Ngoại trưởng Đài Loan: « Chống Covid-19, chế độ chuyên chế Trung Quốc khó thể minh bạch »
Đăng ngày: 16/05/2020
Minh Anh
Trước những thành công chống dịch Covid-19 mà không cần thiết lập lệnh phong tỏa hà khắc như tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều nước lên tiếng ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
Nhân sự kiện cuộc họp đại hội đồng của WHO sắp diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ, từ ngày 17-21/05/2020, mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này, giới thiệu một số quan điểm của ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), ngoại trưởng Đài Loan về cuộc chiến chống dịch Covid-19, khả năng gia nhập WHO và mối quan hệ giữa Trung Quốc – Đài Loan hiện nay, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Adrien Simorre, ban tiếng Pháp đài RFI.
RFI : Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia, gần đây lên án Đài Loan có những lời lẽ phân biệt chủng tộc nhắm vào cá nhân ông ấy. Ngoại trưởng có quan điểm ra sao trước những cáo buộc này ?
Ông Ngô Chiêu Tiếp : Quả thật chúng tôi có nghe Tiến sĩ Tedros cáo buộc thẳng thừng Đài Loan là phân biệt chủng tộc và đã khởi xướng những lời lăng nhục kỳ thị nhắm vào ông ấy. Chúng tôi lấy làm tiếc trước những kiểu tấn công như thế. Nhưng tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng chính phủ Đài Loan không làm như vậy và chúng tôi cũng chưa bao giờ khuyến khích bất kỳ người dân Đài Loan nào hành động như vậy cả.
Đài Loan từ lâu đã bị gạt ra khỏi cộng đồng quốc tế và chúng tôi hiểu hơn bất kỳ ai khác tâm trạng bị đối xử kỳ thị. Kể từ khi được dân chủ hóa, Đài Loan luôn lên án mọi hình thức phân biệt đối xử, và cam kết của chúng tôi trên phương diện này mạnh hơn bất kỳ nước nào khác, chỉ vì chính bản thân chúng tôi đã bị gạt ra khỏi cộng đồng quốc tế.
Những lời cáo buộc này của ông Tedros được đưa ra ngay sau khi có nhiều quan chức chính phủ Đài Loan lên tiếng chỉ trích cách thức Tổ Chức Y Tế Thế Giới xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ. Ông có nghĩ rằng chính việc Trung Quốc gây ảnh hưởng (với WHO) đã dẫn đến hậu quả là thế giới chậm trễ phản ứng trước dịch bệnh ?
Thứ nhất, quả thật Đài Loan cũng nằm trong số những nước lên tiếng cho rằng một số quyết định của WHO có thể là sai lầm. Ví dụ như trường hợp người ta đã thấy rõ là khi dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc, thì Tổ Chức Y Tế Thế Giới lại khẳng định rằng giao thương quốc tế hay du lịch quốc tế vẫn nên tiếp tục. Đài Loan đã có lập trường riêng, nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất. Trên trường quốc tế, có rất nhiều chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng của WHO và những chỉ trích của Đài Loan cũng giống với những gì các nước khác đưa ra.
Điểm thứ hai, đó là những gì tự bản thân chúng tôi nhận thấy được. Ví dụ như bức thư mà chúng tôi gởi đến WHO hồi cuối năm 2019 để báo động nguy cơ lây nhiễm giữa người với người xung quanh thành phố Vũ Hán. Bức thư này vẫn không được hồi âm. Đây không phải là phương pháp làm việc phù hợp, nếu muốn hành động một cách minh bạch liên quan đến căn bệnh truyền nhiễm này.
Hệ quả là cộng đồng quốc tế gánh lấy dịch bệnh một cách nặng nề, không chỉ có Trung Quốc, mà cả châu Âu, Hoa Kỳ và giờ là châu Phi nữa. Vì lý do này mà chúng tôi cho rằng Tổ Chức Y Tế Thế Giới lẽ ra đã có thể làm được nhiều hơn để hiểu rõ hơn nguồn gốc và sự phát triển của dịch bệnh, và cho phép tất cả các nước trên thế giới chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch.
Đài Loan đã phản ứng rất nhanh ngay từ những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh. Điều gì giải thích cho phản ứng sớm này ?
Năm 2003, Đài Loan đã bị dịch SARS tấn công nặng nề, làm hàng ngàn người bị nhiễm bệnh và có số ca tử vong đáng kể. Đây là một bài học đau đớn cho chúng tôi, và từ đó chúng tôi hiểu rằng phải luôn sẵn sàng để đối mặt với một nguy cơ dịch bệnh mới.
Ngày 31/12/2019, tức đúng vào ngày chúng tôi gởi thư báo động cho WHO cũng như là nhiều thư điện tử cho chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đã bắt đầu cho kiểm soát tất cả các chuyến bay đến từ Vũ Hán để xác định những hành khách nào có những triệu chứng viêm phổi không điển hình.
Đến tháng Giêng năm 2020, vào lúc các báo cáo xung quanh một căn bệnh truyền nhiễm tại Vũ Hán tiếp tục được gởi về, Đài Loan đã cử các chuyên gia của mình đến tiến hành các cuộc điều tra tại chỗ. Dù rằng họ không thể thu thập được hết các thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, nhưng họ hiểu rằng có điều gì đó không bình thường đang diễn ra. Khi các nhà điều tra về đến Đài Loan, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng có một đợt dịch bệnh. Trung tâm chỉ huy chống dịch bệnh được kích hoạt cho phép áp dụng cách tiếp cận liên chính phủ để đối phó với dịch.
Rồi vào trung tuần tháng Giêng, ngay sau khi có xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Đài Loan, chúng tôi đã đình chỉ mọi chuyến bay đến từ Vũ Hán và đưa ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chận những dòng du khách đến từ những vùng bị nhiễm dịch nặng có thể vào Đài Loan. Chúng tôi cũng quyết định ngưng xuất khẩu khẩu trang y tế và khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt trong nước để bảo đảm mỗi công dân Đài Loan đều được bảo vệ.
Cuối cùng, chúng tôi cho thiết lập một cơ chế để có thể truy tìm được tất cả các điểm tiếp xúc của các ca nhiễm được xác nhận. Giới lái xe taxi đã được huy động sao cho việc vận chuyển một số người bệnh đến các trung tâm cách ly một cách an toàn, và chính quyền địa phương chăm lo cho những người bị cách ly.
Nhờ vào chiến lược này mà dịch bệnh ngày nay dường như trong tầm kiểm soát của Đài Loan. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không được an toàn chừng nào cộng đồng quốc tế chưa khống chế được dịch bệnh. Chính vì lý do này mà chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của mình với cộng đồng quốc tế.
Nhìn vào phản ứng có hiệu quả này, ông có nghĩ rằng tình hình thế giới có thể sẽ khác đi, nếu như Đài Loan là thành viên của WHO hay không ?
Thật khó hình dung được chuyện gì có thể xảy ra nếu như Đài Loan là thành viên, hay đơn giản chỉ là quan sát viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Trước tiên, tôi nghĩ rằng Đài Loan phải có quyền tiếp nhận tất cả các thông tin cần thiết từ phía WHO, ngay khi chúng tôi cần đến. Bởi vì, lúc này đây, quả thật là Đài Loan hầu như không thể tiếp cận các thông tin kịp thời từ phía WHO.
Một điểm khác nữa là chính những thông tin mà Đài Loan mong muốn chia sẻ với cộng đồng quốc tế đã không được truyền đi. Chúng tôi chỉ biết gửi các thông tin tới bộ phận phụ trách « Các quy định y tế quốc tế (IHR) », nhưng không biết là sau đó chúng đi đâu.
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có nghĩa vụ đến giúp đỡ những nước nào cần đến sự hỗ trợ của Đài Loan, nhất là bởi vì chúng tôi có những chuẩn mực về y tế cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực. Cơ chế tốt nhất có lẽ là thông qua WHO để đến giúp đỡ những nước đó, nhưng điều này vẫn chưa thể làm được trong hoàn cảnh hiện nay.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ cụ thể : Năm 2019, chúng tôi nhận thấy cuộc chiến chống virus Ebola rất quan trọng, và chúng tôi đã đề nghị một khoản hỗ trợ cho WHO để chống dịch. Thế nhưng, WHO đã bác đề nghị của chúng tôi.
Tình trạng này cho thấy Đài Loan cần phải tham gia vào WHO một cách trực tiếp hơn nữa, bất kể với tư cách là thành viên chính thức hay quan sát viên. Như vậy chắc chắn mới có lợi cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Hội đồng Y tế Thế giới của WHO sẽ diễn ra từ ngày 17 – 21/05/2020. Liệu ông có mong là sẽ có những tiến bộ thật sự cho việc Đài Loan gia nhập WHO hay không ?
Có hai cấp độ quan sát. Một mặt, điều này phụ thuộc vào thái độ của WHO, và nhất là từ ông tổng giám đốc, tiến sĩ Tedros. Nhìn vào các phản ứng và bình luận của ông ấy, chúng tôi không hy vọng lập trường của WHO có chút thay đổi nào về sự tham gia của Đài Loan. Chúng tôi cũng hình dung ra rằng Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực, không cho Đài Loan gia nhập. Trong những điều kiện này, khả năng Đài Loan có thể được cấp quy chế quan sát viên xem như rất hạn hẹp, nếu không muốn nói là không tồn tại.
Tầm mức thứ hai, chính là sự ủng hộ của quốc tế. Chắc chắn là có một nước từ chối sự tham gia của chúng tôi, nhưng còn có nhiều nước khác ủng hộ, đặc biệt là từ những nước mà chúng tôi cùng chia sẻ những giá trị chung. Gần đây, chính phủ Mỹ, Úc, New Zealand, Canada và Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia WHO.
Chúng tôi nhận thấy các nước châu Âu kín đáo bày tỏ là họ sẽ ủng hộ Đài Loan vào WHO. Tôi không thể nói với quý vị những gì họ đang trao đổi trong hậu trường, nhưng tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng số các nước châu Âu sẵn sàng viết thư yêu cầu WHO để Đài Loan tham gia vào tổ chức này là khá lớn. Ngay cả tại châu Mỹ Latinh, khu vực mà chúng tôi chỉ còn lại một đồng minh ngoại giao duy nhất, nhiều nước cũng sẵn sàng làm tương tự.
Khi gộp tất cả những tiếng nói này, người ta có thể nói là việc tán đồng Đài Loan gia nhập WHO như là một quan sát viên hiện nay đang lên đến đỉnh điểm. Kể từ giờ chúng tôi có một cơ sở tinh thần để yêu cầu WHO cấp cho chúng tôi quy chế thành viên quan sát.
Chính quyền Donald Trump mới đây thông báo rút đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO. Ông vẫn luôn tin vào tầm quan trọng và năng lực của định chế để tổ chức phối hợp y tế thế giới ?
WHO vẫn là tổ chức quốc tế duy nhất xử lý các vấn đề dịch tễ thế giới. Lẽ đương nhiên là có nhiều người lấy làm tiếc rằng WHO do một tác nhân duy nhất chi phối, và cho rằng WHO lẽ ra phải được cải tổ để vận hành một cách hiệu quả hơn. Quan điểm này chúng tôi cũng đồng tình, và chúng tôi nghĩ rằng cải cách đầu tiên mà WHO lẽ ra phải tiến hành là cho phép Đài Loan gia nhập.
Tiếp đến, mỗi nước có phương pháp riêng của mình thử suy nghĩ tìm cách để khuyến khích hay thúc đẩy WHO cải tổ một cách nghiêm túc, do vậy tôi sẽ không bình luận quyết định của tổng thống Trump. Những gì tôi thấy, đó là cả một nỗ lực của quốc tế để tìm hiểu, điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 và suy nghĩ một phương cách chung nhằm chống dịch bệnh. Tất cả những nỗ lực đều đáng quý cả, và điều quan trọng nhất đối với Đài Loan là có thể được tham gia vào nỗ lực này.
Trung Quốc dường như đang lao vào một chiến lược quảng bá về hiệu quả của mô hình chuyên chế trong việc xử lý dịch bệnh. Nền dân chủ Đài Loan thể hiện một mô hình phản biện không thể chối cãi. Phải chăng hệ thống dân chủ của Đài Loan đã giúp các ông chống chọi được với dịch bệnh ?
Vì quý vị đang ở Đài Loan, đương nhiên quý vị cũng có theo dõi các buổi họp báo của trung tâm chỉ huy của chúng tôi và thấy rõ cách thức các buổi họp báo diễn ra đều trên cơ sở một sự minh bạch toàn diện ! Quý vị có thể đưa ra bất cứ câu hỏi gì và giám đốc trung tâm chỉ huy sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi cho đến khi mối nghi ngờ nhỏ nhất được xóa tan. Sự minh bạch toàn diện này chỉ có thể tồn tại trong một hệ thống dân chủ. Điều này cho phép đáp ứng mong muốn tạo dựng niềm tin mạnh mẽ giữa người dân và chính phủ.
Còn ở bên kia, hệ thống của Trung Quốc cộng sản rất khác biệt, một hệ thống chuyên chế được ghi trong Hiến Pháp, không thể nào minh bạch, trung thực về tình hình dịch bệnh, bởi vì mục tiêu của họ là sự ổn định chế độ và củng cố quyền lực. Đây là một mối liên hệ với quyền lực rất khác biệt.
Kể từ khi tình hình đã được cải thiện ở trong nước, Trung Quốc quả thật bắt đầu cung cấp trang thiết bị y tế, bằng cách phô trương điều này dưới hình thức trao tặng và tìm cách đòi các nước tiếp nhận phải ca ngợi mô hình của Trung Quốc. Nhưng có nhiều quốc gia nhận thấy đó không phải là những khoản ban tặng mà là những là đợt giao hàng được bán với mức giá cao hơn thị trường rất nhiều, và một số nước cũng nhận thấy một phần trang thiết bị gởi đến đã bị hư hỏng. Do vậy, tôi nghĩ là Trung Quốc đã cố gắng « rao bán » mô hình của mình với cộng đồng quốc tế và tìm cách chứng tỏ tính ưu việt của mô hình đó, chẳng hạn so với mô hình của Đài Loan, thế nhưng cộng đồng quốc tế chối bỏ.
Tôi tin chắc rằng những nước chia sẻ cùng những giá trị với chúng tôi, nếu họ chú ý đến kinh nghiệm của Đài Loan, họ sẽ nhận thấy rằng các phương pháp dân chủ vẫn là tốt nhất để xử lý dịch bệnh, hơn là một cách tiếp cận chuyên chế.
Trong những thông báo gần đây, Trung Quốc bóng gió rằng Đài Loan rất có thể tận dụng dịch bệnh để tiến đến tuyên bố độc lập. Ông có thể cho biết rõ hơn lập trường của Đài Loan về vấn đề này hay không ?
Vào một thời điểm dịch bệnh đổ ập đến Đài Loan cũng như những nơi khác trên thế giới, điều duy nhất mà chúng tôi lo lắng là làm sao có khả năng đối phó với tình hình này và hỗ trợ tốt nhất phần còn lại của thế giới.
Nếu lấy ví dụ chiến dịch để gia nhập WHO, chúng tôi đã tiến hành việc này hàng năm kể từ những năm 2000, và năm nay chúng tôi chẳng làm gì hơn ngoài những gì chúng tôi đã làm trước đây.
Năm nay, còn có một sự khác biệt, đó là Đài Loan đã chứng tỏ được khả năng kềm hãm dịch bệnh, và vì lý do này, đã có một sự công nhận mạnh mẽ hơn cho việc Đài Loan gia nhập WHO. Và điều đó chẳng có liên hệ gì với việc Đài Loan mong muốn tuyên bố hay đòi độc lập.
Dù Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc thì ai cũng biết điều đó là sai, thực tế không phải như thế. Thực tế chính là Đài Loan đã tự thân tồn tại, rằng Trung Quốc và Đài Loan là khác nhau, và hai bên bờ eo biển Đài Loan được quản lý bởi hai chính phủ khác biệt.
Cho nên, cần cẩn trọng trước những gì Trung Quốc đang làm cho một số nước phải tin, thậm chí trước những gì Trung Quốc buộc những nước đó phải nói công khai, nhất là khi Bắc Kinh muốn làm cho mọi người tin rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng ngày càng có nhiều nước hiểu rõ tình hình thực tế của Đài Loan, rằng chúng tôi không phải là một phần của Trung Quốc. Và những gì chúng tôi mong muốn chính là duy trì nguyên trạng hiện nay sao cho mối quan hệ giữa đôi bờ eo biển có thể tiếp tục trong hòa bình và ổn định.