỉ là xem xét tính mạng một con người. Nền tư pháp phải tuân theo pháp luật một cách độc lập.” Lời ông Vân trên VNExpress cho thấy những gì đã diễn ra hoàn toàn ngược lại.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, chủ tịch Ủy ban Tư pháp của quốc hội CSVN đề nghị can thiệp xem có thể giúp con bà thoát chết oan hay không.
Chỉ ít ngày sau khi vụ án mạng xảy ra, chính tờ báo Công An ngày 16 Tháng Giêng, 2008 đã có bản tin về một nghi can tên Nguyễn Văn Nghi, bạn của hai cô gái nạn nhân, cũng có mặt tại bưu điện Cầu Voi khoảng thời gian vụ giết người xảy ra. Nghi là một con nghiện ma túy, cũng đã bị thẩm vấn nhưng sau đó không bị giam giữ điều tra gì nữa và biến mất hoàn toàn trong vụ án. (TN) (kn)