12/05/1975: Khmer Đỏ bắt giữ tàu Mayaguez của Mỹ
Nguồn: “American ship Mayaguez seized,” History.com (truy cập ngày 11/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 12 tháng 5 năm 1975, tàu chở hàng Mayaguez của Hoa Kỳ đã bị các lực lượng cộng sản ở Campuchia bắt giữ, trở thành một sự kiện quốc tế. Phản ứng của Mỹ sau vụ việc cho thấy những vết thương của Chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục hằn sâu.
Chiều 12 tháng 5, tàu chở hàng Mayaguez cùng 39 thủy thủ đoàn bị một chiếc tàu chiến (thuộc loại PCF) của hải quân Campuchia bắt giữ. Campuchia khi đó đã rơi vào tay lực lượng nổi dậy cộng sản là Khơme Đỏ từ tháng 4 năm 1973. Chính quyền Campuchia đã bắt giam các thủy thủ đoàn của Mỹ trong khi chờ đợi một cuộc điều tra về con tàu và tại sao nó lại đi vào vùng lãnh hải mà Campuchia tuyên bố chủ quyền. Phía Mỹ phản ứng rất nhanh chóng. Tổng thống Gerald Ford gọi hành động bắt giữ tàu chở hàng của Campuchia là “cướp biển” và hứa sẽ nhanh chóng hành động để giải cứu những người Mỹ bị bắt.
Một phần thái độ hung hăng của Ford đối với sự kiện này là sản phẩm phụ từ sự thất bại của Mỹ ở Chiến tranh Việt Nam. Tháng 1 năm 1973, quân đội Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt nhiều năm tiến hành những nỗ lực bất thành dù đẫm máu để ngăn chặn chế độ cộng sản ở Việt Nam. Trong thời gian kể từ khi Mỹ rút quân, một số chính trị gia bảo thủ và trí thức ở Hoa Kỳ đã bắt đầu đặt câu hỏi về “sự tín nhiệm” của Mỹ trên trường quốc tế, cho rằng sự mất mát ý chí của Mỹ ở Việt Nam đã cổ vũ những hành động thách thức bởi những kẻ thù của Mỹ trên thế giới mà không bị trừng phạt. Việc Campuchia bắt giữ tàu Mayaguez có vẻ chỉ là một trong những thách thức như thế.
Ngày 14 tháng 5, Tổng thống Ford ra lệnh ném bom cảng Campuchia, nơi các tàu chiến Campuchia neo đậu và gửi lính hải quân tới đảo Koh Tang, nơi những thủy thủ Mỹ đang bị giam giữ. Thật không may là những hành động quân sự đó có vẻ là không cần thiết. Chính phủ Campuchia khi đó đã bắt đầu thả thủy thủy đoàn và con tàu Mayaguez. 41 người Mỹ đã thiệt mạng (trong đó có 15 lính Mỹ hi sinh khi tác chiến, 23 người thiệt mạng khi 3 chiếc trực thăng CH-53 bị bắn hạ, và 3 người mất tích, cùng 50 người bị thương), hầu hết là do các vụ nổ trong cuộc tấn công. Nhưng đa số người Mỹ lại cổ vũ hành động giải cứu bằng quân sự như một bằng chứng chứng tỏ rằng Mỹ một lần nữa đang sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để giáng xuống bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào.
Ảnh: Lính hải quân Mỹ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 4, lên tàu Mayaguez. Các chú thích trong ngoặc đơn là của người dịch.