Trung Quốc và Lào tiếp tục khai thác thủy điện trên dòng Mêkong bất chấp hệ quả cho hạ nguồn!

Trung Quốc và Lào tiếp tục khai thác thủy điện trên dòng Mêkong bất chấp hệ quả cho hạ nguồn!

RFA
2020-05-12

\"HạnHạn hán lịch sử ở Sóc Trăng vào năm 2016. ReutersTrung Quốc và Lào tiếp tục khai thác thủy điện trên dòng Mêkong bất chấp hệ quả cho hạ nguồn!00:00/07:12 

Giới nghiên cứu và các nhà hoạt động môi trường đều thống nhất cho rằng các đập thủy điện lớn ở khu vực thượng nguồn sông Mekong, ngoài việc gây ra hạn hán ở lưu vực hạ nguồn do trữ nước vào mùa khô, còn gây ra nhiều tác động lớn đến nguồn lương thực ở các quốc gia ở lưu vực hạ nguồn khi làm gián đoạn sản lượng lúa và đánh bắt cá của người dân ở khu vực này.

Vào tháng 4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo năng suất lúa năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với ước tính trước đó do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn; điều này khiến việc thu hoạch thấp hơn 0,9% trong năm nay.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp & Nông thôn Việt Nam, cho rằng các công trình đập thủy điện ở lưu vực thượng nguồn đã làm thay đổi phù sa, nguồn nước và có tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản của Việt Nam:

“Rõ ràng là các nước ở hạ nguồn, đặc biệt là Việt Nam, phải chịu những cái tác động này. Chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng như là đời sống của đông đảo người dân ở hạ nguồn, nhất là người dân Việt Nam. Người mà chịu tác động của mất nguồn nước ở trên thượng nguồn, song song với quá trình biến đổi khí hậu khiến cho nước biển dâng và xâm nhập mặn, đặc biệt là tình hình như năm nay.”

Ông Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, cho biết những tác động trước mắt của các đập nước Trung Quốc cho thấy chế độ thủy văn đã trở nên bất thường, dẫn đến xâm nhập mặn nhiều hơn trước và đã ảnh hưởng đến khai thác lúa ở những vùng ven biển:

“Do đó việc khai thác lúa ở những vùng ven biển trước đây người ta vẫn có thể làm được 2 vụ; nhưng mà bây giờ chỉ còn được một vụ lúa thôi, thì có nghĩa là nông dân vùng ven biển, những người mà chưa có điều kiện để chuyển sinh kế thì họ rất là khó khăn. Còn ở những khu vực cao hơn, ví dụ như An Giang và Đồng Tháp, thì cái tác động nó cũng chưa rõ lắm, bởi vì trước mắt họ vẫn còn dùng máy bơm để họ có thể bơm nước được.”

Theo ông Phi, cứ đến năm nào xảy ra khô hạn, phía Trung Quốc cũng trữ nước nhiều hơn và gây ra ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy ở phía hạ lưu. Ông Phi cho biết, thời gian hạn hán ở ĐBSCL năm nay sẽ tiếp tục kéo dài, nhưng cũng tùy thuộc vào số lượng mưa sắp tới:

“Điều này tôi nghĩ nó còn phụ thuộc vào mưa. Nếu mà mùa mưa đến đều, thì Trung Quốc trước sau gì họ phải xả đập thôi, bởi vì khả năng chứa nó cũng có hạn; họ ưu tiên trữ nước để họ cung cấp cho họ trước, còn dư họ mới xả xuống. Thành ra nếu mưa đều, thì tình hình nó không đến nỗi, nhưng mà tôi cho rằng nó sẽ chậm hơn với mọi năm ít nhất từ 1 đến 2 tháng.”

Ngoài các đập thủy điện ở Trung Quốc và mấy đập đang xây, chính phủ Lào sẽ khởi công xây dựng con đập Sanakham trên sông Mekong vào cuối năm nay. Theo thông tin ghi nhận từ Reuters, đập thủy điện này được tiến hành bởi công ty thủy điện Datang Sanakham, một công ty con của công ty Datang của Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Lào trước việc thúc đẩy xúc tiến con đập thủy điện này. Nó được gọi là ‘đập phá hoại’ vì sẽ góp phần bóp nghẽn dòng chảy của sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á.

\"Bản

Bản vẽ dự án đập thủy điện Sanakham được đề xuất. Mekong River Commission

\"\"/

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ cho rằng những đập nước được xây gây gián đoạn cho dòng chảy xuống hạ lưu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn thủy sản ở khu vực ĐBSCL:

“Theo tôi biết là Trung Quốc đã xây rất nhiều cái đập; tiếp theo là Lào chuẩn bị xây cái đập khác, thì những cái đập đó đã làm cho các dòng chảy xuống hạ lưu bị gián đoạn, hoặc thay đổi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, nguồn cá và thay đổi về những đặc điểm như phù sa rất là lớn. Điều này đã đe dọa tình hình sản xuất, cũng như là sinh kế của người dân trong khu vực hạ lưu, ngay cả Lào, phía Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.”

Theo TS Lê Anh Tuấn, mặc dù người nông dân đã được khuyến cáo trước, vẫn có nhiều hộ bị thiệt hại khi không kịp canh tác sớm. Các vườn cây ăn trái và nguồn nước sinh hoạt của người dân ở vùng ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự thiếu nước ngọt. Ngoài ra, sự thiếu hụt phù sa gần đây đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL.

Dự án đập thủy điện Sanakham của chính phủ Lào sẽ phải qua quá trình tham vấn với Ủy hội Sông Mekong cùng các nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, TS Lê Anh Tuấn nhận định việc tham vấn này sẽ không có hiệu quả vì Việt Nam không có đủ tiếng nói để thay đổi những quyết định như vậy:

“Tôi không nghĩ Việt nam có thể làm gì được, mặc dù phải lên tiếng. Nhưng mà theo kinh nghiệm của tôi, từ khi cái đập Xayaburi tới đập Don Sahong, sắp tới đây là cái đập khác nữa, mình nói thì nói nhưng cuối cùng không có làm gì được. Cho nên các nhà khoa học và chính phủ họ tẩy chay các cái tham vấn như vậy, bởi vì họ thấy rằng những cái tham vấn đó không có ý nghĩ gì nữa.”

Ông Hồ Long Phi cũng cho rằng Việt nam không có lợi thế trong đàm phán xuyên biên giới với Ủy hội Sông Mekong:

“Cái lợi thế đàm phán ở đây thông thường có những mặt, thứ nhất là lợi thế về kinh tế tài chính; thứ hai là lợi thế về chính trị thể chế; cái thứ ba là lợi thế về công nghệ–cả 3 cái đó thì Lào không có phụ thuộc vào Việt Nam cái gì cả, có nghĩa là họ có thể làm bất cứ cái gì có lợi nhất cho họ. Thành ra Việt Nam không có lợi thế trong đàm phán là như vậy.”

Ông Hồ Long Phi cho rằng, việc làm khả thi và có hiệu quả hơn cho Việt Nam là chính quyền và người dân cần có phương án chuyển đổi sinh kế để làm sao cho việc sử dụng nước trở nên tiết kiệm và hiệu quả hơn:

“Những điều này tôi nghĩ với mức độ phát triển, tự động hóa công nghệ là không khó. Những nước sa mạc họ còn sống được với lượng nước ít hơn nhiều, thì tại sao mình không làm được? Khi Việt nam chủ động được cái đó, thì phía Trung Quốc họ không có ép được về mặt gì được hết.”

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào việc chuyển và trữ nước để bảo vệ các vườn cây ăn trái. Các phương án dài hạn sau đó bao gồm bố trí lại sản xuất để thu hẹp diện tích cây ăn quả, diện tích lúa 2 vụ, 3 vụ ra các vùng ven biển và bố trí lại dân cư cho hợp lý. Đồng thời, xây dựng các đường ống dẫn nước—đưa nước ở các vùng trên thượng nguồn xuống các vùng sản xuất, dân cư ở vùng ven biển.

Ngoài những giải pháp ngắn hạn và dài hạn nêu trên, tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục đàm phán với các nước trong khu vục sông Mekong; tiếp tục minh bạch thông tin và có các thỏa thuận giữa các nước ở khu vực thượng nguồn để tất cả có thể sử dụng dòng sông chung một cách hiệu quả và vững bền. Ông Sơn cho đó là nhiệm vụ quan trong nhất trong ngành ngoại giao, cũng như của tất cả người dân và nhà khoa học Việt Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment