Giới học giả: Cộng đồng quốc tế cần chung tay ngăn chặn hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông

Giới học giả: Cộng đồng quốc tế cần chung tay ngăn chặn hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông

Ngày đăng 13-05-2020

Biển Đông là vùng biển quan trọng với nhiều quốc gia và bất kỳ cuộc xung đột nào, thậm chí là xung đột quân sự cũng có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn. Để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như lợi ích của các bên, cộng đồng quốc tế cần phối hợp ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

\"\"/

Sơ đồ tuyến khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 8 trong vùng biển Việt Nam năm 2019

Luật sư Alexander Molotnikov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp lý châu Á, Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), Liên bang Nga nhận định những gì đang xảy ra ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang cố gắng làm tình hình căng thẳng hơn, bởi vì mọi người đều hiểu rằng trên toàn cầu đang tồn tại một số lượng lớn các tình huống có khả năng xung đột liên quan đến vấn đề lãnh thổ chủ quyền… Khi một trong các bên cố gắng thiết lập tên gọi cụ thể cho một số vùng lãnh thổ nhất định, thậm chí thiết lập các cấu trúc quản lý hành chính của đất nước, điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột đang bùng phát.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở phía bắc Biển Đông, bao gồm một phần của vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa là động thái cho thấy Trung Quốc không cho thấy mong muốn để có được giải pháp tích cực cho cuộc xung đột. Trong khi việc đánh bắt cá đang được thực hiện một cách bình thường, thì đột nhiên chính phủ của một quốc gia khác đưa ra lệnh cấm và cũng không công bố chi tiết nội dung của lệnh cấm này. Tất nhiên, nhiều ngư dân cũng như những người bình thường khác sẽ không hiểu, không xác định được vùng lãnh thổ này có xung đột hay không. Họ chỉ đi ra ngư trường truyền thống của họ. Nhiều người trong số họ, hoàn toàn có thể không biết rằng Trung Quốc áp đặt lệnh cấm như vậy. Có thể hình dung một tình huống khi ngư dân đi thuyền đến vùng lãnh thổ mà họ không biết về thực tế là một quốc gia khác đã thiết lập các quy tắc mới. Trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc hành động theo các quy tắc mà họ tự thiết lập, sau đó thông báo cho ngư dân rằng họ bị phạt vì vi phạm và như vậy mâu thuẫn sẽ nảy sinh, làm gia tăng khả năng xung đột ở vùng biển này.

Luật sư Alexander Molotnikov cho rằng Trung Quốc thực hiện các hành động gây bất ổn ở Biển Đông vào thời điểm này khi cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 bùng phát là nhằm tránh thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế về những hoạt động phi pháp đang diễn ra trên Biển Đông. Vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến một số lượng lớn các quốc gia, không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam. Về mặt pháp lý, UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia là văn bản pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề này. Theo đó, trong mọi trường hợp, tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế phù hợp với Công ước. Ở đây cần phải giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp pháp lý. Chúng ta nhận thức rõ rằng Biển Đông là vùng biển quan trọng với nhiều quốc gia và bất kỳ cuộc xung đột nào, thậm chí là xung đột quân sự cũng có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn.

Tiến sỹ Lê Thu Hường, nhà phân tích cao cấp thuộc Viện chính sách chiến lược Australia khẳng định, các hành động phi pháp liên tiếp gần đây tại Biển Đông đang làm cho Trung Quốc tự cô lập mình hơn nữa và làm giảm lòng tin của khu vực đối với nước này; nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là “hai đơn vị hành chính mới ở Biển Đông” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhằm “tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.” Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ quan trọng trong việc đấu tranh chống lại những hành động tái diễn của Trung Quốc. Philipines, thành viên ASEAN và Mỹ đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Mỹ đã có hành động quyết đoán hơn bình thường khi Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố khẳng định việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa là “nằm trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á nằm bên bờ Biển Đông”. Tiến sỹ Lê Thu Hường nhận định, việc Trung Quốc tận dụng “cơ hội chiến lược và tạo ra thực tế mới trên Biển Đông” chỉ làm suy giảm uy tín của nước này. Hành động của Trung Quốc đã chứng tỏ nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Việc tạo ra các đơn vị hành chính mới cho thấy Trung Quốc không có ý định thực thi cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua các quy trình của ASEAN, đi ngược lại với Tuyên bố  của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như tinh thần của Bộ Quy tắc ứng xử mà hai bên đang đàm phán”. Trung Quốc đang tự làm hại mình với hành động thiển cận, gia tăng lợi ích bằng sự kiểm soát hoàn toàn. Kết quả là Trung Quốc ngày càng bị cô lập và uy tín ngày càng giảm trong khu vực và với cả với những nước nhận được các thiết bị y tế mà Trung Quốc viện trợ trong đợt dịch bệnh này. Cũng không loại trừ khả năng các hành động hung hăng của “Trung Quốc có thể thúc đẩy Việt Nam đi đến các hành động pháp lý, điều mà Việt Nam luôn kiềm chế vì lợi ích của mối quan hệ song phương. Nếu Trung Quốc thành công trong việc kích động không chỉ một (trước đây là Philippines) mà là hai nước láng giềng chính thức có các hành động pháp lý chống lại mình thì điều này sẽ nói lên khả năng lãnh đạo trong khu vực của nước này chứ chưa nói đến tham vọng toàn cầu”.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia, thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia khẳng định những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại bởi Trung Quốc đã lợi dụng lúc cả thế giới đang tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống Covid-19 để tiếp tục đẩy mạnh các hành động sai trái ở Biển Đông. Theo chuyên gia Michael Shoebridge, Trung Quốc rõ ràng đang theo đuổi cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn vốn không có bất kỳ căn cứ nào theo luật pháp quốc tế như phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã làm rõ. Chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc đang hành động trái với luật pháp quốc tế khi theo đuổi các yêu sách này. Chúng ta cũng biết rằng, Trung Quốc đang chiếm đóng và kiểm soát các vùng lãnh thổ, các thực thể ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Và điều chúng ta đang thấy hiện giờ đó chính là việc Trung Quốc gia tăng các hành động có tính toán như vậy vào đúng thời điểm cả thế giới đang phải tập trung đối mặt với dịch Covid-19.

Chuyên gia Michael Shoebridge cho rằng cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Australia sẽ bị ảnh hưởng khi mà Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế. Bởi vì khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải có sự hợp tác toàn cầu và nếu không tuân thủ luật pháp quốc tế thì quốc gia đó rất khó để có thể cùng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Do đó, hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây cản trở đến đến hợp tác toàn cầu và tạo ra những ảnh hưởng tới kinh tế. Rất nhiều hàng hóa quốc tế được vận chuyển qua Biển Đông, nhiều hàng hóa của Australia cũng được vận chuyển qua vùng biển này. Vì vậy, các nước đều có lợi ích trực tiếp đối với việc tự do đi lại ở vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc đe dọa việc tự do đi lại ở Biển Đông, đâm tàu của các nước khác và cố tình để cho tàu chìm là những hành động cho thấy tự do hàng hải theo luật pháp và thông lệ quốc tế không được đảm bảo ở khu vực này. Điểm thứ ba cho thấy tác động đến Australia đó là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông và thể hiện tham vọng quân sự từ các thực thể này… Cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự đã thể hiện rằng hành động của họ không dựa trên luật pháp quốc tế và đây rõ ràng là hành động nguy hiểm khiến không chỉ Australia mà cả các quốc gia khác trong khu vực lo ngại. Australia không đứng về phía bên nào trong bất kỳ tranh chấp nào, tuy nhiên nên nhớ rằng, đó là việc không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp hợp pháp. Rõ ràng là với các hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế, dùng vũ lực như là việc đâm chìm tàu của các quốc gia khác… thì Australia có thể và nên đứng về phía lẽ phải. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc đâm chìm tàu của quốc gia khác mà hai nước đang không có chiến tranh thì rõ ràng là chính phủ Australia nên lên tiếng và các chính phủ khác cũng nên như vậy. Đây không phải là câu chuyện đứng về phía bên nào trong khía cạnh pháp lý về tham vọng chủ quyền mà là câu chuyện khi thuyền của một quốc gia đâm chìm thuyền của quốc gia khác, là vấn đề mà chúng ta có thể và nên tỏ rõ thái độ. Đáng chú ý, chuyên gia Michael Shoebridge nhấn mạnh sẽ tốt hơn nếu làm rõ rằng đây không phải là vấn đề song phương giữa những quốc gia nhất định mà đây là vấn đề quốc tế, là vấn đề khu vực và toàn thế giới cần ứng phó mạnh mẽ với cách hành xử của Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment